Tòa trọng tài quốc tế và vụ Philippines kiện Trung Quốc

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn thay mặt Chính phủ Việt Nam và Tổng Thư ký PCA Hugo Hans Siblesz thay mặt PCA ký Hiệp định nước chủ nhà và Thư trao đổi về hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và. PCA Ảnh: TTXVN
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn thay mặt Chính phủ Việt Nam và Tổng Thư ký PCA Hugo Hans Siblesz thay mặt PCA ký Hiệp định nước chủ nhà và Thư trao đổi về hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và. PCA Ảnh: TTXVN
TP - Philippines năm ngoái nộp hồ sơ kiện Trung Quốc ra  Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về vụ tranh chấp giữa hai nước về chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông, nhưng Bắc Kinh từ chối tham gia quá trình tố tụng. Ngày 3/6, PCA thông báo Tòa đã yêu cầu Trung Quốc đến ngày 15/12 phải nộp hồ sơ phản biện vụ Philippines kiện Trung Quốc. 

Trao đổi với Tiền Phong, Giáo sư người Úc Carlyle Thayer, chuyên gia về chính trị - an ninh châu Á-Thái Bình Dương, nói rằng, theo một số chuyên gia luật quốc tế, PCA sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình tương đối sớm - trong vòng 2 năm - vì Trung Quốc phớt lờ vụ kiện của Philippines. “Một số luật sư khác cho rằng, PCA sẽ tránh đưa ra một quyết định thực sự quan trọng vì họ có sự phân nhánh về chính trị. Philippines ước tính rằng, phải mất 3-4 năm tòa mới ra được quyết định cuối cùng”, GS Thayer nói. 

Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Hoàng Duy Hùng, Việt kiều Mỹ có bằng tiến sĩ luật tại Mỹ và hành nghề luật gần 20 năm, nói rằng, trước việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan dầu Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, nếu chưa làm được như phía Philippines, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có thể kiện Tổng Cty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC). 

Luật sư Hùng cho rằng, chiến thuật của Trung Quốc là khiêu khích cho Việt Nam hay Philippines dùng hải quân đánh họ trước thì lúc đó Trung Quốc mới danh chính ngôn thuận dùng hải quân chiếm cả biển Đông theo bản đồ đường lưỡi bò mà họ đã áp chế sẵn. Các quốc gia có tranh chấp ở biển Đông, từ Philippines cho đến Việt Nam, vì là những nước nhỏ nên phải nhẫn nhịn sử dụng phương thức ôn hòa để đối phó với Trung Quốc, ông Hùng nói.

Theo luật sư Hùng, phương thức ôn hòa tốt nhất chính là giải pháp ở tòa án quốc tế. “Nhưng nếu chưa kiện được với tư cách của một quốc gia với một quốc gia như Philippines đã làm, doanh nghiệp dầu khí của Việt Nam nên kiện ngay công ty dầu khí CNOOC của Trung Quốc, kiện ở Mỹ, vì CNOOC có chi nhánh ở Mỹ”, luật sư Hùng đề xuất.

Việt Nam chính thức công nhận tòa trọng tài quốc tế

Ngày 23/6, tại Hà Nội, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn ký Hiệp định nước chủ nhà và Thư trao đổi về hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) với Tổng Thư ký PCA Hugo Hans Siblesz.

Từ nay, Việt Nam chính thức công nhận PCA có tư cách pháp lý cần thiết để tiến hành hoạt động giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế thông qua trọng tài, trung gian, hòa giải và ủy ban điều tra, cung cấp các hỗ trợ thích hợp khác liên quan hoạt động giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế do PCA thực hiện tại Việt Nam, cũng như tiến hành các hoạt động hợp tác với Việt Nam. 

Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động này của PCA tại Việt Nam, Vụ Thông tin báo chí - Bộ Ngoại giao cho biết. Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ của PCA trong việc đào tạo cán bộ pháp lý. PCA sẽ cung cấp cho Chính phủ Việt Nam thông tin chung hoặc tư vấn về các vấn đề thủ tục thuộc quy trình trọng tài quốc tế do PCA điều hành.

Sau lễ ký, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Tổng Thư ký PCA Hugo Hans Siblesz. Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò của PCA trong việc hỗ trợ các quốc gia giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế bằng thủ tục trọng tài. 

Phó Thủ tướng hy vọng rằng, việc ký kết Hiệp định nước chủ nhà và thư trao đổi về hợp tác giữa Việt Nam và PCA sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên và bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của PCA trong việc đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ pháp lý Việt Nam để phục vụ đất nước trong quá trình hội nhập.

Được thành lập năm 1899, PCA hoạt động chính trong lĩnh vực luật môi trường quốc tế. Tổ chức có trụ sở tại La Hay (Hà Lan) này cung cấp cơ chế phân xử trọng tài cho các bên tranh chấp, nhưng không có cơ chế thực thi phán quyết. PCA từng làm trọng tài cho nhiều vụ tranh chấp quốc tế, như vụ việc giữa Ireland và Anh, giữa Barbados và Trinidad & Tobago, giữa Guyana và Suriname, giữa Malaysia và Singapore. Trường hợp giữa Malaysia và Singapore liên quan việc Singapore giải tỏa đất đai trên và xung quanh eo biển Johor. Năm 2003, Malaysia kiện lên PCA dựa trên Điều 287 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Điều 1 của Phụ lục 7 của UNCLOS. Cuối cùng, hai nước ký thỏa thuận đồng ý giải quyết vào năm 2005.

Quốc hội Na Uy quan tâm tình hình biển Đông

Hôm qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai ngày 20/6 gặp làm việc với bà Anniken Huitfeldt, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng của Quốc hội Na Uy, để thông báo việc Trung Quốc cử lực lượng hộ tống gồm hàng trăm tàu chấp pháp, tàu chiến, máy bay quân sự để đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở biển Đông. 

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Quốc hội Na Uy bày tỏ quan tâm tình hình vụ việc nêu trên và khẳng định luật pháp quốc tế phải là cơ sở để giải quyết các tranh chấp quốc tế hiện nay, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông.

MỚI - NÓNG