Chương trình nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời hỗ trợ thanh niên nông thôn, chủ thể OCOP tỉnh Bắc Giang chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ nông sản, có cơ hội để dễ dàng tiếp cận đến nhiều người tiêu dùng, từ đó phát triển kinh tế địa phương.
Đoàn viên, thanh niên nông thôn tham gia buổi tập huấn. Ảnh: Nguyễn Thắng. |
Tại chương trình, đoàn viên, thanh niên tỉnh Bắc Giang được tập huấn kỹ năng bán các sản phẩm OCOP trên nền tảng thương mại điện tử xã hội. Đoàn viên, thanh niên cùng các TikToker, nhà bán uy tín hàng đầu tham gia livestream trực tiếp bán sản phẩm nông sản địa phương. Các TikToker nổi tiếng hướng dẫn thanh niên là chủ thể có sản phẩm OCOP thực hành kỹ năng bán hàng trực tiếp.
Đoàn viên và thanh niên cùng các TikToker Livestream bán vải thiều Bắc Giang. Ảnh: Nguyễn Thắng. |
Theo anh Cảnh Chí Quân - Phó trưởng Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn, thương mại điện tử đã trở thành một phương thức mua bán ngày càng phổ biến và quan trọng trong thời đại công nghệ 4.0. Việc chuyển đổi từ việc bán hàng truyền thống sang thương mại điện tử đã mở ra một cánh cửa mới cho người dân, đặc biệt là các nông dân và nhà sản xuất nông sản.
Thanh niên có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nông dân tham gia vào thị trường thương mại điện tử. Việc hỗ trợ người dân bán nông sản trên thương mại điện tử giúp tạo ra một kênh mới cho nông dân và nhà sản xuất nông sản tiếp cận một số lượng lớn khách hàng tiềm năng, không chỉ ở trong nước mà còn trên toàn cầu.
Thanh niên nông thôn trải nghiệm bán vải thiều bằng TikTok. Ảnh: Nguyễn Thắng. |
Thanh niên hỗ trợ người dân bán nông sản trên thương mại điện tử cũng giúp tiết kiệm thời gian và chi phí giao tiếp, giảm bớt sự phụ thuộc vào trung gian và giúp giảm các rủi ro liên quan đến việc vận chuyển và bảo quản hàng hóa.
Theo anh Quân, thời gian qua, Trung ương Đoàn xác định rõ vai trò và trách nhiệm trong việc hỗ trợ thanh niên nông thôn áp dụng công nghệ cao và ứng dụng chuyển đổi số vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết nối cung cầu nhằm hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa cho hợp tác xã, doanh nghiệp.
TikToker hướng dẫn thanh niên nông thôn tỉnh Bắc Giang Livestream bán vải thiều. Ảnh: Nguyễn Thắng |
Trong bối cảnh những tác động rất lớn của dịch bệnh COVID-19, sự biến đổi rất lớn về nhu cầu tiêu dùng và thị trường, việc áp dụng chuyển đổi số là tất yếu, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại sản phẩm nông sản, trong đó có sản phẩm OCOP.
Một đoàn viên theo dõi bán vải thiều bằng TikTok tại buổi tập huấn. Ảnh: Nguyễn Thắng. |
“Thông qua lớp tập huấn này, thanh niên nông thôn hiểu rõ hơn về thương mại điện tử, đặc biệt là kỹ năng livestream và bán hàng gắn với chuyển đổi số, góp phần đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, thuận lợi nhất. Trung ương Đoàn sẽ luôn đồng hành với các Tỉnh và Thành Đoàn trên cả nước tổ chức các đợt tập huấn chuyên sâu hơn nữa, trong đó có nội dung chuyển đổi số”, anh Quân nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ của chương trình, trước đó, ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang tiếp và làm việc với đoàn KOLs của TikTok, với hơn 70 người sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok đến từ các vùng miền trên đất nước. Mục đích của đoàn là trải nghiệm, quảng bá giới thiệu về vùng đất, con người và những sản phẩm đặc trưng của Bắc Giang.
Các TikToker nổi tiếng tham quan chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên, Bắc Giang). |
Trong thời gian ở tại Bắc Giang, đoàn sẽ đi thăm một số điểm như Chùa Bổ Đà (Việt Yên), chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng), Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động); trải nghiệm hái vải thiều và thăm làng mỳ Chũ, hồ Cấm Sơn tại huyện Lục Ngạn. Bên cạnh đó, đoàn sẽ trải nghiệm hái vải đêm cùng người dân bản địa và thưởng thức ẩm thực địa phương.
Các TikToker nổi tiếng tham quan Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (huyện Sơn Động, Bắc Giang). |
Hành trình trải nghiệm của các nhà sáng tạo nội dung nằm trong chiến dịch Bắc Giang đa sắc. Đây là một chiến dịch mang tính toàn diện, kể những câu chuyện đặc sắc về Bắc Giang thông qua cảm nhận thực tế của KOLs (nhóm trải nghiệm có ảnh hưởng trên mạng xã hội) để từ đó truyền cảm hứng cho công chúng về một điểm đến du lịch mới, hướng tâm, hướng văn hoá đáp ứng các nhu cầu của du khách tìm về văn hoá, ẩm thức, cảnh sắc và con người bản địa.