Thấy gì qua bảng xếp hạng các nhà khoa học nổi tiếng thế giới?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Danh sách các nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới 2023 của nhà xuất bản Elsevier (một công ty xuất bản học thuật, chủ sở hữu cơ sở dữ liệu Scopus) có 47 nhà khoa học là người Việt Nam. Tại đây, bức tranh về các nhà khoa học Việt Nam cũng đầy màu sắc.

Mới đây, nhà xuất bản (NXB) Elsevier (một công ty xuất bản học thuật, chủ sở hữu cơ sở dữ liệu Scopus) công bố bảng xếp hạng 100.000 các nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới năm 2023. Danh sách này có 64 cá nhân đang công tác tại các trường đại học (ĐH) của Việt Nam. Trong đó có 47 nhà khoa học là người Việt Nam. Tại đây, bức tranh về các nhà khoa học Việt Nam cũng đầy màu sắc.

Thấy gì qua bảng xếp hạng các nhà khoa học nổi tiếng thế giới? ảnh 1

Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Trong danh sách của NXB Elsevier, xếp hạng thứ 1.119 thế giới và số 1 Việt Nam là PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Á, Đà Nẵng. Ông Hoàng Anh Tuấn được dư luận biết đến khi những lùm xùm về vị trí Tổng biên tập Tạp chí Fuel - một tạp chí nằm trong danh mục ISI, Q1 (tạp chí khoa học nổi tiếng).

Hồi đầu năm, ông Tuấn chia sẻ với báo chí là ký xong hợp đồng với Giám đốc NXB Elsevier, để nhận vai trò Tổng biên tập của tạp chí Fuel. Nhưng đến tháng 4 thì ông vướng những lùm xùm về cáo buộc gian lận quy mô lớn số lượt trích dẫn và được cho là bị loại khỏi vai trò đồng Tổng biên tập.

Tuy nhiên, trả lời báo chí thời điểm trên, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết do áp lực công việc quá nhiều, với mức độ hơn 500 bài phải giao trong một tháng, ông không thể làm việc gì khác ngoài việc đánh giá sơ bộ và giao phản biện. Do vậy, ông đã xin rút khỏi vị trí đó.

Từ tháng 8 vừa qua, ông Tuấn về công tác tại Trường ĐH Đông Á. Trước đó, ông làm việc tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM. Năm nay, ông Tuấn là ứng viên Giáo sư (GS) của Hội đồng GS cơ sở Trường ĐH Công nghệ TPHCM.

Kết quả xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2023 do Hội đồng GS cơ sở Trường ĐH Công nghệ TPHCM công bố trước khi gửi danh sách lên Hội đồng GS ngành/liên ngành không có hồ sơ của ông Tuấn vì không đủ điều kiện đưa vào bỏ phiếu tín nhiệm. Lý do bởi ứng viên này khai minh chứng hướng dẫn 2 nghiên cứu sinh chưa rõ ràng nên không đủ số lượng theo quy định.

Theo ghi nhận của phóng viên, có nhà khoa học trong danh sách có số lượng bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế trong năm rất khủng như năm 2022 đăng 128 bài; năm 2021 đăng 122 bài.

Theo dữ liệu từ google scholar (là công cụ tìm kiếm các tài liệu trong việc nghiên cứu khoa học), các bài báo của ông Hoàng Anh Tuấn (tên trong khác bài báo là AT Hoang) trên các tạp chí khoa học quốc tế tập trung trong giai đoạn 2018 đến nay.

Trong đó, năm 2018 ông Tuấn đứng tên 22 bài báo cùng các tác giả trong nước và nước ngoài; năm 2019 là 13 bài; 2020 là 22 bài; 2021: 49 bài; năm 2022: 56 bài. Từ đầu năm đến nay ông Tuấn cùng các tác giả khác đăng 35 bài báo khoa học.

Cũng từ dữ liệu của Goolge Scholar, đứng tên với ông Tuấn có một số tác giả là người Việt. Trong đó có 1 người cũng trong danh sách 47 người Việt Nam lọt top các nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới như ông Nguyễn Xuân Phương, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, xếp thứ hạng 57.212 thế giới và thứ 27 của Việt Nam.

Trường tư “át” trường công

Bảng xếp hạng do nhóm nhà khoa học của GS John P.A. Ioannidis cùng các cộng sự thuộc Đại học Stanford (Mỹ) lựa chọn trên cơ sở dữ liệu Scopus và được NXB Elsevier công bố.

47 người là nhà khoa học Việt đang công tác ở Việt Nam có 7 người thuộc top 10.000 gồm PGS.TS Hoàng Anh Tuấn; PGS.TS Trần Xuân Bách, Trường ĐH Y Hà Nội, xếp hạng 3.240, thứ 2 Việt Nam); TS Phạm Thái Bình,Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, xếp hạng 4.444, thứ 3 Việt Nam; TS Hoàng Nhật Đức, Trường ĐH Duy Tân xếp thứ tư Việt Nam và 5.551 thế giới; GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội, xếp thứ năm ở Việt Nam và 5.657 thế giới; TS Trần Nguyễn Hải, Trường ĐH Duy Tân, xếp vị trí thứ sáu Việt Nam và 6.669 thế giới; PGS.TS Lê Hoàng Sơn, ĐH Quốc gia Hà Nội, xếp hạng 6.982 thế giới và thứ bảy tại Việt Nam.

Trong đó, PGS.TS Lê Hoàng Sơn và GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) lọt top 5 năm liên tiếp 2019 - 2023.

Trong danh sách này, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM có 4 nhà khoa học lọt top; Trường ĐH Duy Tân, ĐH Quốc gia Hà Nội đều có 5 nhà khoa học; Trường ĐH Tôn Đức Thắng có 6 đại diện; ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Phenika, Trường ĐH Văn Lang có 2 nhà khoa học; các trường có 1 nhà khoa học lọt top là Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, Trường ĐH Giao thông Vận tải, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội,… Như vậy, các trường ĐH tư thục như Duy Tân, Văn Lang, Thủ Dầu Một, Nguyễn Tất Thành đang có số lượng các nhà khoa học lọt top lấn át các trường công lập. Trong danh sách này vắng bóng nhà khoa học đến từ ĐH Bách khoa Hà Nội.

Nhiều nhà khoa học nước ngoài đang làm việc tại các trường ĐH của Việt Nam, như Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH VinUni, ĐH Kinh Tế TP HCM... cũng có trong danh sách.

Bảng xếp hạng 100.000 người có tầm ảnh hưởng dựa trên bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất. Danh sách lần đầu được công bố trên tạp chí PLoS Biology vào 8/2019. Bảng xếp hạng sử dụng nguồn cơ sở dữ liệu của Scopus (thuộc NXB Elsevier) từ năm 1960 đến tháng 10/2023.

Các tiêu chí đánh giá dựa theo các chỉ số ảnh hưởng trong giới khoa học (tổng số trích dẫn, chỉ số Hirsch h-index; chỉ số Schreiber hm-index được điều chỉnh đồng tác giả, số trích dẫn các bài báo được đăng với tư cách tác giả duy nhất, tác giả chính và tác giả cuối cùng, và một chỉ số tổng hợp).

Danh sách các nhà khoa học được phân vào 22 lĩnh vực chính và 174 lĩnh vực phụ (ngành/chuyên ngành). Mỗi người cần có tối thiểu 5 bài báo.

MỚI - NÓNG