Phan Minh Tiến (29 tuổi, quê huyện Cần Giờ, TPHCM) tốt nghiệp ngành công nghệ hoá trường ĐH Bách khoa TPHCM. Anh từ bỏ công việc ổn định ở một công ty lớn ở thành phố để trở về quê Cần Giờ khởi nghiệp. Công việc của chàng kỹ sư là lội nước mát-xa cây dừa nước tiết ra mật.
Lội nước mát-xa dừa
Tiến cho biết, vùng đất Cần Giờ cách xa trung tâm thành phố mấy chục cây số. Nơi anh ở bạt ngàn rừng đước, cây dừa nước. Dừa nước nhiều đến độ người ta phải chặt bỏ hoặc chỉ lấy cơm dừa và nước uống giải khát, giá trị kinh tế không cao.
Trong thời gian vừa đi làm, Tiến vừa mày mò tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu trong và ngoài nước việc chiết xuất lấy mật cây dừa nước từ cuống. Khi chắc chắn thực hiện được công việc lấy mật trên cây dừa nước, anh xin nghỉ ở công ty trở về quê bắt tay vào làm.
Anh chia sẻ, quy trình lấy mật thực tế không đơn giản. Ban đầu, chặt banh hàng chục buồng dừa nước quanh nhà, cũng dùng các túi nilon bọc đầu các trụ dừa nhưng chờ mãi không có giọt mật nào.
“Ở một vài nước trên thế giới người ta đã tìm ra cách để cây dừa nước tiết ra mật từ lâu, trong khi ở Việt Nam điều này còn khá mới mẻ”, Tiến cho biết và mày mò các kiến thức trên thế giới, anh mới phát hiện ra cần phải mát-xa thì dừa nước mới chịu tiết ra mật.
Những giọt mật được tiết ra.
Bí kíp đã có, mỗi ngày Tiến lội nước đi mát-xa từng trụ dừa nước để chúng tiết ra mật. Thành quả bước đầu là những giọt mật tươi khiến anh mừng muốn hét lên thật to giữa khu rừng dừa nước. Mỗi trụ dừa anh mát-xa thu được mật tươi từ 20-30 lít.
Tiên phong lấy mật dừa nước
Để lấy được mật, ngoài mát-xa, không được chặt lá cây dừa nước. Theo anh Tiến, việc này để đảm bảo dồn sức cho buồng trái dừa phát triển. Khi đến giai đoạn trưởng thành, buồng dừa sẽ được chặt lấy cơm dừa. Trụ dừa còn lại sẽ được dùng để lấy mật. “Mỗi trụ dừa trung bình mỗi ngày lấy mật 2 lần được khoảng 1 lít và có thể lấy mật đến 20 ngày”, Tiến bật mí.
“Tôi cứ trăn trở, suy nghĩ phải làm sao để chính cây dừa nước ở quê mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình tôi và bà con ở đây. Không chỉ tạo ra thu nhập ổn định mà còn tạo ra một đặc sản cho vùng đất Cần Giờ”, chàng kỹ sư hoá bộc bạch.
Đến nay anh đã tạo ra sản phẩm có giá trị từ cây dừa nước.
Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho thanh niên.
“Hiện tại công ty mình là đơn vị đầu tiên của Việt Nam tiên phong trong nghiên cứu, phát triển mật và các sản phẩm khác có giá trị cao từ cây dừa nước. Mình hy vọng sản phẩm sẽ sớm trở thành đặc sản của Cần Giờ”, Tiến nói.
Anh Hồ Hồng Thành Tính, Bí thư huyện Đoàn (huyện Cần Giờ, TPHCM) cho biết, bạn Phan Minh Tiến là một thanh niên trẻ, năng động, dám nghĩ dám làm. Tiến là một trong những gương thanh niên tiêu biểu trong lập thân, lập nghiệp trên địa bàn huyện.
Trong suốt thời gian qua, câu chuyện khởi nghiệp của Tiến là câu chuyện truyền cảm hứng rộng rãi đến đoàn viên, thanh niên của huyện. “Hi vọng trong thời gian tới, dự án và các sản phẩm dừa nước của Tiến phát triển hơn nữa, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách”, Bí thư huyện Đoàn huyện Cần Giờ nói.
Năm 2019, tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức, dự án khởi nghiệp lấy mật dừa nước của Phan Minh Tiến đã đạt giải nhì.