"Cây sáng kiến” của nông dân
5h30 sáng mỗi ngày, Thạc sĩ công nghệ sinh học Phạm Quang Thắng (29 tuổi), Trưởng phòng nghiên cứu công nghệ sinh học và thủy sản Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao thuộc Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã rời nhà ở quận Bình Tân đến huyện Củ Chi làm việc.
Trong phòng thí nghiệm, anh bắt tay vào các dự án, thí nghiệm còn dang dở. Cuối tuần, anh cùng đồng nghiệp dành thời gian đến các hộ nông dân hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ…
Vừa qua, anh Thắng được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2022 với 3 mô hình: nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn trong hồ tròn lót bạc HDPE; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng hệ thống giám sát môi trường (IoT) tại huyện Cần Giờ; mô hình chế biến một số sản phẩm từ sâm bố chính.
Anh Phạm Quang Thắng là “cây sáng kiến” của nông dân |
Anh chia sẻ, Việt Nam xuất khẩu tôm ra nước ngoài thường bị vướng do sử dụng thuốc kháng sinh hoặc dư lượng kim loại nặng. Khi áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của mình sẽ giúp tôm ít bệnh, chất thải của tôm được thu gom và chuyển sang ao lắng khác, chất thải đó được xử lý để làm phân bón, không gây ảnh hưởng môi trường. Đặc biệt tôm xuất khẩu không có dư lượng kim loại nặng hoặc thuốc kháng sinh. Với dự án nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng IoT có thêm ưu điểm là thông số nước trong ao nuôi được đo liên tục thông qua hệ thống thông minh. Những thông số vượt ngưỡng cho phép sẽ ngay lập tức được gửi cảnh báo đến điện thoại người nuôi, giúp kịp thời xử lý sự cố.
Năm 2019, mô hình đã được chuyển giao đến huyện Cần Giờ, đem lại hiệu quả cao cho người nông dân. Trong thời gian đầu tiên chuyển giao mô hình, anh Thắng cùng đồng nghiệp gần như “cùng ăn, cùng ở” với nông dân để theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển con tôm, hạn chế những rủi ro thấp nhất. “Mặc dù diện tích hồ nhỏ nhưng đầu tư con giống rất nhiều tiền. Do đó, mình luôn sát cánh cùng bà con nông dân. Khi tất cả đã ổn định, nông dân hiểu rõ quá trình vận hành, mình mới về lại Trung tâm nhưng luôn theo dõi, quan sát để hỗ trợ nông dân đạt được hiệu quả cao nhất, ít sử dụng hóa chất nhất” - anh Thắng cho biết.
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với nghề, chàng trai trẻ tâm sự, vốn là người con “quê hương 5 tấn” Thái Bình nhưng nông dân vẫn quanh năm quay quắt với câu chuyện “được mùa mất giá”, chưa có vùng nguyên liệu chuyên canh lâu năm. Năm 2011, Thắng quyết định vào TPHCM học hỏi công nghệ nhằm hỗ trợ bà con. Một lần được tham quan Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, thấy nhiều mô hình hay nên khi ra trường, anh đã đầu quân về đây vào năm 2016. Từ đó đến nay, Thắng đã có rất nhiều nghiên cứu, sáng kiến hỗ trợ nông nghiệp cho bà con nông dân ở TPHCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước.
“Mình làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu nên luôn tìm tòi có những sáng kiến mới để hỗ trợ cho bà con nông dân, doanh nghiệp. Những giải thưởng chính là động lực để mình nỗ lực từng ngày, xứng đáng với danh hiệu đạt được. Ngoài ra, mình cũng muốn truyền cảm hứng đến các bạn đoàn viên thanh niên trong đơn vị” - anh Thắng cho biết.
Biến nông sản thành đặc sản
Cách đây vài năm, nhiều người bất ngờ khi một chàng trai ở TPHCM có cách mát-xa đặc biệt, “bắt” cây dừa nước phải tiết ra mật. Những ngày này, tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, anh Phan Minh Tiến (31 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Dừa nước Việt Nam (VIETNIPA) cùng người lao động và các hộ gia đình ở huyện Cần Giờ miệt mài trong chuỗi sản xuất mật dừa nước. Mật dừa nước thơm ngon, nhiều chất bổ dưỡng ấy hiện đã trở thành đặc sản của thành phố.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Cần Giờ, tuổi thơ của anh Tiến gắn bó với những rặng dừa nước. Tốt nghiệp Đại học Bách khoa TPHCM với tấm bằng kỹ sư công nghệ hóa, chàng trai trẻ đã đến Kiên Giang, Cà Mau và trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau ở các công ty, tập đoàn sản xuất lớn. Tuy nhiên, trong thâm tâm, anh vẫn luôn trăn trở để nâng cao giá trị kinh tế cho cây dừa nước - loài cây mọc tự nhiên phổ biến ở Cần Giờ và khu vực sông nước Nam bộ.
Theo Tiến, các nước có diện tích dừa nước lớn như Malaysia, Philippines, họ khai thác giá trị sử dụng của dừa nước rất hiệu quả. Họ tìm cách lấy mật dừa nước, chế biến thành những sản phẩm như rượu, giấm để tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. “Năm 2017, tôi nghỉ việc, quyết định về quê hương Cần Giờ, khởi nghiệp với chính loài cây đặc trưng của vùng đất mình” - anh nhớ lại.
Học hỏi qua tài liệu, anh biết rằng cuống của buồng dừa nước sau khi chặt là nơi tiết ra mật. Muốn lấy được mật, phải mát-xa cho cuống để khơi thông mạch dẫn, mát-xa liên tục khoảng một tháng trước thời điểm thu hoạch. “Để dừa nước tiết được nhiều mật nhất, mình phải chọn những buồng dừa không quá non cũng không quá già, dùng cây gõ đều lên cuống nhằm kích thích dòng mật đang nuôi dưỡng buồng trái” - Tiến bật mí.
“Vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2022 không chỉ là niềm vui, hạnh phúc của riêng cá nhân mình, mà đó còn là sự ghi nhận công sức của các anh chị đồng nghiệp trong suốt thời gian dài nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ cho bà con nông dân”.
Anh Phạm Quang Thắng
Sau khi chặt lấy trái, dùng túi ni lông cột vào cuống dừa để hứng mật tiết ra. Một cuống dừa mỗi ngày sẽ tiết ra hơn 1 lít mật dừa nước tươi và có thể tiết mật liên tục trong khoảng 30 ngày. Cứ 8 lít mật dừa tươi sẽ cho ra 1 lít mật dừa nước cô đặc. Mật dừa nước cô đặc có thể dùng như đường tự nhiên thay thế cho đường và mật ong, phù hợp cho cả người có chế độ kiêng đường.
Nắm được “bí quyết”, Phan Minh Tiến đã cùng 7 hộ nông dân có tổng diện tích 3ha dừa nước chính thức bắt đầu hành trình khai thác mật dừa nước; mỗi ngày cho thu hoạch gần 1.000 lít mật dừa nước tươi. Anh nhẩm tính, trung bình 1 ha dừa nước được khai thác mật và chế biến, mỗi năm có thể tạo ra 20 tấn đường dừa nước, trị giá hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ riêng huyện Cần Giờ đã có 900 ha rừng dừa nước tự nhiên. Ước tính cả khu vực Tây Nam bộ có trên 9.000 ha. Đây là nguồn nguyên liệu khổng lồ và được tái tạo tự nhiên.
Anh Phan Minh Tiến (ngoài cùng, bên trái) đưa du khách trải nghiệm mát-xa dừa lấy mật |
VietNipa hiện có 2 dòng sản phẩm là mật dừa nước tinh chất và mật dừa nước cô đặc, đều đã được kiểm nghiệm tại Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM (Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM). Sản phẩm qua kiểm nghiệm đều cho ra các thông số phù hợp với người tiểu đường, ăn chay, ăn kiêng chất tạo ngọt; có khả năng thanh nhiệt, giải độc, bù khoáng cho cơ thể. Những chất này hoàn toàn tự nhiên, sẵn có trong cây dừa nước.
Mật dừa nước đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, doanh thu đạt 1,6 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, chàng trai trẻ không ôm mộng làm giàu cho riêng mình mà luôn mong muốn giúp người dân cải thiện thu nhập từ chính mô hình khai thác mật dừa nước để họ yên tâm bám đất, bám làng, duy trì và bảo tồn hệ sinh thái của quê hương.
Mới đây, mật dừa nước đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, doanh thu đạt 1,6 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, chàng trai trẻ không ôm mộng làm giàu cho riêng mình mà luôn mong muốn giúp người dân cải thiện thu nhập từ chính mô hình khai thác mật dừa nước để họ yên tâm bám đất, bám làng, duy trì và bảo tồn hệ sinh thái của quê hương. Hiện anh Tiến không ngừng tìm kiếm những sản phẩm mới có thể tạo ra từ mật dừa nước để đa dạng hóa sản phẩm, khai thác hết giá trị từ mật dừa nước, hướng đến tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.