Theo trang tin Mỹ Business Insider, chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Kerry bộc lộ những mâu thuẫn quan điểm không khoan nhượng trong quan hệ Mỹ-Trung. Sau cuộc họp kín với Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị không có một dấu hiệu nào của sự nhượng bộ, dù ông Kerry đã nỗ lực thúc giục Trung Quốc hành động để giảm bớt căng thẳng trên biển Đông. Ông Vương Nghị ngang nhiên nói các công trình xây dựng ở biển Đông “hoàn toàn nằm trong chủ quyền của Trung Quốc” và tuyên bố: “Tôi muốn khẳng định lại rằng quyết tâm của Trung Quốc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình cứng rắn như tảng đá”. Trung Quốc còn bày tỏ quan ngại về khả năng Mỹ hiện thực hóa kế hoạch đưa máy bay quân sự và chiến hạm để kiểm soát quyền tự do hàng hải trên biển Đông. Mỹ tuyên bố, luật pháp quốc tế không công nhận một kiểu “chủ quyền” được sản xuất ra bằng việc bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo trên các rạn san hô chìm.
Ngoại trưởng Kerry nêu quan ngại của Mỹ trước tốc độ và quy mô mở rộng diện tích đảo mà Trung Quốc đang thực hiện trên biển Đông. Ông Kerry tin tưởng rằng, ông và ông Vương đồng thuận về vấn đề khu vực cần có một phương pháp “đối ngoại thông minh” nhằm tiến tới ký kết một bộ quy tắc ứng xử giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, không có tiền đồn cũng như “đường băng quân sự” trên các đảo nhân tạo.
Lầu Năm Góc báo động
“Người Mỹ luôn một tay chìa cành ô liu, còn tay kia cầm một cây gậy lớn khi thương lượng với các bên khác trên bàn đàm phán. Lầu Năm Góc đang nhằm mục tiêu ép Bắc Kinh phải nhượng bộ về vấn đề biển Đông, trong khi ông Kerry chìa ra nhánh ô liu về các quan ngại chung để trao đổi”, đại tá quân đội Trung Quốc nghỉ hưu Lý Kiệt nói. Ông Kerry tới Bắc Kinh để chuẩn bị cho cuộc đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên Mỹ-Trung cũng như chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng chủ đề biển Đông đã phủ bóng chương trình nghị sự.
Một quan chức ngoại giao Mỹ nói ông Kerry cũng cảnh báo việc Trung Quốc cải tạo đảo ở biển Đông có thể đem lại những hậu quả tiêu cực đối với sự ổn định khu vực và quan hệ với Mỹ. Chương trình xây dựng ồ ạt của Trung Quốc đã báo động các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế, khiến Bộ Quốc phòng Mỹ xem xét giải pháp phái máy bay, tàu chiến tới khu vực.
Giáo sư Ni Lexiong, chuyên gia quân sự ở Thượng Hải, cho rằng, Lầu Năm Góc chỉ muốn phô trương sức mạnh quân sự bằng động thái như vậy, nhằm nhắc nhở Trung Quốc rằng Mỹ mới thực sự là bá chủ thế giới. Việc phái chiến hạm và máy bay tới biển Đông cũng là một phần trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo ông Ni, Bắc Kinh sẽ cố gắng sử dụng các biện pháp hòa bình khi đàm phán với ông Kerry, nhưng Trung Quốc cũng cần chuẩn bị cho tất cả các kịch bản xấu nhất. Chuyên gia Vương Hàn Linh thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói lãnh đạo Trung Quốc sẽ không lùi bước khi đàm phán với ông Kerry về vấn đề biển Đông vì hải quân nước này ngày càng mạnh.
Giáo sư Shi Yinhong ở Đại học Nhân dân Bắc Kinh nhận định, việc Trung Quốc gấp rút xây đảo nhân tạo ở khu vực tranh chấp đã báo động Lầu Năm Góc. Ông Shi nói kế hoạch mở rộng đảo của Trung Quốc đã tăng tốc trong 5 tháng qua. Theo ông Shi, cảnh báo của Lầu Năm Góc sẽ gây căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung, nhưng nguy cơ xung đột quân sự không lớn do đôi bên đã đạt được hai thỏa thuận quan trọng vào cuối năm 2014.
Chuyên gia Prashanth Parameswaran viết trên tạp chí Nhật Bản The Diplomat rằng, chính sách của Mỹ tại châu Á chưa đạt được hiệu quả mong đợi và cần phải lựa chọn cách tiếp cận cứng rắn hơn. Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh bồi đắp và cải tạo tại biển Đông, phớt lờ luật pháp quốc tế, đồng thời trì hoãn việc thống nhất về quy tắc ứng xử với các nước ASEAN. Tạp chí Mỹ National Interest ngày 17/5 cho rằng, đây là lúc Mỹ cần đương đầu với Trung Quốc.