THẾ GIỚI 24H: Rộ tin Anh và Nga liên tiếp đàm phán bí mật

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo truyền thông Anh, các quan chức Chính phủ Anh đã tổ chức các cuộc đàm phán ngoại giao bí mật với đại diện Điện Kremlin về những biện pháp an ninh quốc tế trong suốt cuộc xung đột ở Ukraine.

Cuộc đàm phán được cho là đã diễn ra ở các thành phố như Vienna và New York trong 18 tháng qua, nhằm giải quyết các vấn đề như tình trạng thiếu ngũ cốc và an toàn hạt nhân. Tuy nhiên, tờ báo Anh dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết, việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine chưa được thảo luận. Người phát ngôn của Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển (FCDO) của Vương quốc Anh xác nhận rằng các cuộc đàm phán với quan chức Nga chỉ diễn ra vì “cần thiết” nhưng nhấn mạnh rằng Vương quốc Anh không có quyền đưa ra bất kỳ quyết định nào thay mặt Kiev.


Cựu chỉ huy Wagner bị bắt ở Na Uy khi tìm cách trở về Nga. Cảnh sát Na Uy vừa bắt giữ một cựu chỉ huy của lực lượng quân sự tư nhân Wagner vì nghi ngờ người này tìm cách vượt biên trái phép để trở lại Nga, luật sư của người đàn ông cho biết. Ngày 22/9, cảnh sát Na Uy cho biết họ đã bắt một người đàn ông độ tuổi 20 khi đang tìm cách vượt biên trái phép sang Nga, nhưng không nêu tên người này. Luật sư người Na Uy của Medvedev nói rằng việc bắt giữ lần này là do hiểu lầm. Luật sư khẳng định Medvedev chưa đến gần biên giới, nhưng bị chặn lại khi đang đi taxi. (XEM CHI TIẾT...)


Đức yêu cầu Ba Lan làm rõ cáo buộc liên quan đến bê bối thị thực. Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 23/9 đã kêu gọi Chính phủ Ba Lan làm rõ những cáo buộc liên quan đến vụ bê bối gian lận thị thực gây chấn động chính trường Ba Lan. Yêu cầu của ông Olaf Scholz được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các nguồn tin cho biết Đức đã triệu Đại sứ Ba Lan và Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ba Lan Kaminski để nói về vấn đề này.


Mỹ phê duyệt thương vụ quốc phòng trị giá 500 triệu USD với Saudi Arabia. Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ ngày 23/9 cho biết, Bộ Ngoại giao nước này cùng ngày đã phê duyệt một thỏa thuận tiềm năng trị giá 500 triệu USD nhằm bảo trì các đội xe quân sự của Saudi Arabia. Thỏa thuận trên bao gồm việc bán phụ tùng, linh kiện thay thế và dịch vụ sửa chữa các phương tiện như xe tăng Abrams, xe chiến đấu Bradley cho lục quân Saudi Arabia. Bên cạnh đó, Washington cũng trang bị cho Riyadh bệ phóng tên lửa TOW, hệ thống radar và thiết bị liên lạc quân sự nhằm duy tu và bảo trì các đội xe bọc thép của Saudi Arabia.


Trực thăng quân đội Thụy Sĩ gặp nạn khi đang diễn tập tại Pháp. Một máy bay trực thăng loại Puma của quân đội Thụy Sĩ đã gặp nạn trong một triển lãm hàng không ở Roanne, miền Trung nước Pháp. Thông báo của Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ ngày 23/9 cho biết vụ việc trên xảy ra trong cuộc diễn tập trên không và không có ai bị thương.


Đánh bom xe gây thương vong lớn tại Somalia. Ngày 23/9, ít nhất 13 người thiệt mạng và hơn 40 người khác bị thương trong vụ đánh bom xe tại thị trấn Beledweyne, miền Trung Somalia.


NATO nêu điều kiện kết nạp Ukraine. Ngày 22/9, hãng thông tấn Ukraine đưa tin Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg vừa tuyên bố NATO sẽ không kết nạp Ukraine làm thành viên cho đến khi xung đột tại nước này kết thúc.


Nhà Trắng yêu cầu chuẩn bị cho kịch bản đóng cửa chính phủ. Ngày 22/9, Chính quyền Mỹ đã yêu cầu các cơ quan liên bang sẵn sàng cho kịch bản đóng cửa chính phủ sau khi nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa ở Hạ viện không có kế hoạch khả thi nào để duy trì nguồn tài trợ cho chính phủ.


Chính quyền quân sự Niger phản ứng vì không được dự họp tại Liên Hợp Quốc. Chính quyền quân sự Niger chỉ trích Tổng thư kí Liên Hợp Quốc António Guterres vì đã cản trở không cho đại diện của Niger tham dự khóa họp 78 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Thông báo của chính quyền quân sự cho rằng việc cản trở không cho phái đoàn Niger tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, là một “sai lầm” của người đứng đầu Liên Hợp Quốc.


Campuchia không cho phép căn cứ quân sự nước ngoài hiện diện trên lãnh thổ. Phát biểu tại Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, tân Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Manet đã khẳng định trước Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và lãnh đạo các nước thành viên rằng, Campuchia cam kết nỗ lực cùng với các bên vì mục tiêu chung. Campuchia sẽ không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình và Campuchia cũng không cho phép bất kỳ quốc gia nào hoặc nhóm nào sử dụng lãnh thổ Campuchia để chống lại nước khác.

MỚI - NÓNG