Giữ chân lao động dịp cuối năm:

Thưởng Tết không phải là thước đo duy nhất

0:00 / 0:00
0:00
TP - Để giữ chân người lao động, tránh thiếu hụt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, doanh nghiệp đưa ra nhiều đãi ngộ. Nhiều ý kiến cho rằng, thưởng Tết không phải là thước đo duy nhất, quan trọng là doanh nghiệp đối xử với người lao động thế nào trong quá trình làm việc.

Cố gắng ai cũng có thưởng Tết

Ông Đinh Hải Ninh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hưng Phước, cho biết trải qua một năm đầy khó khăn, công việc ngưng trệ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Song phía doanh nghiệp lại nhận được sự cảm thông của người lao động, chung tay vượt khó để gắn bó trên chặng đường khôi phục.

Thưởng Tết không phải là thước đo duy nhất ảnh 1

Tặng quà cho người lao động ở Bình Dương. Ảnh: H.C

“Chúng tôi khó khăn đến mấy cũng luôn nghĩ đến người lao động. Ban giám đốc có thể cắt chi tiêu để dành tiền lo cho nhân viên của mình. Chúng tôi xác định, dù có khó khăn đến mức nào, thậm chí phải đi vay tiền cũng phải thưởng Tết cho người lao động. Thưởng là nguồn động viên tinh thần để họ gắn bó lâu dài”, ông Ninh chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Lâm Việt cho biết, công ty luôn có chính sách quan tâm đến người lao động như hỗ trợ tiền trọ, chế độ cho phụ nữ mang thai và tiền nuôi con nhỏ. Để có lao động, công ty tiếp tục chấp nhận lỗ, chi thêm hỗ trợ để thu hút lao động.

“Trải qua một năm khó khăn do dịch bệnh, hiệu quả kinh tế không tốt nhưng ngoài lương, thưởng Tết như hàng năm, công ty sẽ có một khoản riêng để giữ chân người lao động. Chúng tôi luôn động viên người lao động ở lại không về quê ăn Tết không chỉ vì sợ thiếu lao động sau kỳ nghỉ mà còn nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh”, ông Liêm cho hay.

Tại Công ty TNHH Minh Quang Sáng, ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc điều hành cho biết: “Tết thì chắc chắn phải thưởng, nhưng đó chưa phải là điều cốt lõi để giữ chân người lao động. Chúng tôi luôn nắm bắt tâm lý từng người, từng bộ phận, qua đó, kịp thời đáp ứng. Ngoài chế độ lương, thưởng duy trì, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động nội bộ nhằm tạo sự gần gũi, xem nhau như người trong nhà, không phân biệt trên dưới”.

Theo chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Vũ Thiên Vương, với người lao động, khoản thưởng Tết không phải là lý do, thước đo duy nhất để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp mà sự quan tâm chăm lo, động viên công nhân và gia đình của họ. Mức lương phù hợp, các khoản phúc lợi, ưu đãi đầy đủ trong cả quá trình làm việc cùng môi trường lao động được đảm bảo sẽ giúp người lao động cảm thấy hài lòng, phấn khởi và không có ý định nhảy việc.

Tất cả người lao động đều có Tết

Chị Nguyễn Thị Xúy (quê Quảng Bình, làm việc tại Công ty Gỗ Tân Nhật), năm trước ở lại do dịch bệnh. “Năm nay, dịch bệnh đang phức tạp, lại gặp nhiều khó khăn về tài chính do phải nghỉ làm nhiều tháng, do đó tôi quyết định ở lại thêm một năm. Nhà có 3 chị em, không được về quê sum vầy cùng gia đình ngày Tết cũng buồn lắm, nhưng có lẽ ở lại sẽ tốt hơn”, chị Xúy nói.

Nói về lý do không về quê và muốn gắn bó lâu dài với công ty, anh Trần Đình Tuấn (quê Quảng Trị, làm việc tại một công ty gỗ ở Bình Dương), chia sẻ: “Mức thưởng Tết mấy năm nay của công ty không cao so với nhiều chỗ. Tuy nhiên, trong năm, ngoài lương, vợ chồng còn thường xuyên nhận được các khoản tiền thưởng, động viên nhân dịp sinh nhật, kết thúc năm học của các con. Tết chỉ được nghỉ vài ngày để vui chơi với bạn bè. Năm nay có về cũng phải cách ly tại nhà, không đi đâu được... nên tôi quyết định ở lại, rồi 3 ngày tết sẽ qua nhanh thôi”.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan cho biết, Tết Nguyên đán năm trước chỉ có khoảng 50.000 lao động về quê. Năm nay, dự kiến rất ít lao động về quê. Với phương châm “Tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết”, công đoàn sẽ tặng quà với giá trị 300.000 đồng/phần quà/người... Dự kiến, khoảng 640.000 người được hỗ trợ, với tổng chi phí khoảng 230 tỷ đồng.

Năm nay, với chủ đề “Tết sum vầy, Xuân bình an”, LĐLĐ các cấp vận động đoàn viên, người lao động cố gắng ở lại Bình Dương đón Tết. Trường hợp người có nhu cầu về quê thì hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần vé tàu, xe.

Ngoài ra, Bình Dương hỗ trợ mỗi suất quà 500.000 đồng/người cho 23.950 lao động có hoàn cảnh khó khăn khoảng 12 tỷ đồng.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Nguyễn Kim Loan cho biết, địa phương có khoảng 1,2 triệu lao động, trong đó lao động ngoài tỉnh chiếm trên 80%. Năm 2021, các doanh nghiệp công bố mức thưởng bình quân 7,66 triệu đồng, mức thưởng thấp nhất 4,42 triệu đồng và cao nhất gần 500 triệu đồng. Năm nay, doanh nghiệp chưa công bố thưởng nhưng dự kiến ở mức tương đương.

MỚI - NÓNG