Phát ngôn viên hải quân Trung Quốc Liang Yang nói rằng, đợt tập trận tại vùng nước thuộc eo biển Bashi diễn ra theo kế hoạch diễn tập thường niên, không nhằm vào bất cứ quốc gia hoặc khu vực đặc biệt nào. “Các cuộc tập trận sẽ không ảnh hưởng tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển và không phận khu vực”, ông Liang tuyên bố. “Các cuộc tập trận tương tự sẽ được triển khai”, ông nói. Một quan chức thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết, đợt tập trận của Trung Quốc diễn ra ở vùng biển phía bắc nước này. Cơ quan quốc phòng Đài Loan thông báo đang giám sát chặt chẽ các cuộc tập trận của Trung Quốc đại lục.
Reuters ghi nhận Trung Quốc đã liên tục tăng ngân sách quốc phòng để hiện đại hóa quân đội lớn nhất thế giới và đang thu được những kinh nghiệm tác chiến nằm xa bờ biển Trung Quốc. Trong Sách trắng chiến lược quốc phòng được công bố tháng trước, Bắc Kinh tuyên bố tiếp tục tăng cường bảo vệ vùng biển ngoài xa và chỉ trích một số nước láng giềng có những “hành động khiêu khích” đối với các bãi đá và đảo do Trung Quốc kiểm soát. Tuyên bố của Trung Quốc khiến khu vực và Mỹ hết sức lo ngại.
Trong khi đó, Nhật Bản và Philippines đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận hải quân gần biển Đông, tạp chí Nhật Bản The Diplomat đưa tin. Theo Đài Truyền hình Nhật Bản NHK, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ cử một máy bay do thám hải quân P-3C tham gia cuộc tập trận chung dự kiến diễn ra trong tháng 6 này, còn phía hải quân Philippines sẽ cử một tàu chiến và một máy bay. Phát ngôn viên Hải quân Philippines Edgard Arevalo cho biết, cuộc tập trận sẽ bao gồm các hoạt động hỗ trợ nhân đạo, phản ứng trước thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ trên biển, nâng cao nhận thức tình hình trên biển và hợp tác với hải quân nước bạn. Đây sẽ là cuộc tập trận hải quân chung thứ hai giữa Nhật Bản và Philippines.
Chuyên gia cao cấp Doug Bandow tại Viện Cato (Mỹ) nhận định trên trang tin Mỹ The Huffington Post rằng, phương châm mới trong hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật cổ súy Mỹ đương đầu Trung Quốc. Nhật Bản và Mỹ đang thảo luận vấn đề tuần tra chung trên biển Hoa Đông và biển Đông.
Máy bay Mỹ có thể sẽ tiến hành các hành động mà Trung Quốc cho là “thách thức” khi hỗ trợ các yêu cầu thông tin trong vùng lãnh thổ tranh chấp từ một quốc gia thứ ba. Đối với Mỹ, vấn đề này có ý nghĩa rất lớn. Washington quan tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Nhật Bản dựa trên mục đích bảo vệ quyền lợi của chính nước Mỹ. Đặc biệt là ủng hộ, khuyến khích chính phủ Nhật Bản cứng rắn với các hành động của Trung Quốc.
Theo ông Bandow, những nguyên tắc mới trong hợp tác quốc phòng Nhật- Mỹ cho thấy, Washington đang từng bước trở thành lực lượng đối đầu chính với Trung Quốc.