Hai năm trước, một tờ báo tham khảo ý kiến người Nhật- nước đã bỏ Tết Âm cách đây một thế kỷ vì nhu cầu phát triển kinh tế. Công sứ Hideo Suzuki: “Chúng ta đang sống trong xã hội toàn cầu hóa. Điều đó tạo ra một xã hội mở nhưng mặt khác nó khiến con người mất đi bản sắc, sự nhận diện “chúng ta là ai”. Đây là vấn đề lớn, thậm chí về khía cạnh an ninh quốc gia. Một quốc gia có thể có trong tay những máy bay chiến đấu hiện đại nhất, tinh xảo nhất, nhưng nếu những người điều khiển máy bay không có ý chí mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền quốc gia thì máy bay hiện đại ấy chẳng có tác dụng gì”. Ông công sứ khẳng định người Nhật vẫn làm việc hết mình mà chẳng hiểu sao năng suất và hiệu quả kinh tế không được như trước.
Dân số Việt Nam đang bước vào thời kỳ già. Nếu Pháp mất trăm năm, Mỹ 75 năm, Nhật 26 năm để chuyển từ cơ cấu dân số già hóa sang dân số già thì chỉ khoảng 17- 18 năm tới, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già, sớm hơn 2- 3 năm so với dự báo. Sự rời rạc trong tâm lý xã hội chắc chắn liên quan đến sự già hóa và sụt giảm dân số, khi mỗi người lao động không còn thời gian và tâm trí dành cho riêng mình và gia đình. Vì thế nếu chỉ căn cứ các chỉ số phát triển kinh tế để gièm pha truyền thống e chưa đủ.
Vấn đề có lẽ không nằm ở bỏ hay giữ Tết Nguyên đán, mà ở chỗ chúng ta làm gì với nó. Đó tùy thuộc vào nhu cầu thích ăn hơn, thích chơi hơn hay vẫn thích làm của mỗi người.