Ukraine ngày càng rối ren sau một năm chính biến

Phe đối lập ở miền Đông Ukraine (ảnh: AP)
Phe đối lập ở miền Đông Ukraine (ảnh: AP)
TPO - Ngay cả khi các bên đã ký thỏa thuận ngừng bắn, tiến hành trao đổi tù bình, thậm chí Tổng thống Ukraine Poroshenko cam kết sẽ chấm dứt cuộc chiến hiện nay... thì giới phân tích vẫn quan ngại và thẳng thừng nói rằng tình hình ở Ukraine vẫn hết sức rối ren, chưa hề sáng sủa.

Một năm chính biến, khói lửa


Cách đây hơn 1 năm, đụng độ giữa người biểu tình chống chính phủ của cựu Tổng thống Victor Yanukovych với cảnh sát chống bạo động đã làm khoảng 100 người thiệt mạng.

Phe biểu tình đổ lỗi cho các tay súng bắn tỉa của chính phủ còn cựu Tổng thống Yanukovych quy trách nhiệm cho người biểu tình đã kích động bạo lực và tranh cãi này còn tiếp diễn đến nay.

Ngày 20/2, tròn một năm diễn ra các cuộc biểu tình dẫn đến những bất ổn chính trị tại Ukraine, phát biểu tại thủ đô Kiev trước hàng nghìn người dân, Tổng thống Petro Poroshenko khẳng định sẽ chấm dứt các cuộc nổi dậy ở miền Đông.

Ukraine ngày càng rối ren sau một năm chính biến ảnh 1 Xe bọc thép Ukraine gần căn cứ quân sự ở làng Peski, vùng Donetsk ngày 16/2. (Nguồn: / TTXVN)
 “Chúng ta chỉ có thể bảo vệ được đất nước nếu chúng ta bảo vệ được sự đoàn kết, nếu chúng ta tránh được những tranh cãi nội bộ. Chúng ta đã chứng tỏ rằng chúng ta sẽ không để lực lượng của các nước láng giềng tạo ra sự sợ hãi, hoảng loạn và mất lòng tin vào sức mạnh của Ukraine. Chúng ta sẽ phá hủy viễn cảnh đó và chúng ta sẽ chiến thắng như đã từng chiến thắng”, ông Poroshenko nói.

 Mâu thuẫn tồi tệ

Sau một năm chính biến, tình hình Ukraine ngày càng tồi tệ hơn khi mâu thuẫn chính trị biến thành những cuộc giao tranh khốc liệt ở miền Đông. Bất chấp những nỗ lực ban hành lệnh ngừng bắn cho miền Đông Ukraine từ tháng 9 năm ngoái đến nay, giao tranh mới đây giữa lực lượng đối lập và quân chính phủ Ukraine đã biến thành phố xinh đẹp Debaltseve ở miền đông, trở thành hoang phế.

Một người dân ở Debaltseve bày tỏ: “Đã một tháng rồi chúng tôi chưa được tắm rửa. Chúng tôi sống trong giá lạnh và không có thức ăn, không có gì cả. Đây là những gì Tổng thống Poroshenko đã làm ra cho chúng tôi”.

Ukraine ngày càng rối ren sau một năm chính biến ảnh 2 Người dân Debaltseve nhặt nhạnh những gì còn sót lại

Nhằm chấm dứt tình trạng này, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 20/2 nhất trí rằng bất cứ nước nào không tôn trọng thỏa thuận ở Minsk về giải quyết khủng hoảng ở miền Đông Ukraine sẽ phải chịu trừng phạt.

Bà Merkel cho rằng, đạt được hòa bình ở Ukraine là mọt tiến trình khó khăn trong khi Tổng thống Hollande cho biết: “Lệnh ngừng bắn cần phải được tôn trọng nhưng điều đó luôn bị đe dọa và đã bị vi phạm một vài lần, đặc biệt là trong các cuộc giao tranh gần đây ở Debaltseve. Các bên cần phải thực hiện lệnh ngừng bắn trên mọi mặt trận.”

Tuyên bố này được cho là nhằm vào Nga bởi Ukraine và phương Tây lâu nay cho rằng Nga đã hậu thuẫn lực lượng đối lập ở miền Đông để “nuôi dưỡng” bất ổn tại Ukraine và đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Tuy nhiên, ngày 20/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Nga không dung thứ cho bất kỳ mưu đồ nào từ bên ngoài nhằm gây áp lực lên nước này.

Debaltseve tan hoang

Sau khi thỏa thuận Minsk 2 được ký kết, hy vọng về hòa bình ở miền Đông Ukraine vẫn hết sức mong manh. Súng vẫn nổ ở thị trấn Debaltseve, miền Đông Ukraine suốt một tuần qua cho tới ngày 20/2 mới tạm lắng.

Trong khi đó, chính quyền Ukraine liên tục đổ lỗi cho Nga về việc nước này cung cấp vũ khí cho phe đối lập, phương Tây và Mỹ cân nhắc thêm việc gia tăng trừng phạt, thì những người dân thường ở Ukraine đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do cuộc chiến gây ra.

Ukraine ngày càng rối ren sau một năm chính biến ảnh 3 Thị trấn Debaltseve tan hoang sau cuộc chiến (ảnh: AFP)

Vẫn chưa có ước tính cụ thể về mức độ thương vong dân sự. Nhưng căn cứ vào những gì đã xảy ra trong tuần qua, New York Times dự kiến, số người thương vong sẽ tăng lên đáng kể so với con số 5.600 binh sỹ và dân thường mà Liên Hợp Quốc ước tính kể từ khi cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine xảy ra tháng 4 năm ngoái.

Trước khi cuộc xung đột xảy ra, thị trấn Debaltseve vốn có khoảng 27.000 người dân sinh sống thì cho đến nay, sau những cuộc đấu súng ầm ĩ, thị trấn này chỉ còn lại khoảng 1.000 người dân.

Hầu hết những người dân còn lại là những người già, người quá ốm yếu hoặc quá cứng đầu.

Sau một tuần pháo kích, ngày 20/2, người dân Debaltseve mới bắt đầu ra khỏi hầm trú ẩn, với khuôn mặt sạm đen, quần áo tả tơi và bận rộn nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong đống đổ nát.

Một người đã về hưu Vasily G. Yegelsky, 77 tuổi, sau một buổi sáng mò mẫm cùng chiếc túi nilon rỗng đã chia sẻ: “Những gì xảy ra trong tuần qua thật là khủng khiếp”.

Nơi chiến hào mà những người lính Ukraine bỏ lại, ông Yegelsky và những người khác đi lang thang qua đó, cố tìm kiếm một cái gì đó để ăn. Thức ăn đóng hộp và những túi mì ống rơi vãi xung quanh.

Cuộc sống người dân, ai quan tâm?

Mới đây, một thỏa thuận ngừng bắn mới đã được ký ở Minsk, Belarus hay còn gọi là thỏa thuận Minsk 2 giữa các nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Đức, Ukraine.

Ngày 20/2, tại một cuộc họp báo ở Paris, Pháp, các nhà lãnh đạo đã khẳng định với các phóng viên rằng các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn mới sẽ  được tuân thủ.

Ukraine ngày càng rối ren sau một năm chính biến ảnh 4 Những giọt nước mắt rơi sau cuộc chiến (ảnh: DW)
Tổng thống Pháp Hollande nói: “Việc ngừng bắn đã bị vi phạm nhiều lần. Bây giờ nó phải được tôn trọng đầy đủ”.

Thế nhưng, những lời nói qua lại giữa nhà lãnh đạo lại khá xa vời với thực tế đáng buồn ở Debaltseve, miền Đông Ukraine.

Những ngôi nhà ở đây đều thiếu đi một mái nhà hoặc một cái cửa sổ. Dây điện rũ xuống lòng đường. Những miệng hố lớn ngoác ra vì bom đạn rải rác khắp những vỉa hè. Thậm chí, đạn pháo chưa nổ cũng có thể được tìm thấy cả ở trên mặt đất.

Một người phụ nữ già nua, bất chấp hiểm nguy, lao vào tìm kiếm thức ăn ở một căn hầm bị sập và nói: “Tôi đã sống phần lớn cuộc đời của tôi ở đây, đột nhiên chuyện này xảy ra khiến tôi bây giờ không một xu dính túi, không nhà cửa”.

Ông Yegelsky cũng cay đắng thốt lên: “Hai bên nên đồng ý ngừng bắn, dân thường như chúng tôi không đáng phải chịu đựng cuộc chiến này”.

“Không ai nghĩ đến chúng tôi, dường như cả 2 bên đều chỉ muốn xóa sổ Debaltseve khỏi mặt đất”, ông Yegelsky nói.

Kiev và phe ly khai trao đổi tù nhân


139 lính Ukraine và 52 phiến quân đã được trao đổi. Việc trao đổi tù nhân diễn ra ở một khu đất trống gần làng Zholobok, cách Luhansk khoảng 20 km về phía tây chiều tối qua.

Những người lính, trong đó một số người phải dùng nạng hoặc được di chuyển bằng cáng, đi bộ khoảng 3 km đến điểm trao đổi. Hiện chưa rõ quân đội Ukraine và phe ly khai bắt giữ bao nhiêu tù binh, mặc dù phiến quân Donetsk cho rằng Kiev đang giam 580 lính của họ.

TASS/Đài Tiếng nói nước Nga đưa tin, Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng ngày 21/2 thông báo vẫn còn tới 500 binh sỹ Ukraine đang bị vây hãm tại thị trấn Debaltsevo.

Các quan chức quân sự Nga và Ukraine giám sát tiến trình hòa bình hôm 20/2 tuyên bố chính phủ Ukraine và các phiến quân đã bắt đầu kế hoạch rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực giao tranh. Tuy nhiên, các nhà quan sát quốc tế cho biết họ chưa nhìn thấy dấu hiệu nào của việc rút vũ khí. 

Trong khi đó, Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga tiếp tục cáo buộc nhau về các cuộc tấn công, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn. "Một nhân viên đã thiệt mạng và 40 người khác bị thương", Andriy Lysenko, phát ngôn viên an ninh của Ukraine nói.




 
MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.