THẾ GIỚI 24H: Australia phản đối Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop. (Nguồn: News)
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop. (Nguồn: News)
TPO - Ngoại trưởng Australia Julie Bishop ngày 11/6 đã không ngần ngại nhắc lại lập trường của Canberra phản đối việc Bắc Kinh tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Phát biểu tại Viện nghiên cứu Lowy ở thành phố Sydney (Australia), bà Bishop cho biết Canberra rất quan ngại trước nguy cơ về bất kỳ hành động đơn phương nào trong khu vực đều “có thể gây căng thẳng, dẫn đến những tính toán hay phán đoán sai lầm để cuối cùng kết thúc bằng một hình thức xung đột nào đó”, theo Vietnamplus.


Quân đội Ấn Độ và Pakistan ngày 11/6 đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn khi giao tranh tại ranh giới kiểm soát (LoC) phân chia Kasmir.

Quân đội Ấn Độ cho biết, 2 bên đã đọ súng tại khu vực biên giới của quận Poonch, cách thành phố Srinagar, thủ phủ của Kasmir 185km về phía Tây Nam. Theo tuyên bố của quân đội Ấn Độ, các binh sĩ Pakistan đã vô cớ nổ súng dọc ranh giới kiểm soát ở quận Poonch. Quân đội Pakistan được cho là đã sử dụng súng tự động. Các binh sĩ Ấn Độ sau đó đã bắn đáp trả, không có thương vong và thiệt hại nào. Cả Ấn Độ và Pakistan đều cáo buộc nhau đã khiêu khích bên kia bằng cách nổ súng trước và vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn.


Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk vừa có chuyến công du tới Mỹ 3 ngày (8-10/6). Tuy nhiên, trong chuyến thăm này, ông Yatsenyuk không diện kiến Tổng thống Obama. Theo cổng thông tin chính phủ Ukraine, ngày 9 và 10/6, trong khuôn khổ chuyến công du của phái đoàn Ukraine đến Washington, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk đã gặp nhiều quan chức cấp cao của Mỹ với mục đích chính là kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ từ phía Washington. Tuy nhiên, trong kế hoạch làm việc, ông Yatsenyuk không hề có cuộc diện kiến nào với Tổng thống Mỹ Barack Obama.


Theo cựu Tổng thống Afghanistan, nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) là do các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Đông. 

Trong một cuộc phỏng vấn với Russia Today (RT), cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai khẳng định rằng nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện của IS là hoạt động can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của các nước Trung Đông. Theo ông Karzai, nếu một phong trào xuất phát từ dân chúng, thì nhà cầm quyền đã có thể đối thoại với phong trào này. Ông nói thêm: "Nhưng nếu ở Iraq và Syria có băng nhóm do các lực lượng bên ngoài tạo lập và được dùng vào các mục đích hủy diệt, thì không thể đặt ra vấn đề đối thoại”. 


Sân bay Phần Lan ngày 11/6 đã náo loạn sau khi cảnh sát bắt giữ một đối tượng đe dọa đánh bom máy bay. Vụ việc xảy ra trên chuyến bay của hãng hàng không Thụy Điển.

Nguồn tin cảnh sát Phần Lan cho biết: đối tượng đe dọa đánh bom là người nước ngoài và hiện đã bị bắt giữ. Các hành khách trên chuyến bay đã được chuyển sang một máy bay khác. Cảnh sát không phát hiện thấy bom như lời đe dọa của đối tượng. Tuy nhiên, vụ việc trên đã khiến nhiều chuyến bay bị trì hoãn.


Ngày 11/6, ít nhất 41 người thiệt mạng trong trận lở đất do mưa lớn gây ra ở ở huyện Taplejung vùng núi đông bắc Nepal, cách thủ đô Kathmandu 500 km. Cứu hộ đã tìm thấy được 12 thi thể nạn nhân, bên cạnh 8 người khác bị thương. Số thương vong còn có thể tăng lên khi ít nhất 24 người vẫn đang mất tích. 6 ngôi làng đã bị vùi lấp, trong khi hoạt động giao thông ở đường cao tốc Mechi bị gián đoạn. Quân đội và cảnh sát Nepal đã được triển khai, tuy nhiên, mưa và lũ quét liên tục đang cản trở nỗ lực cứu hộ của họ.


Ngày 11/6, phái viên Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Reza Najafi nhận định rằng nhiều khả năng, thỏa thuận cuối cùng với 6 cường quốc - nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc dỡ bỏ trừng phạt - có thể đạt được trước hạn chót cuối tháng 6 tới. Trả lời báo giới sau phiên họp ban điều hành của IAEA tại Vienna, phái viên Najafi nói: "Nếu các bên đàm phán tuân thủ các thông số từng được nhất trí trước đó, việc đạt được một thỏa thuận vào cuối tháng 6 là hoàn toàn có thể”.


Thủ tướng Pháp Manuel Valls đang đối mặt với hàng loạt lời kêu gọi nộp lại 20.000 Euro chi phí đưa ông tới Berlin xem trận chung kết Champions League. 

Kêu gọi được đưa ra, sau khi có tin tức nói rằng, vị quan chức này đã đưa hai con trai cùng đi xem đá bóng. Trong khi ông Valls khẳng định, chỉ tới Berlin để gặp Chủ tịch UEFA Michel Platini, thì tuần báo Le Canard Enchaine tuyên bố, chẳng có cuộc gặp nào như vậy được lên kế hoạch và thời gian duy nhất mà hai quan chức trên gặp nhau là ở sân vận động, thời điểm mà Thủ tướng Pháp giới thiệu hai con với Platini. Khoảng 77% dân Pháp nói bị sốc với việc thủ tướng nước này dùng máy bay của chính phủ đi xem trận chung kết Champions League, kết quả thăm dò của truyền hình BFM cho thấy.


Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc ngày 11/6 cho biết xu hướng lây lan của Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) sẽ lên tới đỉnh điểm vào ngày 13/6 tới và dần dần lắng xuống sau đó. Trong phiên họp quốc hội, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh MERS thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, ông Yang Byung-kuk cho biết xu hướng lây lan của dịch MERS tập trung chủ yếu ở bệnh viện Samsung Seoul. Do đó, nếu tính thời gian ủ bệnh của virus gây MERS, thì số ca nhiễm bệnh có thể sẽ tăng cao nhất vào ngày 13/6 tới và giảm dần sau đó.


Khách sạn Koryo, một trong những khách sạn cổ và nổi tiếng nhất tại thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên đã bị cháy vào ngày 11/6. Một nhân chứng giấu tên cho biết các khu vực xung quanh khách sạn đã bị giới hạn trong khi cơn mưa lớn đã giúp hạn chế đám cháy.

Nhân chứng này cho biết có khói đen bốc lên từ những tầng trên của khách sạn cao 43 tầng này. Khách sạn Koryo gồm 2 toà tháp, cao 143 mét, nằm gần một ga tàu đông đúc và gần sông Taedong. Khách sạn Koryo cũng là nơi lưu trú của nhiều du khách nước ngoài khi đến Triều Tiên. Hiện các kênh truyền thông của Triều Tiên vẫn chưa đưa tin về vụ cháy và chưa rõ người trong khách sạn có được sơ tán hay không.

MỚI - NÓNG