Xung đột Nga - Ukraine ngày 13/11: Nhiều tiếng nổ vang lên ở Kiev sau khi sáu oanh tạc cơ Nga xuất kích

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các nhân chứng của Reuters đã nghe thấy những tiếng nổ tại Kiev sáng 13/11, sau khi Không quân Ukraine đặt toàn bộ đất nước vào tình trạng báo động không kích.

Trong cuộc tấn công tên lửa đầu tiên sau hơn hai tháng, Nga đã sử dụng tên lửa hành trình phóng từ máy bay chiến lược và tên lửa đạn đạo.

"Có tiếng nổ trong thành phố. Lực lượng phòng không đang hoạt động. Hãy ở trong hầm trú ẩn", chính quyền Kiev cho biết trên Telegram.

Cơ quan chức năng chưa báo cáo bất kỳ thương vong hoặc thiệt hại nào.

Quân đội Nga chưa lên tiếng về thông tin này.

Nga được cho là đã điều động tới sáu máy bay ném bom Tu-95MS từ Olenegorsk vào đêm ngày 12, rạng sáng 13/11. Những tên lửa hành trình đầu tiên đã xâm nhập không phận Ukraine vào khoảng 7h.

Trước đó, ngày 26/8, Nga đã tấn công Ukraine bằng hơn 200 máy bay không người lái và tên lửa, trong vụ việc mà Kiev cho biết là "cuộc tấn công lớn nhất" kể từ đầu xung đột.

Khả năng Ukraine chuẩn bị tổ chức bầu cử

Xung đột Nga - Ukraine ngày 13/11: Nhiều tiếng nổ vang lên ở Kiev sau khi sáu oanh tạc cơ Nga xuất kích ảnh 1

(Ảnh: Avia Pro)

Tạp chí The Economist đưa tin về khả năng tổ chức bầu cử tại Ukraine vào ngày 25/5/2025, sau khi lệnh thiết quân luật được dỡ bỏ.

"Hiện tại, có hai mốc thời gian được các chính trị gia Ukraine nhắc đến: ngày 20/1/2025, khi ông Donald Trump nhậm chức; và ngày 25/5, thời điểm có thể tổ chức bầu cử", The Economist viết.

Tuy nhiên, Kiev đã phủ nhận khả năng này.

Trước đó, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) cho biết, Mỹ có thể đang cân nhắc thúc đẩy tổ chức một cuộc bầu cử ở Ukraine trong năm tới. Tổng thống Volodymyr Zelensky vẫn đang nắm quyền ở Ukraine, mặc dù nhiệm kỳ của ông đã hết hạn vào tháng 5.

Ông Zelensky từng bác bỏ khả năng tổ chức bầu cử tổng thống, với lý do Ukraine đang áp lệnh thiết quân luật vì xung đột với Nga.

Tuần trước, Tổng thống Zelensky đã gia hạn thời gian thiết quân luật và huy động lực lượng ở Ukraine đến tháng 2/2025.

Ngoại trưởng Mỹ thăm châu Âu bàn về việc duy trì hỗ trợ Ukraine

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang trên đường đến Brussels để hội đàm với các đồng minh châu Âu, trong bối cảnh nhiều nước phương Tây lo ngại rằng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể bỏ rơi Ukraine.

Xung đột Nga - Ukraine ngày 13/11: Nhiều tiếng nổ vang lên ở Kiev sau khi sáu oanh tạc cơ Nga xuất kích ảnh 2
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Ảnh: Reuters)

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Blinken kể từ sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ngoại trưởng Blinken sẽ dừng chân tại Brussels trước khi tới Peru và Brazil vào cuối tuần này.

Trong các cuộc họp với các quan chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), ông Blinken sẽ "thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine đối phó với quân đội Nga”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nhưng không hé lộ chi tiết.

Ngoài việc cung cấp hàng tỷ đô la viện trợ quân sự cho Kiev, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nỗ lực mở rộng NATO và tập hợp các quốc gia trên thế giới để cô lập Nga sau khi xung đột bùng phát ở Ukraine.

Ông Trump đã chỉ trích sự hỗ trợ của chính quyền Tổng thống Biden cho Ukraine, làm dấy lên mối lo ngại rằng nguồn viện trợ có thể bị cắt đứt khi ông Trump trở lại Nhà Trắng.

Các quan chức Mỹ cho biết sẽ khẩn trương thúc đẩy triển khai khoản viện trợ đã được phân bổ cho Ukraine trước khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1.

"Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để đưa Ukraine vào vị trí vững chắc nhất có thể, bằng cách tăng cường viện trợ từ bây giờ cho đến khi chính quyền hiện tại kết thúc nhiệm kỳ, và phối hợp với các đối tác trên khắp thế giới để đảm bảo họ sẵn sàng ứng phó với bất kỳ sự cố nào", một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.

Các đối tác này có thể bao gồm những đồng minh châu Âu mà Ngoại trưởng Blinken sẽ gặp tại Brussels, nhưng cũng có thể bao gồm một số đồng minh khác như Hàn Quốc, quốc gia có thể đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới do lo ngại về mối quan hệ liên minh ngày càng sâu sắc giữa Nga và Triều Tiên, vị quan chức này tiết lộ.

Mỹ lần đầu xác nhận lực lượng Triều Tiên tham gia xung đột Nga - Ukraine

Xung đột Nga - Ukraine ngày 13/11: Nhiều tiếng nổ vang lên ở Kiev sau khi sáu oanh tạc cơ Nga xuất kích ảnh 3

(Ảnh: AP)

Chính quyền Mỹ tin rằng, quân đội Triều Tiên đang tham gia chiến đấu chống lại lực lượng Ukraine ở tỉnh biên giới Kursk của Nga, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết tại một cuộc họp báo.

Theo ông Patel, "hơn 10.000 binh sĩ Triều Tiên đã được điều đến miền đông nước Nga". "Hầu hết trong số họ đã di chuyển đến tỉnh Kursk, và bắt đầu tham gia vào các hoạt động chiến đấu với lực lượng Nga".

Ông Patel cũng nhấn mạnh, "lực lượng Nga đã huấn luyện binh sĩ Triều Tiên về pháo binh, về máy bay không người lái, về các hoạt động bộ binh cơ bản, vì đây là những kỹ năng quan trọng cho các hoạt động tiền tuyến".

"Có một số thách thức mà họ cần phải vượt qua, là khả năng tương tác, rào cản ngôn ngữ, chỉ huy và kiểm soát, và thông tin liên lạc", ông nói.

Đây là lần đầu tiên Mỹ xác nhận quân đội Triều Tiên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột. Các quan chức Ukraine trước đó cho biết, lực lượng của họ đã đối đầu với quân đội Triều Tiên trên chiến trường. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc không xác nhận thông tin này.

Ngày 31/10, phát ngôn viên Điện Kremlin chỉ ra rằng Mỹ không đưa ra bằng chứng về sự hiện diện của lực lượng Triều Tiên tại Nga. Do đó, Mátxcơva không bình luận về những suy đoán như vậy.

Ukraine đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào tỉnh Kursk của Nga hồi đầu tháng 8. Theo Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi bắt đầu chiến dịch ở Kursk, Ukraine đã mất hơn 31.700 binh sĩ và 200 xe tăng, 131 xe chiến đấu bộ binh, 110 xe bọc thép chở quân, 1.113 xe chiến đấu bọc thép, 858 xe cơ giới, 269 khẩu pháo và 40 bệ phóng đa nòng. Chiến dịch truy quét lực lượng vũ trang Ukraine của quân đội Nga vẫn tiếp tục.

Ngày 10/11, tờ New York Times đưa tin 50.000 binh sĩ Nga và Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công quy mô lớn tại tỉnh Kursk.

Theo Pravda, The Economist, Tass
MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn lao dốc mạnh
Giá vàng nhẫn lao dốc mạnh
TPO - Sau khi giá vàng thế giới tiếp tục giảm vào sáng nay, giá vàng miếng SJC giảm thêm nửa triệu đồng/lượng và vàng nhẫn giảm gần 1 triệu đồng/lượng.