Thủ tướng Úc: Vụ máy bay AirAsia mất tích không bí ẩn

Ngày 29/12, nhiều người thân hành khách chuyến bay QZ8501 tuyệt vọng chờ tin tại sân bay quốc tế Juanda ở thành phố Surabaya (ảnh lớn). Máy bay trực thăng của Hải quân Indonesia hôm qua tham gia tìm kiếm nhưng phải ngừng lại khi trời tối (ảnh nhỏ). Ảnh:
Ngày 29/12, nhiều người thân hành khách chuyến bay QZ8501 tuyệt vọng chờ tin tại sân bay quốc tế Juanda ở thành phố Surabaya (ảnh lớn). Máy bay trực thăng của Hải quân Indonesia hôm qua tham gia tìm kiếm nhưng phải ngừng lại khi trời tối (ảnh nhỏ). Ảnh:
TP - "Máy bay vẫn đang bay theo lộ trình bình thường, gặp phải thời tiết xấu và rơi xuống. Đây không phải bí ẩn lớn giống như sự biến mất của MH370 hay nhẫn tâm như vụ bắn hạ MH17”, Thủ tướng Úc Tony Abbott nói với kênh phát thanh Sydney 2GB.

Cơ quan Tìm kiếm - Cứu nạn Quốc gia Indonesia ngày 29/12 cho biết, một đội tàu đang trên đường đi thu thập mẫu đất ở vùng biển nghi máy bay QZ8501 rơi, kết quả sẽ được thông báo hôm nay. 

Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm - Cứu nạn Quốc gia Indonesia, ông Bambang Soelistyo, nói rằng, có khả năng máy bay Airbus A320-200 số hiệu QZ8501 của AirAsia Indonesia đang nằm dưới đáy biển. Giả thuyết được đặt ra “dựa trên những tọa độ chúng tôi nhận được và những đánh giá về vị trí máy bay có thể gặp nạn trên biển”, ông Soelistyo nói với báo giới.

Bộ trưởng GTVT Indonesia Ignasius Jonan nói rằng, chiến dịch tìm kiếm đang tập trung vào khu vực rộng 70 hải lý vuông, sâu 50-100m, nằm giữa đảo Belitung và đảo Kalimantan (còn gọi là Borneo). Indonosia đang phối hợp nhiều nước khác để mượn thiết bị cần thiết để kiểm tra đáy biển, báo Indonesia Jakarta Post đưa tin.

Phát hiện vệt dầu loang

Chiều qua, một trực thăng Indonesia phát hiện hai vệt dầu gần nơi một nhóm ngư dân Indonesia khẳng định họ nghe thấy âm thanh giống tai nạn máy bay gần đảo Pulau Nangka, BBC đưa tin. Chỉ huy căn cứ Không quân Jakarta, ông Dwi Putranto, thông báo, một máy bay tuần thám biển Orion của Úc phát hiện vật thể nghi của máy bay mất tích ở khoảng cách gần 1.120km từ điểm liên lạc cuối cùng với máy bay.

Tuy nhiên, sau đó, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla nói rằng, vật thể đó không phải từ máy bay mất tích. “Nó đã được kiểm tra và không đủ bằng chứng để xác nhận thông tin như đã nêu”, ông Kalla phát biểu tại cuộc họp báo tại sân bay thành phố Surabaya, nơi máy bay QZ8501 cất cánh. Ông Kalla cho biết, 15 tàu thủy và 30 máy bay đang tham gia chiến dịch tìm kiếm trên biển. “Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng trên biển, đặc biệt trong thời tiết xấu như thế này”, ông nói.

Tối 29/12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo, một tàu khu trục của nước này đang trên đường tới vùng biển Indonesia để giúp tìm kiếm máy bay mất tích, Xinhua đưa tin. Ngoài ra, một máy bay phản lực của không quân Trung Quốc chuẩn bị cất cánh tới hiện trường. Úc, Singapore và Malaysia đã đưa máy bay và tàu thủy đến trợ giúp Indonesia tìm kiếm máy bay QZ8501 sau khi nó biến mất cùng 162 người trên khoang sáng 28/12 khi trên đường đến Singapore.

Nhiều người so sánh chiến dịch tìm kiếm quốc tế lần này với chiến dịch tìm kiếm chiếc MH370 của Malaysia vẫn đang tiếp diễn. Thủ tướng Úc Tony Abbott hôm qua cho rằng, vụ lần này không phải một bí ẩn lớn. “Máy bay vẫn đang bay theo lộ trình bình thường, gặp phải thời tiết xấu và rơi xuống. Đây không phải bí ẩn lớn giống như sự biến mất của MH370 hay nhẫn tâm như vụ bắn hạ MH17”, ông Abbott nói với kênh phát thanh Sydney 2GB.

Nguyên nhân có thể do bay quá chậm

Tin từ trạm kiểm soát không lưu nói rằng, phi công điều khiển QZ8501 đã bị từ chối yêu cầu tăng độ cao để tránh bão, không lâu trước khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar, báo Anh The Telegraph đưa tin. Trong cuộc nói chuyện cuối cùng với trạm kiểm soát không lưu, một trong hai phi công xin phép rẽ trái và tăng độ cao từ hơn 9.750km lên gần 11.600km để tránh mây mù.

Tuy nhiên, yêu cầu này đã không được chấp nhận ngay vì có sáu máy bay thương mại khác đang bay trong không phận này ở độ cao gần 10.400km, ông Bambang Tjahjono, Giám đốc công ty nhà nước chịu trách nhiệm kiểm soát không lưu của Indonesia, nói. Ông Tjahjono nói rằng, đến lúc trạm kiểm soát có thể cho phép tăng độ cao thì chiếc QZ8501 đã biến mất.

Liên lạc cuối cùng từ buồng lái máy bay đến trạm kiểm soát không lưu chính là yêu cầu tăng độ cao do thời tiết xấu. Chiếc máy bay 2 động cơ không gửi đi tín hiệu khẩn cấp nào và được nhìn thấy trên màn hình radar lần cuối cùng chỉ 4 phút sau liên lạc cuối cùng từ buồng lái. Chuyên gia hàng không Geoffrey Thomas, biên tập viên trang airlineratings.com, cho rằng, phi công chiếc QZ8501 gặp khó khăn trong điều kiện thời tiết xấu, nhưng đã bay quá chậm để tránh và việc này cực kỳ nguy hiểm.

“Các phi công tin rằng, phi hành đoàn, khi cố gắng tránh trận bão bằng cách tăng độ cao, bằng cách nào đó đã bay quá chậm và do đó dẫn tới việc chết máy khí động lực, tương tự trường hợp chiếc máy bay AF447 của hàng không Pháp rơi năm 2009”, hãng tin Úc APP dẫn lời ông Thomas. “Về cơ bản, chiếc máy bay đã bay quá chậm ở độ cao đó và trong điều kiện không khí loãng, hai cánh không hỗ trợ nó ở độ cao như vậy, khiến máy bay rơi vào tình trạng ngưng khí động lực, chết máy”, ông Thomas giải thích.

Ông Thomas nói rằng, loại máy bay Airbus A320 phức tạp, nhưng không được trang bị màn hình radar tân tiến nhất. Theo ông, radar trang bị cho loại máy bay A320 đôi khi gặp trục trặc trong bão và phi công có thể bị đánh lừa bởi mức độ nghiêm trọng trong những tình huống đặc biệt.

Công nghệ radar mới nhất (ra đời từ năm 2002) có thể cung cấp chỉ số chính xác và đầy đủ hơn trong bão, nhưng đến năm ngoái mới được cấp phép cho máy bay A320, ông nói. “Nếu không có radar đa nhiệm, bạn sẽ phải tự thao tác radar bằng tay, bạn phải nhìn vào bão để đánh giá độ ẩm và mưa, sau đó mới đánh giá tình trạng thời tiết xấu như thế nào. Đó là quá trình thủ công, nên dễ mắc sai lầm và thực tế đã có sai lầm”, ông Thomas nói.

Thủ tướng Úc: Vụ máy bay AirAsia mất tích không bí ẩn ảnh 1

Cơ trưởng từng phục vụ trong không quân

Chuyến bay QZ8501 được điều khiển bởi cơ trưởng người Indonesia Iriyanto và cơ phó người Pháp Emmanuel Remi Plesel. Cơ trưởng Iriyanto từng phục vụ trong không quân Indonesia, lái máy bay chiến đấu F-16 trong một thời gian dài, trước khi chuyển sang ngành bay thương mại, bắt đầu với hãng hàng không Merpati Airways, The Telegraph đưa tin. Gia đình ông cho biết, trước khi điều khiển chuyến bay QZ8501, ông vừa trải qua giai đoạn đau buồn vì em gái qua đời vài ngày trước đó. Con gái của ông Iriyanto, cô Angela, đăng bức ảnh cha mình lên mạng xã hội Path cùng lời nhắn: “Bố ơi, hãy về nhà đi, chúng con cần bố. Xin bố hãy về!... Hãy mang bố cháu về!...”

Hai thái cực buồn - vui

Ngày 29/12, báo chí Indonesia đưa tin, một gia đình 5 người vào phút chót không lên chuyến bay QZ8501 để bay từ thành phố Surabaya sang Singapore du lịch. Ông Chandra Susanto nói mình đã đặt vé cho vợ và ba con (Christopher -10 tuổi, Nadine - 7 tuổi và Felix - 5 tuổi), nhưng rồi không ra sân bay vì bố ông đột nhiên bị ốm. Một gia đình người Indonesia khác cũng may mắn thoát khỏi chuyến bay định mệnh, chỉ vì đến muộn giờ bay. “Đó là phước lành đối với 10 người chúng tôi”, chị Christianawati, 36 tuổi, nói. Ông Ari Putro Cahyono, cư dân thành phố Surabaya, nói ông và 9 người họ hàng lẽ ra đã lên chuyến bay QZ8501, trang tin Kompas của Kompas Gramedia Digital (tập đoàn truyền thông lớn nhất Indonesia) đưa tin. Ông Cahyono nói rằng, ông và gia đình mình lỡ chuyến bay vì không đọc email thông báo rằng, chuyến bay QZ8501 khởi hành sớm hơn 2 tiếng so với dự kiến ban đầu.

Ngày 28/12, trong một video clip do hãng tin Singapore Channel NewsAsia đăng tải, cô Louise Sidharta, 25 tuổi, người Indonesia, nói với báo giới rằng, anh Alain, vị hôn phu 27 tuổi của cô cùng với 5 người trong gia đình anh đi trên chuyến bay QZ8501. Alain muốn đi xa cùng gia đình mình một chuyến trước khi anh kết hôn, cô Sidharta nói trong clip.

Đôi uyên ương người Indonesia này đã lên kế hoạch làm đám cưới vào tháng 5/2015. Cùng ngày, hãng tin Hàn Quốc Yonhap đưa tin, Nhà thờ Trưởng lão thứ nhất Yeosu ở thành phố Yeosu của nước này nói rằng, ba người Hàn Quốc trên chuyến bay mất tích là ông Park Seong-beom (37 tuổi), cùng vợ là bà Lee Kyung-hwa (36 tuổi) và con gái Park Yuna (1 tuổi). Hai vợ chồng ông Park được gửi tới Indonesia để hoạt động truyền giáo. Họ đang bay đến Singapore để làm lại visa, một vị chức sắc nhà thờ tên là Choi Hong-koo nói.

MỚI - NÓNG