Phạm Xuân Thành tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TPHCM năm 2014. Ra trường đi làm một thời gian tại TPHCM, Thành bắt đầu bén duyên với con tôm khi cậu mang sản phẩm từ quê lên TPHCM bán đắt hàng. Nhận thấy con tôm quê mình có nhiều tiềm năng phát triển, cậu quyết định bỏ nghề kiến trúc để trở về khởi nghiệp.
Chàng trai 9X Phạm Xuân Thành (ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) bên sản phẩm Con Tôm Rừng của mình |
Thành cho biết, người dân ở quê từ bao đời nay được thiên nhiên ban tặng nguồn hải sản dồi dào, quý giá dưới những tán rừng tự nhiên. Tôm cá ở đây thu hoạch mỗi tháng 2 lần theo “con nước rằm” và “con nước ba mươi”. Tôm cá hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng thức ăn công nghiệp và cũng không có thuốc kháng sinh. Cách đánh bắt cũng phải nương theo tự nhiên. Gia đình Thành đã sống nhờ vào 9ha rừng ngập mặn hàng chục năm nay.
Thành tiết lộ, sở dĩ cậu quyết tâm rẽ sang con tôm rừng là được khai sáng bởi các bài viết của Tony Buổi Sáng. “Tôi đọc miệt mài và nghiền ngẫm những giá trị mà tác giả truyền tải. Mình tự hỏi ước mơ của mình là gì? Giá trị mình theo đuổi là gì? Mình có đóng góp được gì cho xã hội hay không?”, Thành bộc bạch.
Thành kể, năm 2014 cậu đã bắt đầu bán tôm online do gia đình sản xuất. Ròng rã hai năm, ngoài giờ đi làm hàng ngày, cậu viết bài bán hàng, nhận đơn rồi cuối tuần đi lấy và giao hàng. Rồi đến một ngày cậu tự hỏi: Giữa công việc hiện tại và việc đi bán tôm, cái nào mình cảm thấy hạnh phúc hơn? Và rồi, Thành quyết định nghỉ việc, thành lập công ty bán tôm, bắt đầu từ con số 0 - không có kiến thức về kinh doanh.
“Thời gian đầu vô cùng vất vả, tự làm mọi thứ. Nhưng mình thấy hạnh phúc. Bởi đó là con đường mình đã chọn. Mình không có gì để mất, chỉ có tuổi trẻ”, Thành nói.
Giữ gìn hệ sinh thái rừng ngập mặn
Tại các khu vực rừng ngập mặn, các chủ rừng thường liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, triển khai mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, đến nay đã thực hiện khoảng 20.000 ha. Với mô hình này, người nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, hạn chế các hành vi vi phạm rừng.
Tuy nhiên, thực tế diện tích rừng ngập mặn càng ngày có nguy cơ bị giảm. Người dân khai thác rừng để xây đô thị, nhà ở, chuyển dần từ mô hình nuôi tôm thiên nhiên sang công nghiệp, không còn trồng rừng nữa. Ngay cả gia đình Thành cũng từng muốn bán đi 9ha rừng ngập mặn vì hiệu quả không cao.
“Mình phát triển giá trị con tôm rừng với hi vọng người tiêu dùng có thể hiểu được những giá trị từ rừng ngập mặn Cà Mau mang lại. Người dân địa phương hiểu được những giá trị mà họ đang có, từ đó tiếp tục trồng rừng và giữ rừng”, Thành chia sẻ.
Thành cho rằng chính những cánh rừng ngập mặn tự nhiên và mô hình nuôi tôm dưới tán rừng là yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm, khác với nuôi công nghiệp. Nguồn thức ăn trong rừng ngập mặn hoàn toàn sạch, tôm cũng như các loài hải sản khác chủ yếu ăn rong, tảo và các sinh vật phù du để phát triển.
Hiện các sản phẩm từ con tôm rừng của Thành đã lên kệ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Thành cho biết, tuy quy mô thị trường chưa lớn, nhưng giờ đây cả ba miền đã biết đến con tôm ở rừng ngập mặn Cà Mau. Sử dụng sản phẩm, mọi người đã góp phần cho việc gìn giữ một hệ sinh thái rừng ngập mặn và tạo sinh kế cho người dân nơi xứ rừng đước này.
Với mong muốn nâng cao giá trị cho những sản phẩm từ rừng ngập mặn, chàng trai 9X Phạm Xuân Thành quyết tâm làm sản phẩm sạch đích thực. Xa hơn nữa cậu muốn thay đổi tư duy cách làm truyền thống (sử dụng hóa chất) cho mọi người. Không chỉ vậy, cậu còn mở homestay làm du lịch. Thành là hiện founder của thương hiệu Con Tôm Rừng.