THẾ GIỚI 24H: NATO không muốn đối đầu quân sự với Nga

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
TPO - Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố liên minh quân sự này không tìm cách đối đầu với Nga thông qua việc củng cố các tiểu đoàn của mình ở Đông Âu.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Stoltenberg nói: “Chúng tôi đang củng cố khả năng phòng vệ tập thể, không nhằm kích động mà là ngăn ngừa một cuộc xung đột. Chúng tôi không tham gia vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Chúng tôi không muốn đối đầu với Nga. Ngược lại, chúng tôi tìm kiếm một mối quan hệ mang tính xây dựng hơn với Nga”.


Quan hệ giữa hai nước Đức – Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột căng thẳng sau khi Hạ viện Đức thông qua nghị quyết cho rằng cuộc thảm sát 1,5 triệu người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 1915 là tội ác diệt chủng. Tại cuộc bỏ phiếu diễn ra ở Hạ viện Đức ngày 2/6, hầu hết các nghị sỹ Đức đã bỏ phiếu tán thành nghị quyết này, chỉ có một phiếu chống và một phiếu trắng. (XEM CHI TIẾT)


Ngày 2/6, Điện Kremlin bác thông tin cho rằng Nga đã đồng ý triển khai một phái bộ cảnh sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ở miền Đông Ukraine. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định không có thỏa thuận nào về vấn đề này vì bất cứ quyết định nào nhằm giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine cũng cần cân nhắc lập trường của các đại diện ở Donbass.


Các quan chức Mỹ ngày 2/6 cho biết Washington hy vọng sẽ duy trì mối quan hệ an ninh bền vững giữa nước này với Philippines, trong đó có thỏa thuận gần đây về việc lực lượng Mỹ đồn trú luân phiên tại các căn cứ của quốc gia Đông Nam Á này, bất chấp những dấu hiệu từ Tổng thống đắc cử Philippines Rodrigo Duterte khi tuyên bố rằng ông sẽ đề ra đường lối độc lập hơn. 


Ngày 2/6, Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Mỹ Jeh Johnson cho biết nước này đã chấp thuận cho 4.700 người tị nạn Syria được tái định cư tại Mỹ sau quãng thời gian chờ đợi, trong khi 7.900 người Syria khác đang chờ xác minh an ninh để được hưởng quy chế tị nạn tại nước này.


Bốn người đàn ông từ Syria bị tình nghi có liên quan tới Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên kế hoạch âm mưu tấn công khủng bố tại Đức. Ngày 2/6, cảnh sát Đức cho biết họ đã bắt giữ ba trong số các đối tượng trên. Theo báo cáo của công tố viên, các đối tượng trên lên kế hoạch tấn công khủng bố vào thành phố Dusseldorf, miền tây nước Đức. (XEM CHI TIẾT)


Giới chức Mỹ ngày 2/6 thông báo đã xác định Mainak Sarkar, một sinh viên đang theo học ngành công nghệ tại trường, là kẻ đã xả súng tại trường Đại học California ở thành phố Los Angeles của bang California, làm 2 người thiệt mạng, trong đó có hung thủ. Nạn nhân là giáo sư khoa công nghệ William Klug, 39 tuổi.


Gia đình của sáu thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay số hiệu MH17 thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines gặp nạn gần 2 năm trước ở miền Đông Ukraine mới đây đã nộp đơn kiện hãng hàng không này. Balan Nair, luật sư đại diện cho gia đình của 6 thành viên phi hành đoàn cho biết, đơn kiện cáo buộc hãng Malaysia Airlines cẩu thả và vi phạm hợp đồng, gây nên thảm kịch hồi tháng 7/2014. (XEM CHI TIẾT)


Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 2/6 cho biết nước này đã hủy bỏ mệnh lệnh yêu cầu các lực lượng sẵn sàng chuẩn bị đánh chặn tên lửa đạn đạo nếu nó được phóng từ Triều Tiên và bay về phía lãnh thổ Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani trước đó trong tuần này đã ra lệnh điều động tạm thời các hệ thống đánh chặn tên lửa vì quan ngại rằng Triều Tiên có thể đang chuẩn bị thực hiện một vụ phóng tiềm tàng khác. 


Ngày 2/6, Ai Cập đã tiếp nhận tàu đổ bộ lớp Mistral (còn được gọi là tàu sân bay trực thăng) đầu tiên của Pháp, đồng thời cho biết chiếc tàu thứ 2 loại này sẽ về đến Ai Cập vào tháng 9 tới theo thỏa thuận đã ký hồi năm ngoái. Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Sedky Sobhi nhấn mạnh: “Giờ đây chúng tôi đã được tăng cường năng lực trong việc đương đầu với hoạt động khủng bố... Tàu này sẽ tăng cường năng lực chiến đấu của chúng tôi cũng như khả năng thực hiện các sứ mệnh dài hạn trên biển”. (XEM CHI TIẾT)

MỚI - NÓNG