Theo Sputnik, trong số mới nhất của tạp chí Dabiq, IS đăng một bài viết được ghi là do nhà báo Anh John Cantile thực hiện, miêu tả cách IS có thể lấy được bom hạt nhân trong vòng một năm. Cantile bị IS giữ làm con tin trong hơn hai năm và được coi là tuyên truyền viên bất đắc dĩ của nhóm. "IS có hàng tỷ USD trong ngân hàng, do đó, họ có thể kêu gọi các anh em tại Pakistan mua vũ khí hạt nhân thông qua những tên buôn lậu cấu kết với các quan chức tham nhũng trong khu vực", bài báo viết.
Theo Dabiq, khi IS mua được bom ở Pakistan, họ sẽ vận chuyển qua Libya và Nigeria đến phương Tây. "Các lô ma túy từ Columbia đã đi qua Tây Phi để đến châu Âu, vì vậy, việc chuyển hàng lậu khác từ phương Đông sang phương Tây là điều hoàn toàn có thể thực hiện".
Thượng đỉnh Đối tác phía Đông giữa Châu Âu với 6 nước Liên Xô cũ tại Riga tái khẳng định cam kết hợp tác "vì ổn định, an ninh và thịnh vượng của Liên Hiệp Châu Âu (EU), các đối tác Đông Âu và toàn châu lục". 34 quốc gia tham gia Thượng đỉnh ra Tuyên bố chung, trong đó có đoạn lên án Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
Đáng chú ý là việc châu Âu thỏa thuận trợ giúp Kiev 1,8 tỷ euro. Thượng đỉnh giữa 28 nước Liên Hiệp châu Âu và sáu nước Đông Âu diễn ra trong bối cảnh xung đột vũ trang giữa phe ly khai và chính quyền Kiev tại miền Đông Ukraine chưa chấm dứt. Nhiều thành viên chủ chốt của Liên Hiệp Châu Âu không muốn làm căng thẳng thêm quan hệ với Nga, hiện đang chịu nhiều trừng phạt kinh tế của Phương Tây do bị nghi ngờ hậu thuẫn phía phe nổi dậy miền đông Ukraine.
Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Hải quân James Winnefeld, cho biết, Lầu Năm Góc dự kiến sẽ ưu tiên cấp ngân sách cho hệ thống phòng thủ tên lửa đặt trên đất liền do tập đoàn Boeing nghiên cứu phát triển.
Ông Winnefeld cho hay Bộ Quốc phòng Mỹ đi tới quyết định trên trong bối cảnh Triều Tiên và Iran đang tìm cách phát triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng tấn công Mỹ. Ông cho rằng dù hai nước trên chưa chế tạo được các ICBM có khả năng đó, song Lầu Năm Góc phải xem xét mối đe dọa này một cách nghiêm túc.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày công bố kế hoạch bố trí hệ thống radar nhận dạng tầm xa dành cho hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa ở Alaska. Hãng RIA Novosti dẫn thông báo của Lầu Năm Góc nêu rõ: "Radar cảnh giới tầm xa sẽ được sử dụng như bộ cảm biến trung gian để tăng khả năng nhận dạng mục tiêu cho hệ thống phòng thủ tên lửa, tăng hiệu quả phản ứng đáp ứng tiềm năng, và nâng cao biện pháp phòng thủ mặt đất ở Alaska và California”.
Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngày 23/5 tuyên bố sẽ đánh chiếm Baghdad và thông báo nhóm chỉ còn cách thủ đô hơn 100 km. Qua loa phóng thanh ở các nhà thờ Hồi giáo, IS thông báo cho các thành viên tại Mosul rằng Baghdad sẽ sớm rơi vào tay nhóm này.
Theo BBC, chính quyền Baghdad hôm qua đã chặn cầu Bzebiz, ngăn dòng người chạy trốn từ Ramadi, thành phố vừa bị IS chiếm, đổ về thủ đô Iraq. Cầu Bzebiz là cửa ngõ để người dân từ tỉnh Anbar vào Baghdad. Thông thường, phải có người nội thành bảo lãnh thì mới được phép vào thủ đô qua cầu này. Các quan chức lo ngại rằng chiến binh IS có thể trà trộn vào dòng người chạy trốn và xâm nhập vào Baghdad. Trong khi đó, những người tị nạn đang mắc kẹt ở Anbar bất bình với quyết định này.
Trong khi Ả rập Saudi tiếp tục không kích Yemen, nhóm hacker tự xưng là Yemen Cyber Army (quân đội mạng của Yemen) đã tuyên bố động thái trả thù trên mặt trận không gian ảo.
Theo Sputnik, nhóm tin tặc Yemen Cyber Army đã đoạt được quyền thâm nhập ở nhiều cấp độ khác nhau vào hệ thống máy chủ của chính phủ Ả rập Saudi. Chúng cũng đã tiết lộ một số thông tin mật lấy từ đây. Cùng với loạt dữ liệu đánh cắp đầu tiên được tung ra, nhóm hacker kèm theo lời nhắn: “Mạng thông tin của chúng mày đã bị Yemen Cyber Army xâm nhập. Chúng tao là những người vô danh. Chúng tao có ở khắp nơi. Chúng tao là một đội quân lớn. Chúng tao không tha thứ. Chúng tao không quên. Hãy ngừng ngay việc tấn công đất nước chúng tao!”.
Cùng với lời nhắn là danh tính của hàng ngàn người Ả rập Saudi kèm theo thông tin liên lạc của họ. Những thông tin đó không chỉ của các nhân viên đang làm trong ngành ngoại giao mà còn có cả các tình báo, gián điệp của Ả rập Saudi.
Một quan chức thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya cho biết ngày 23/5, nhà chức trách nước này đã bắt giữ khoảng 600 người di cư trái phép từ các nước châu Phi đang tìm cách vượt biển tới châu Âu bằng thuyền.
Theo nguồn tin trên, những người di cư bị vây bắt trong một chiến dịch truy quét quy mô lớn ở khu vực Tripoli. Người ta nhìn thấy hàng trăm người di cư trên ngồi bên ngoài một trung tâm giam giữ ở Tripoli để nhà chức trách phân phát thực phẩm và nước uống.
Libya, quốc gia có đường bờ biển dài 1.770km, từ lâu đã là bàn đạp của những người châu Phi đang tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu.
Giới chức y tế Ấn Độ ngày 23/5 cho biết, số người thiệt mạng vì nắng nóng tại Andhra Pradesh là 80 người. Trong khi đó, từ ngày 21/5 tại bang Telengana đã có 70 người chết vì nắng nóng khắc nghiệt. Hầu hết các trường hợp tử vong là những người vô gia cư.
Nhà chức trách 2 bang này cũng đã khuyến cáo người dân tránh ra khỏi nhà vào thời gian nắng nóng đỉnh điểm trong ngày. Giữa tuần qua, nhiệt độ tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ có lúc lên tới 42,6 độ C. Ở miền Tây Ấn Độ có nơi nóng tới 47,5 độ C. Cơ quan thời tiết Ấn Độ dự báo đợt nắng nóng này sẽ còn kéo dài trong vài ngày tới ở Ấn Độ.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 23/5 cho biết, Ukraine đã đề nghị Moscow gia hạn biện pháp bán khí đốt với giá ưu đãi cho đến cuối năm nay.
Hãng thông tấn RIA (Nga) dẫn phát biểu của ông Novak nêu rõ: “Họ (Ukraine) đã đề nghị việc này từ lâu rồi. Họ muốn gia hạn cho đến cuối năm nay”. Hồi tháng 3 vừa qua, Nga đã gia hạn biện pháp chiết khấu ở mức 100 USD/1000 m3 khí cho đến cuối quý II năm 2015, theo đó Kiev sẽ tiếp tục được mua khí đốt với mức giá ưu đãi chỉ 248 USD/1.000 m3.
Trong bối cảnh Mỹ nỗ lực trong 5 năm qua để trở thành quốc gia dầu mỏ hàng đầu thế giới, nước xuất khẩu dầu mỏ nhiều nhất thế giới là Saudi Arabia đã “âm thầm qua mặt” Mỹ giành vị trí là đất nước có nhu cầu năng lượng cao đỉnh điểm vào mùa Hè.
Trong các tháng Sáu và tháng Tám hàng năm, khi nhiệt độ tại thủ đô Riyadh thường tăng lên hơn 100 độ F (38 độ C), Saudi Arabia phải dành tới 10% sản lượng dầu mỏ của nước này để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện cần hoạt động hết công suất để có thể đáp ứng nhu cầu điện trong nước tăng cao.
Trong khi đó tại Mỹ, lượng xăng tiêu thụ tăng 10% vào mùa Hè hàng năm, khi hàng triệu hộ gia đình tận dụng các kỳ nghỉ của học sinh và thời tiết ấm hơn để thực hiện các chuyến dã ngoại bằng ôtô.