Bỏ phố về quê 'trèo dừa' lấy mật

Thạc sỹ Thạch Thị Chal Thi
Thạc sỹ Thạch Thị Chal Thi
TP - Ðang làm cho một công ty nước ngoài với thu nhập cao và ổn định, thạc sỹ công nghệ thực phẩm người Khmer Thạch Thị Chal Thi (31 tuổi) cùng chồng quyết định rời TPHCM trở về quê hương Trà Vinh để thành lập công ty dấn thân vào một dự án liều lĩnh, thậm chí được cho là điên rồ: Trèo dừa lấy mật.

Thạch Thị Chal Thi cho biết, quê cô rất nghèo, thu nhập chủ yếu dựa vào cây dừa và cây lúa. Năm 2008, Chal Thi lên TPHCM học đại học với quyết tâm thoát nghèo. Sau khi lấy bằng thạc sỹ, Chal Thi vào làm cho một công ty nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Anh Phạm Ðình Ngãi, chồng Chal Thi làm giảng viên cho một trường cao đẳng nghề nổi tiếng tại TPHCM. Cuộc sống của hai vợ chồng trẻ khá ổn định.

Bỏ phố về quê

Ðến một ngày, bỗng dưng cả hai từ bỏ công việc ổn định trên thành phố về quê Trà Vinh khởi nghiệp. Hành trang mang theo chỉ là lòng quyết tâm làm được điều gì đó cho quê hương nghèo khó, vực dậy giá trị cây dừa vốn là nguồn thu nhập chính của nhiều người.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2017, cha mẹ Chal Thi gọi điện rầu rĩ về chuyện trái dừa rớt giá thê thảm, chỉ còn dưới 20 nghìn đồng/chục (12 trái), trong khi giá dừa lúc cao lên đến 120 ngàn đồng/chục. Hai vợ chồng bàn nhau phải về quê sớm hơn dự định để nhanh chóng làm gì đó cho bà con phum, sóc mình khá hơn từ cây dừa.

“Mình không nghĩ về quê sớm như vậy. Hai vợ chồng dự tính đến năm 40 tuổi mới về lập nghiệp khi trong tay tích cóp được kha khá vốn. Nhưng khi dừa ở quê rớt giá, vợ chồng thấy xót xa, trăn trở tự hỏi không lẽ người dân quê mình cứ chịu cảnh trúng mùa thất giá, nghèo hoài hay sao? Vậy là tháng 10/2018, hai vợ chồng mình quyết định về quê”- Chal Thi chia sẻ.

Bao lâu nay, người dân địa phương trồng dừa chủ yếu lấy trái hoặc một số phụ phẩm khác để bán với giá thấp. Riêng hoa dừa, nếu ra nhiều phải chặt bỏ bớt hoặc dùng trang trí đám cưới với mức giá rất thấp. Trong khi ở các nước như Thái Lan, Ấn Ðộ, người dân thu mật hoa dừa mang lại giá trị kinh tế rất cao, xuất khẩu ở các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ…Với kiến thức sâu về công nghệ thực phẩm, Chal Thi và chồng nhận thấy nhiều cơ hội cây dừa nên đã thuyết phục gia đình tạo cơ hội để thay đổi “số phận” 2 hec-ta dừa có sẵn của gia đình.

Bỏ phố về quê 'trèo dừa' lấy mật ảnh 1 Anh Trần Minh Luân
Thuyết phục gia đình xong, vợ chồng chị mở doanh nghiệp và lấy tên là Công ty Sokfram sau đó dành cả năm 2018 đi tìm hiểu công nghệ và thị trường ở các nước Ấn Ðộ, Thái Lan, Philippines, Campuchia…, nơi có kỹ thuật và nhiều kinh nghiệm trong việc thu mật hoa dừa, thốt nốt. “Khoảng thời gian này vợ chồng mình dành phần lớn tiền bạc tích cóp được đi tìm hiểu công nghệ ở các nước cũng như tìm hiểu thị trường cho sản phẩm mật hoa dừa” - chị Chal Thi nói.

Mật ngọt cho đời

Với 2 hec-ta dừa nhà trồng, trong 6 tháng đầu, Chal Thi chỉ thu được nửa lít mật hoa dừa. “Thất bại này, vợ chồng mình áp lực lắm. Gia đình nghi ngờ khả năng thành công. Bà con hàng xóm lời ra lời vào, thậm chí có lời ác ý với cách làm kỳ lạ này bởi không cho dừa ra trái”- Chal Thi kể. Thất bại nối tiếp thất bại không làm Chal Thi và chồng nản lòng.

Mày mò tìm hiểu, Chal Thi nhận ra kỹ thuật lấy mật hoa dừa khác hoàn toàn với lấy trái. Phải trèo lên cây dừa kéo đầu hoa cúi xuống và phải 3 ngày sau mới có thể thu mật. Tuy nhiên thu được mật ít hay nhiều lệ thuộc vào kỹ thuật lấy.

“Sok, theo tiếng Khmer có nghĩa là bình an, hạnh phúc. Do đó, khi đặt tên công ty là Sokfram, vợ chồng mình muốn truyền tải thông điệp hướng đến nền nông nghiệp hạnh phúc, lấy lợi ích nông nghiệp xanh vì lợi ích cộng đồng làm tiêu chí phát triển”.

 Thạch Thị Chal Thi người đồng sáng lập Công ty Sokfram

“Thu nhiều mật cần phải massage hoa dừa mỗi ngày 2 lần, tuỳ kích cỡ hoa dừa mà massage mạnh hay nhẹ. Công việc này chỉ có người làm chứ không thay thế bằng máy móc được. Sau khi massage xong, dùng chày gõ nhẹ trên hoa dừa cho thông tuyến mật mới chảy. Một hoa dừa chỉ thu mật được 25 lần và kéo dài trong thời gian khoảng 1 tháng. Một năm dừa cho khoảng 12 hoa nhưng mình chỉ lấy mật 9 hoa, tức thời gian 9 tháng và 3 tháng còn lại để cây dừa nghỉ ngơi” - Chal Thi bật mí.

Mỗi tháng công ty thu hoạch 24 tấn mật hoa dừa tươi, sau khi cô đong lại còn khoảng 3 tấn thành phẩm. Từ năm 2019 đến nay, Chal Thi cùng chồng đã cho ra một loạt sản phẩm mật hoa dừa cung ứng cho thị trường trong nước từ Nam ra Bắc. Hiện tại, sản phẩm mật hoa dừa của Công ty Sokfram đã có mặt ở 20 tỉnh thành. Chal Thi cho biết dự định, sau khi hết dịch COVID-19, Công ty Sokfram sẽ xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu. Tuy nhiên, theo Chal Thi, hiện tại ở Việt Nam chưa có mã ngành mật hoa dừa. Sắp tới công ty sẽ đề xuất cơ quan quản lý nhà nước có thêm mã ngành này để thuận tiện trong việc đăng ký kinh doanh cũng như xuất khẩu. 

Lợi nhuận gấp 4-5 lần thu trái

Không chỉ ứng dụng kỹ thuật, thu hoạch mật hoa dừa từ vườn nhà, Chal Thi còn kết nối với các hộ trồng dừa tại địa phương để hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc lấy mật hoa dừa và thu mua toàn bộ mật hoa dừa của bà con. Nhờ vậy, nhiều hộ dân trồng dừa đã tăng thu nhập đáng kể. Anh Trần Minh Luân, người hàng xóm của Chal Thi cho biết, gia đình anh có 9 cây dừa,trước đây bán trái chỉ thu về khoảng dưới 1 triệu đồng mỗi tháng. Từ khi được vợ chồng Chal Thi hướng dẫn kỹ thuật lấy mật và thu mua, mỗi tháng anh bỏ túi 4 triệu đồng. Ngoài ra, anh Luân còn được Chal Thi thuê đi lấy mật hoa dừa, mỗi tháng có thêm 6 triệu đồng tiền công.

“Thu nhiều mật cần phải massage hoa dừa mỗi ngày 2 lần, tuỳ kích cỡ hoa dừa mà massage mạnh hay nhẹ. Công việc này chỉ có người làm chứ không thay thế bằng máy móc được.

            Chal Thi

“Hiện tại 1 lít mật hoa dừa tươi bán với giá 9.000 đồng. Một quầy hoa dừa trung bình thu được khoảng 25 lít mật, khoảng 200.000 đồng. Trong khi quầy dừa nở ra từ hoa chỉ cho khoảng 10 trái, bán được chỉ tầm 60.000 đồng”, anh Luân phân tích giá trị mật hoa dừa mang lại.
Bỏ phố về quê 'trèo dừa' lấy mật ảnh 2 Lấy mật hoa dừa, một hướng đi mới hiệu quả
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.