'Công nghệ' làm tỏi đen của cán bộ Đoàn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Là “tay mơ” về cơ khí nhưng Nguyễn Văn Toàn (SN 1990) đã mày mò sáng tạo ra máy lên men tỏi đen để nâng cao giá trị củ tỏi vùng biên giới Sơn La, đồng thời đưa thương hiệu “Tỏi đen Hoshi” đến với nhiều nước trong khu vực.

Từ nồi cơm điện đến... máy lên men

Nguyễn Văn Toàn (quê gốc Hà Nội) từ nhỏ theo gia đình lên Sơn La, hiện là Phó Bí thư Huyện Đoàn Yên Châu. Năm 2014, tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, Toàn trở lại Sơn La khởi nghiệp với cây tỏi địa phương.

Toàn kể, thời điểm đó giá tỏi đen xuất sang Nhật Bản từ 1,5 - 2 triệu đồng/kg, trong khi đất tỏi Yên Châu bán sản phẩm ra thị trường mới chỉ dừng lại ở nguyên liệu thô, giá thấp. Điều này thôi thúc Toàn làm tỏi đen với hy vọng mang lại giá trị cho cây tỏi hơn. Mới đầu, Toàn làm theo hướng dẫn trên mạng internet về cách ủ tỏi đen bằng nồi cơm điện (được khoảng 3 kg/lần ủ). Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Toàn cho ra lò mẻ đầu tiên mời người thân, bạn bè mua ăn thử, nhận xét hương vị.

'Công nghệ' làm tỏi đen của cán bộ Đoàn ảnh 1

Anh Nguyễn Văn Toàn, Phó Bí thư Huyện Đoàn Yên Châu (Sơn La) kiểm tra sản phẩm tỏi đen

“Tôi đã ủ được tỏi đen từ nồi cơm điện, nhưng chất lượng không ổn định, có những mẻ bị hỏng, vị không ngọt vẫn hăng cay và hôi. Máy lên men tỏi đen ngoài thị trường giá rất cao, cả trăm triệu cho loại máy có công suất 100kg/lần ủ, quá sức đối với tôi. Do vậy tôi phải nghĩ cách khác”, Toàn chia sẻ.

Với những thành quả trong nghiên cứu, sản xuất và chế biến, Nguyễn Văn Toàn được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2021, giải thưởng Lương Định Của năm 2021. Ngoài ra, anh còn được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trao tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2019.

Toàn không có một chút kiến thức về cơ khí, nhưng vẫn quyết tâm mày mò chế tạo máy lên men tỏi từ nguyên lý cơ bản của nồi cơm điện. Theo Toàn, máy lên men tỏi cần đáp ứng hai yếu tố là nhiệt độ và độ ẩm, trong đó tạo độ ẩm là thách thức lớn, chưa kể việc duy trì ổn định nhiệt độ ủ 70 độ và độ ẩm 90 - 95%. Thế nhưng những mẻ tỏi thành phẩm đầu tiên của Toàn lại khô khốc, đắng ngắt thay vì ngọt dẻo. Lượng tỏi đổ bỏ lên tới cả tấn vì ủ hỏng. “Mỗi lần ủ không thành công là một lần ném bỏ chi phí nguyên liệu, công sức cả tháng chăm bẵm. Nhưng tôi không nản mà càng quyết tâm hơn chế tạo máy”, Toàn nói.

Sau hai năm thử nghiệm và gặp nhiều thất bại, năm 2016, Toàn chế tạo thành công máy lên men với công suất 30kg tỏi/lần ủ. Năm 2018 Toàn cải tiến nâng công suất chiếc máy với tên gọi CY-01 và đoạt giải Ba Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Sơn La.

Đưa tỏi vươn xa

Chế tạo thành công máy lên men tỏi đen, Toàn mở xưởng chế biến với sản lượng từ 5 tạ - 1 tấn tỏi đen/tháng; đồng thời tham gia Hợp tác xã Tây Bắc để có quy trình khép kín, bao tiêu sản phẩm cho các hộ thành viên.

Để sản phẩm đi xa hơn, nhiều người biết tới hơn, Toàn mang tỏi (bằng xe máy) đến nhiều cửa hàng bày bán đặc sản vùng miền của Sơn La, Điện Biên xin ký gửi với chiết khấu từ 30 - 40%. Toàn đầu tư quảng bá và bán hàng trực tuyến, các kênh thương mại điện tử; đồng thời kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào. Hiện tỏi của Toàn đã có mặt ở một số nước trong khu vực.

Năm 2020, Toàn tiếp tục nghiên cứu áp dụng công nghệ vào máy lên men tỏi với giải pháp “Điều khiển tự động và giám sát từ xa lò sấy, lò ủ, lò ấp trứng (lò lên men tỏi đen) bằng thiết bị V-BOX E-00”. Anh bộc bạch: “Khi hoạt động từ 1 - 5 lò ủ rất dễ kiểm soát, theo dõi và điều chỉnh nhiệt độ, thời gian. Còn khi hoạt động lên tới 10 lò ủ, rất dễ nhầm lẫn dẫn đến sai sót, ảnh hưởng trực tiếp chất lượng sản phẩm. Trước khi thực hiện sáng kiến áp dụng công nghệ, chúng tôi từng bị hỏng 8 lò, thiệt hại gần 1 tỷ đồng”.

Toàn cho biết, hiện quy mô sản xuất được mở rộng với xưởng ủ 800m2 có 20 lò (công suất mỗi lò 1,5 tấn/lần ủ); xưởng đóng gói 500m2. Mỗi tháng ủ được 5 - 7 tấn tỏi đen; tạo việc làm thường xuyên cho hơn chục lao động địa phương. Mỗi năm doanh thu đạt 5 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. Sản phẩm tốt cho sức khỏe nên tiêu thụ ngày càng dễ dàng hơn.

MỚI - NÓNG