Những người trẻ nâng tầm giá trị nông sản

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhận thấy có nguồn nguyên liệu dồi dào, nhiều bạn trẻ nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp với những sản phẩm mới lạ và tìm cách đưa chúng đến với số đông người tiêu dùng.
Những người trẻ nâng tầm giá trị nông sản ảnh 1
Chị Ðỗ Thị Xuân Diệu đưa sản phẩm chế biến từ quả lêkima thi khởi nghiệp tại TPHCM hồi tháng 10/2022

Liên kết với nông dân

Tò mò ăn thử, Đỗ Thị Xuân Diệu (31 tuổi, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Dika Happy mê luôn loại quả lêkima (hay còn gọi là quả trứng gà). Chị quyết định khởi nghiệp với loại quả này theo cách của riêng mình. “Ngoài thị trường chỉ có bán quả lêkima tươi, còn chế biến sâu thành lêkima sấy dẻo hay bột lêkima, có thể nói đơn vị mình đang là người tiên phong”, Diệu nói.

Theo Diệu, đây là loại trái cây dân dã, giàu chất dinh dưỡng và năng lượng, đặc biệt chứa nhiều chất oxy hóa, canxi và các loại vitamin… Trong kinh nghiệm dân gian, loại trái cây này có tác dụng chống viêm, hỗ trợ giải độc gan, chống oxy hóa, ngăn ngừa bệnh tim mạch. Nhiều nghiên cứu trên thế giới gọi lêkima là “siêu thực phẩm mới”, trong khi ở nước ta loại trái cây này chưa được khai thác hiệu quả. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, loại trái cây này khá phổ biến nhưng chưa được chú trọng.

Từ tháng 5/2021, vợ chồng Diệu lên kế hoạch sản xuất, từ việc tìm nguồn nguyên liệu, đến nghiên cứu chế biến... “Chồng tôi tốt nghiệp thạc sĩ công nghệ thực phẩm, phụ trách nghiên cứu chế biến, còn tôi phụ trách tìm nguyên liệu, xây dựng kế hoạch kinh doanh” - nữ giám đốc trẻ cho biết.

Sau gần cả năm mày mò, thử nghiệm, Diệu đã thành công với sản phẩm lêkima sấy dẻo, bột lêkima; và chuẩn bị có thêm sản phẩm bánh, trà… “Có sản phẩm mới lạ nhưng muốn khách hàng đón nhận là cả một hành trình. Mình tham gia các phiên chợ nông sản để giới thiệu “đứa con tinh thần”, mời khách dùng thử, rồi tham gia các cuộc thi khởi nghiệp… Mục đích làm sao để tiếp cận được khách hàng càng nhiều càng tốt”, Diệu chia sẻ.

Cô gái 9X Nguyễn Thị Kim Oanh, nhà sáng lập dự án Đất Nắng (ở Ninh Thuận) cũng đã rất chật vật khi lặn lội đưa táo sấy, dưa lưới sấy dẻo tiếp cận thị trường TPHCM. Ninh Thuận có vựa táo lớn nhưng nông dân thường lâm vào cảnh “được mùa mất giá”. Do đó, Oanh và những người bạn đã liên kết cùng nông dân lập nông trại, vừa bán sản phẩm tươi, vừa chế biến sau thu hoạch.

“Mình đầu tư máy móc, nhà xưởng, ứng dụng công nghệ sấy hiện đại để chế biến táo, dưa lưới. Táo sẽ tách hạt để trẻ em có thể yên tâm sử dụng. Các sản phẩm sấy đều không dùng chất bảo quản, hương liệu để an toàn sức khỏe người dùng”, Oanh cho biết.

Những người trẻ nâng tầm giá trị nông sản ảnh 2
Nữ startup trẻ Nguyễn Thị Kim Oanh (bên trái) giới thiệu táo sấy dẻo cho khách hàng

Sản phẩm ra mắt hồi tháng 4/2021. Táo sấy, dưa lưới sấy được chế biến thuần tự nhiên, thời gian bảo quản không được lâu nên gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm đi xa. “May mắn, thời điểm này gần Tết, TPHCM có nhiều hội chợ, triển lãm sản phẩm mới, mình đều tìm đến bán hàng và được khá nhiều khách quan tâm. Hy vọng sản phẩm trái cây sấy dẻo này sẽ góp phần làm phong phú thêm sản phẩm Tết năm nay và tìm được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng”, cô gái trẻ kỳ vọng.

Trong khi đó, chàng trai dân tộc Tày Dương Hữu Điện lại chọn khởi nghiệp với cây mắc mật - loại cây gia vị đặc trưng của vùng Đông Bắc bộ. Điện kể, nhiều lần anh chứng kiến quả mắc mật bán cho thương lái với giá rất rẻ, giá trị mang lại không cao. Trong khi đó, loại gia vị này ngày càng được sử dụng phổ biến ở thị trường nội địa. Nhận thấy mắc mật có tiềm năng, Điện tìm cách nâng cao giá trị gia tăng. Cậu đã nghiên cứu và chế biến lá, quả mắc mật thành nước sốt, một dạng sản phẩm tiện dụng cho người tiêu dùng, giảm chi phí vận chuyển, kho bãi… “Chỉ có làm như vậy thì mới nâng cao được giá trị của loại cây gia vị này, người dân tộc có thêm việc làm và nguồn thu nhập”, Điện nói.

Cách nào đối phó với rủi ro?

Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Phương, nhiều sản phẩm kinh doanh mới, độc đáo thường chứa đựng các yếu tố rủi ro. Chẳng hạn, khách hàng không phản hồi tích cực với sản phẩm và dịch vụ. Để đối phó với những điều kiện không thuận lợi, các bạn trẻ đôi khi phải thực hiện những thay đổi đối với mô hình kinh doanh của mình. Thay vì nhấn mạnh việc bán sản phẩm mới, họ có thể mở rộng phân khúc sản phẩm và dịch vụ của mình theo hướng đem lại trải nghiệm tối ưu lẫn sự hài lòng nhất cho khách hàng.

Cần được hỗ trợ kịp thời

Trở lại câu chuyện “làm mới” quả lêkima, Xuân Diệu chia sẻ, không bao giờ là dễ dàng khi muốn đưa bất cứ sản phẩm mới nào ra thị trường. “Tuy nhiên, nếu mình quyết tâm theo đuổi vì biết sản phẩm đó tốt cho sức khỏe mọi người, dần dần khách sẽ quen và tiếp nhận, thành công sẽ không còn xa”, Diệu nói.

“Muốn giúp quê hương phát triển, nông dân yên tâm trồng trọt, canh tác, mình phải ứng dụng công nghệ sau thu hoạch vào các sản phẩm nông nghiệp; tận dụng các kênh bán hàng online, sàn thương mại điện tử. Đồng thời, phải chế biến đa dạng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường chứ không chỉ bán mỗi cái mình có”, Kim Oanh chia sẻ.

Các sản phẩm trái cây sấy dẻo từ táo, dưa lưới của Đất Nắng đang được Oanh và các cộng sự tiếp tục hoàn thiện về chất lượng cũng như mẫu mã. Thời gian tới, Kim Oanh dự định đưa “đứa con” này dự thi khởi nghiệp để học hỏi kinh nghiệm, cũng như bắt đầu vươn ra nhiều tỉnh thành.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit - một chuyên gia hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ thương mại hóa các sản phẩm, cho rằng nhiều dự án cho sản phẩm tốt nhưng chưa đủ lực cạnh tranh trên thị trường, cần được phát hiện và hỗ trợ kịp thời. Ông mong muốn góp sức ở khâu quan trọng nhất là thương mại hoá các sản phẩm mới lạ này.

MỚI - NÓNG
Đoạn đường Nguyễn Trãi bên cạnh hầm chui Thanh Xuân mênh mông nước tối 7/9. Ảnh: Thái An.
Mưa tối ngập đường Hà Nội, xe chết máy, rác trôi đầy
TPO - Tối nay (7/9), thêm nhiều cây xanh đổ gãy trên đường phố Hà Nội, nhưng người đi đường sợ hơn cả vẫn là tình trạng ngập nước ở một số nơi. Xe chết máy, nhiều người bì bõm, hì hục dắt xe cả đoạn phố dài, trong khi rác sinh hoạt, phế thải xây dựng lững lờ trôi…