Philippines, Trung Quốc chuyển sang 'chiến tranh truyền hình'

Trung Quốc đang bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông. Ảnh: IISS
Trung Quốc đang bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông. Ảnh: IISS
TP - Philippines sẽ phát sóng một phim tài liệu gồm 3 phần để bảo vệ quan điểm chủ quyền của họ trên biển Đông nhằm đáp lại loạt phim của Trung Quốc tuyên truyền về “đường lưỡi bò”.

Bộ phim tài liệu “Karapatan sa Dagat” (Các quyền trên biển) sẽ được phát trên Đài Truyền hình Quốc gia Philippines trong ngày quốc khánh của nước này. “Mục đích của chúng tôi là thông tin cho mọi người”, Channel News Asia dẫn lời ông Charles Jose - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines. Ông Jose nói rằng, Philippines hy vọng sẽ “tập hợp sự ủng hộ của người dân đối với các hành động và chính sách của chính phủ”. Ông Jose cho biết, Manila sẽ cho xuất bản một cuốn truyện tranh để tăng cường nhận thức của người dân Philippines về vấn đề chủ quyền biển đảo.

Năm 2013, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV phát sóng bộ phim tài liệu gồm 8 phần mang tên “Hành trình trên biển Hoa Nam (tức biển Đông)” như một nỗ lực nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của họ ở khu vực tranh chấp.

“Cuộc chiến truyền hình” nổ ra trong bối cảnh Trung Quốc nhanh chóng cải tạo phi pháp các bãi đá trên biển Đông bằng cách xây dựng ít nhất một đường băng và các cơ sở quân sự trên những thực thể thuộc quần đảo Trường Sa mà họ chiếm được.

“Ngoại giao micro”

Trong khi đó, một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc hôm qua nói rằng, những khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề biển Đông và an ninh mạng không nên được giải quyết bằng “ngoại giao micro” (chỉ tay vào nhau, đổ lỗi cho nhau), mà theo “cách thức phù hợp” để chuyến thăm Mỹ sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thành công. Bà Wu Xi, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Washington, hôm qua nói rằng, không nên để những vấn đề riêng lẻ ảnh hưởng quan hệ tổng thể Mỹ - Trung, và rằng những lợi ích chung, như giá trị thương mại song phương 550 tỷ USD (năm ngoái) vượt xa những khác biệt giữa hai nước.

“Sử dụng ngoại giao micro, chỉ tay vào nhau, sẽ không giải quyết được vấn đề gì”, Reuters dẫn lời bà Wu phát biểu trong một cuộc họp tại tòa nhà Quốc hội Mỹ nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Nhóm công tác chung của Quốc hội Mỹ - Trung. “Lựa chọn đúng đắn là thừa nhận những khác biệt giữa chúng ta, tôn trọng lẫn nhau và tham gia đối thoại thực sự”, bà Wu nói, ngụ ý những bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông mà nhiều người lo ngại có thể dẫn đến xung đột quân sự, cũng như vụ tấn công mạng trên quy mô lớn nhằm vào chính phủ Mỹ mà Washington cáo buộc tin tặc Trung Quốc thực hiện. Trung Quốc cho rằng, cáo buộc tấn công mạng này là “vô trách nhiệm” và họ có quyền xây dựng các đảo nhân tạo trên khu vực tranh chấp ở biển Đông.

Trong khi đó, đại diện Mỹ, ông Rick Larson, đồng sáng lập viên Nhóm công tác lưỡng đảng, nói rằng, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới “không thể không làm việc với nhau”. Ông Larson cũng gọi biển Đông và những vụ việc như cuộc tấn công mạng ồ ạt vừa qua là những vấn đề “rất thách thức” không thể gạt sang một bên. “Chúng ta không thể che đậy những vấn đề này, chúng ta không thể trốn tránh những vấn đề này”, Reuters dẫn lời ông Larson.

Tàu Trung Quốc đã ra khỏi vùng biển Việt Nam

Trước thông tin tàu thăm dò dầu khí Tân Hải 517 của Trung Quốc hôm 6/6 đi vào vùng biển cách đảo Phú Quý 20 hải lý về phía tây nam và cách bờ biển Bình Thuận khoảng 40 hải lý, sau đó di chuyển chậm về phía vịnh Thái Lan, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình ngày 11/6 cho biết, các lực lượng chức năng Việt Nam luôn theo sát mọi hoạt động của tàu Tân Hải 517. Và sau khi các lực lượng chức năng Việt Nam tiến hành các biện pháp cần thiết, tàu Tân Hải 517 đã ra khỏi vùng biển của Việt Nam từ ngày 8/6.

Về việc Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi gần đây phản đối tuyên bố chung của nhóm G7 lên án những hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông, ông Bình nói rằng, tình hình hiện nay ở biển Đông rõ ràng đã gây lo ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế và không có lợi cho hòa bình, ổn định ở khu vực biển Đông. “Việt Nam hoan nghênh mọi nỗ lực mang tính xây dựng, tích cực và có trách nhiệm của các quốc gia trong và ngoài khu vực vì hòa bình, ổn định ở biển Đông”, ông Bình nói.

MỚI - NÓNG
Hàng trăm du khách nửa đêm 'hóng' cảnh cầu sông Hàn tự quay ngang
Hàng trăm du khách nửa đêm 'hóng' cảnh cầu sông Hàn tự quay ngang
TPO - Trước đây, cầu sông Hàn (TP. Đà Nẵng) quay là để phục vụ tàu thuyền đi lại, nay các cảng đã di dời ra ngoài sông Hàn nên việc quay cầu chủ yếu để phục vụ khách du lịch. Dịp cuối tuần, dù gần nửa đêm nhưng hàng trăm du khách, người dân vẫn kéo đến để được chứng kiến trọn vẹn khoảnh khắc cây cầu độc đáo nhất Việt Nam có thể chuyển động và tự quay ngang.