Chương trình do Trung ương Đoàn tổ chức tại Bắc Giang với sự tham gia của 350 đoàn viên, thanh niên, chủ hợp tác xã và các chuyên gia, TikToker nổi tiếng. Tại chương trình, Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương chia sẻ, diễn đàn chuyển đổi số này tập trung vào sản phẩm OCOP và đáp ứng mong muốn của tỉnh Bắc Giang quảng bá về du lịch. Diễn đàn có tổ chức tập huấn cho các mô hình kinh tế, hợp tác xã thanh niên và người dân trong việc chuyển đổi và ứng dụng công nghệ số quảng bá du lịch và sản phẩm OCOP.
Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Thắng |
Các chuyên gia, diễn giả, các nhà bán hàng trên TikTok trải nghiệm các điểm du lịch tỉnh Bắc Giang và giới thiệu về du lịch, sản phẩm của tỉnh Bắc Giang đến nhiều người trong và ngoài nước. Buổi sáng nay (24/6), các TikToker đã livestream bán được 50 tấn hàng là sản phẩm của tỉnh Bắc Giang, trong đó bán hết số lượng mỳ chũ cho thấy hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ số.
“Tôi mong muốn các chuyên gia, nhà bán hàng chia sẻ những mô hình hay, cách làm sáng tạo và những khó khăn gặp phải trong quá trình quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trên phương tiện số đến đoàn viên, thanh niên tại diễn đàn. Đoàn viên, thanh niên tham gia diễn đàn lan tỏa kiến thức về chuyển đổi và ứng dụng công nghệ số trong việc quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang đến với nhiều người”, anh Cương cho hay.
Đoàn viên, thanh niên tham dự diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Thắng. |
Tạo diễn đàn, đại diện TikTok Việt Nam cho biết, TikTok Việt Nam giúp các địa phương bằng cách làm chuyển đổi số thực chiến. Sáng 24/6, các TikToker nổi tiếng tiến hành livestream bán sản phẩm đặc trưng của Bắc Giang, trong đó có mỳ Chũ và vải thiều đã có khoảng 1,6 triệu người xem, doanh số thu hơn 1 tỷ đồng.
TikTok Việt Nam chạy 3 tuyến chương trình phát triển sản phẩm các địa phương, hỗ trợ truyền thông quảng bá giá trị khoảng 70 tỷ đồng. Bắc Giang là tỉnh đầu tiên kết hợp thương mại điện tử bán sản phẩm địa phương và quảng bá du lịch.
TikToker Nguyễn Thị Tường Thảo (ở giữa) và Chiêu An Giang (đầu tiên) Livestream bán vải thiều nằm trong chương trình tập huấn tại diễn đàn. Anh:Nguyễn Thắng. |
Cũng tại chương trình, đoàn viên, thanh niên được các TikToker nổi tiếng chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng kênh bán hàng của mình. Theo chị Nguyễn Thị Tường Thảo (đến từ Lâm Đồng) với kênh “Món lạ vườn nhà”, trước kia, chị làm ở Sài Gòn, sau dịch COVID – 19, chị về Lâm Đồng và xin vào làm ở một hợp tác xã rau sạch. Chị thấy ở hợp tác xã này có nhiều thứ hay nên muốn lan truyền cho mọi người. Bởi vậy, chị làm kênh trên TikTok kể câu chuyện của mình làm ở hợp tác xã rau sạch và được nhiều người xem, rồi hỏi mua sản phẩm. Sau 6 tháng, chị bán được 350 nghìn đơn hàng, với 8 tấn rau.
TikToker Chiêu đến từ An Giang chia sẻ, anh xây dựng kênh của mình bắt nguồn từ câu chuyện về người mẹ tuyệt vời và tình yêu nông sản quê hương đã giúp anh có được nhiều người theo dõi và quảng bá các sản phẩm.
Đại diện của Trung ương Đoàn và các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Nguyễn Thắng. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết, tỉnh Bắc Giang đã hình thành vùng nguyên liệu tập trung phục vụ sản xuất sản phẩm OCOP, quy trình chăm sóc được chuẩn hóa, đạt tiêu chuẩn quốc gia và hướng tới xuất khẩu. Quy mô sản xuất của các chủ thể OCOP đã tăng lên, thực hiện liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử. Đặc biệt, chuyển đổi số giúp nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh Bắc Giang đã có mặt ở các thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Đến nay, Bắc Giang đã có 205 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 31 sản phẩm 4 sao và 174 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm được chứng nhận OCOP đã gia tăng về số lượng, kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được nâng cao, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của vùng, miền của tỉnh, đáp ứng tốt cho nhu cầu của thị trường.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn phát biểu tại diễn đàn.Ảnh: Nguyễn Thắng. |
Theo ông Mai Sơn, diễn đàn này là cơ hội để các đơn vị hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh thanh niên trên địa bàn tỉnh Bắc Giang được tiếp cận, kết nối với các chuyên gia trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP và chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong các hoạt động ứng dụng chuyển đổi số.
“Tôi nhận thấy đây là diễn đàn cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi tỉnh Bắc Giang đang chú trọng xây dựng nền kinh tế số trong xúc tiến quảng bá các sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương để phát triển kinh tế”, ông Sơn chia sẻ.