Biển Đông lại dậy sóng

Đường băng trên đảo Chữ Thập
Đường băng trên đảo Chữ Thập
TP - Nguy cơ một cuộc xung đột trên Biển Đông đã gần trở nên hiện thực hơn bao giờ hết…  

Mấy ngày gần đây, tình hình Biển Đông lại trở thành vấn đề được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm với việc Hội nghị cấp cao các nước ASEAN ra tuyên bố quan ngại sâu sắc trước hoạt động lấp biển tạo đảo ở Trường Sa; Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố có thể cho máy bay và tàu chiến tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang cải tạo phi pháp và việc Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận hoạt động này của Mỹ, đe dọa “sẽ có những biện pháp giáng trả cần thiết”. Nguy cơ một cuộc xung đột trên Biển Đông đã gần trở nên hiện thực hơn bao giờ hết…

Trung Quốc công khai ý đồ xây dựng “Chuỗi căn cứ Nam Hải”     

Từ đầu năm 2014, Trung Quốc đã ngấm ngầm nhưng ồ ạt tiến hành hoạt động lấp biển quy mô lớn để cải tạo các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa mà họ chiếm đóng trái phép vào các năm 1988, 1995. Mặc dù phía Trung Quốc giữ bí mật hoạt động phi pháp này, nhưng dần dần các thông tin và hình ảnh cũng bị báo chí quốc tế phanh phui. Đến ngày 24/1/2015, nhiều tờ báo Trung Quốc bắt đầu đăng tải các bài viết khoe khoang “thành tích” lấp biển biến bãi ngầm thành đảo nổi của họ.

Theo đó Trung Quốc đã huy động mấy chục tàu kéo, tàu vận tải, tàu chiến, sà lan, máy ủi, máy xúc…sử dụng công nghệ tiên tiến cuốc-nghiền-phun san hô, cát để lấp biển tạo đảo, trong đó có các tàu cuốc-nghiền-phun san hô Thiên Điện công suất tới 3.500m3/giờ, 4.000m3/giờ được huy động trong chiến dịch khổng lồ hòng nhanh chóng thay đổi ”thực tế trên hiện trường”, bất chấp những cam kết của họ khi đặt  bút ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC).

Cho đến nay, Trung Quốc đã và đang tiến hành bồi đắp, cải tạo và mở rộng biến các bãi ngầm thành đảo ở Gạc Ma (Johnson South Reef), Ga Ven (Gaven Reef), Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Tư Nghĩa (còn gọi là Huy Gơ - Hughes Reef) và Subi (Subi Reef).

Theo báo mạng Thiết Huyết, tính đến ngày 15/4/2015, bãi Chữ Thập đã được bồi đắp thành hòn đảo nhân tạo có diện tích tới 2,80 km2 rộng nhất quần đảo Trường Sa và tạm ngừng việc bồi đắp, chuyển sang giai đoạn thi công các công trình trên mặt đất.

Trong khi đó bãi ngầm Subi đã biến thành đảo nhân tạo có diện tích 2,75km2, đang tiếp tục tăng thêm và sẽ lớn hơn Chữ Thập. Đảo Chữ Thập sẽ được xây dựng thành căn cứ hải, lục, không quân có đường băng sân bay dài 3.040 m, một bãi đỗ máy bay 400x200m và các công trình phụ trợ chứa được 7 chiếc Su-27, 4 máy bay vận tải hạng trung và một số trực thăng, có cầu tàu lớn có thể neo đậu cùng lúc 2 tàu sân bay và vịnh kín sóng với cầu tàu có thể làm nơi trú bão gió cho các loại tàu thuyền.

Ý đồ chiến lược của Trung Quốc trong việc lấp biển tạo đảo ở Trường Sa đã bộc lộ rõ trong các bài viết đăng trên các diễn đàn Quân sự, Thiết Huyết. Theo đó, Trung Quốc sẽ xây dựng “Chuỗi căn cứ Nam Hải” (tức Biển Đông), bao gồm: căn cứ quân sự Tam Á Hải Nam, căn cứ trung chuyển Chư Bích (Subi), căn cứ quân sự Vĩnh Thử (Chữ Thập), căn cứ quân sự Mỹ Tế (Vành Khăn) và căn cứ quân sự Tăng Mẫu (James Shoal). Trung Quốc đánh giá “đây là công trình chiến lược thể hiện sự trỗi dậy của Trung Quốc, lớn hơn các công trình Thủy điện Tam Hiệp, Đưa nước ngọt miền Nam lên miền Bắc và Dẫn khí miền Tây về miền Đông trước đây”.

Mạng Thiết Huyết cho rằng, khi hoàn thành chuỗi căn cứ này, “Trung Quốc sẽ triệt để khống chế Nam Hải (Biển Đông), có thể nắm gọn 10 nước Đông Nam Á, Đông tiến Thái Bình Dương, Tây xuất Ấn Độ Dương, thẳng xuống Nam Cực” (!).

Biển Đông lại dậy sóng ảnh 1

Bãi đá Subi đang được Trung Quốc biến thành căn cứ quân sự khổng lồ

Không khó để những ai quan tâm theo dõi tình hình tranh chấp ở Biển Đông nhận ra rằng: Đây là bước đi mới của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách của họ về cái gọi là “Đường 9 đoạn”, âm mưu lèo lái cộng đồng thế giới công nhận quan điểm sai trái rằng Biển Đông thuộc về họ.

Ý đồ đầu tiên của Trung Quốc được cho là liên quan đến lĩnh vực quân sự. Tạp chí nghiên cứu quốc phòng nổi tiếng Janes Defense đã gọi các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp là một chuỗi pháo đài giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực khống chế toàn khu vực, cả trên không lẫn trên biển.

Một chuyên gia phân tích đã không ngần ngại gọi mỗi đảo nhân tạo là một “tàu sân bay không thể đánh chìm”. Theo chuyên gia Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, đảo nhân tạo tại Biển Đông sẽ không chỉ là kho tiếp liệu cho các chiến hạm Trung Quốc mà còn là nơi cung cấp hậu cần và điểm dừng cho các tàu đánh cá hay tàu cảnh sát biển Trung Quốc.

Ngay cả khi không sử dụng các đảo nhân tạo này vào mục tiêu quân sự chính thống, thì Bắc Kinh cũng có thể dùng chúng làm chỗ dựa cho lực lượng tàu bán quân sự và tàu dân sự từng được Trung Quốc dùng làm phương tiện áp đặt chủ quyền trên Biển Đông. Ý đồ thứ ba được các chuyên gia đề cập đến là khả năng Trung Quốc sẽ tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông sau khi các cơ sở quân sự, đặc biệt là đường băng và radar trên các đảo nhân tạo này được hoàn tất và đi vào hoạt động.

Tuyên bố không úp mở của Ngoại trưởng Trung Quốc tại một cuộc họp báo quốc tế, về quan điểm từng bị tố cáo là Bắc Kinh muốn biến Biển Đông thành ao nhà của mình, đã làm dấy lên nhiều chỉ trích. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia bày tỏ thái độ sửng sốt trước một tuyên bố vừa “thô bạo”, vừa “ngạo mạn”, vừa phản lịch sử, vì chính Trung Quốc mới là nước chiếm đóng nhà của người khác.

Ông cho rằng cách dùng từ ngữ này cho thấy Trung Quốc “đã leo thang trong hành động biện minh cho các hành động của họ, chuyển từ việc khẳng định “chủ quyền lịch sử” đối với các đảo và “vùng biển tiếp giáp”, sang việc tuyên bố quyền sở hữu đối với các thực thể như đảo đá, rạn san hô hay các bãi ngầm khác”.

Tình hình Biển Đông sẽ ngày càng căng thẳng

Biển Đông lại dậy sóng ảnh 2

Công trường cải tạo bãi Subi

Trước những phản ứng mạnh mẽ của quốc tế và tuyên bố cứng rắn của Mỹ, ngày 7/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngang nhiên tuyên bố: Trung Quốc không loại trừ khả năng thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên các vùng biển tranh chấp và các đảo ở Biển Đông. Điều này đã buộc Mỹ phải tìm cách tăng thêm áp lực.

Ngày 12/5, các quan chức Mỹ tuyên bố Hải quân nước này sẽ điều tàu chiến và máy bay tới gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông, một động thái thách thức “tuyên bố đòi chủ quyền” trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã yêu cầu các cộng sự tìm hiểu những biện pháp như điều máy bay do thám tới giám sát các đảo tranh chấp trên Biển Đông và cử các tàu Hải quân Mỹ đi vào bên trong vùng biển rộng 12 hải lý xung quanh các bãi đá mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền và đang tiến hành bồi đắp thuộc quần đảo Trường Sa để “thể hiện rõ tự do hàng hải tại một khu vực quan trọng đối với thương mại thế giới”.

Đây là cách Mỹ bày tỏ không thừa nhận quan điểm dùng các bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa để tạo ra hiệu lực trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán theo quy định của UNCLOS 1982, cho dù Trung Quốc hiện đang cố đầu tư cải tạo biến các bãi cạn này thành đảo. Trước đó, ngày 11/5, Mỹ đã phản đối việc một tàu quân sự của Mỹ đã bị một tàu khu trục Trung Quốc bám đuôi khi đang hoạt động trên vùng biển quốc tế ở Trường Sa.

Đáp trả quan điểm của Mỹ, ngày 13/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Trung Quốc “cực kỳ quan ngại” kế hoạch xem xét đưa tàu và máy bay quân sự đến các vùng biển đang có tranh chấp ở biển Đông của Bộ Quốc phòng Mỹ.Bà ta nói: “Trung Quốc sẽ kiên định bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; yêu cầu các bên hữu quan thận trọng trong lời nói và việc làm, không được có bất cứ hành động mạo hiểm, khiêu khích nào để giữ gìn hòa bình, ổn định trong khu vực”.

Tình hình Biển Đông sẽ diễn biến theo chiều hướng nào? Quan hệ Trung-Mỹ sẽ đi về đâu, dư luận đang chờ đợi câu trả lời từ chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry diễn ra trong hai ngày 16 và 17/5.

MỚI - NÓNG