Đọc cuốn tiểu thuyết này, sẽ thấy ngay mỗi một nhân vật đều được vẽ nên với những câu chữ ngắn gọn nhưng súc tích. Họ hiện lên rõ ràng, như đang ngồi trước mắt người đọc. Có lẽ tác giả đã để nhân vật thật sự sống trong lòng mình một thời gian dài nên nhân vật mới sinh động đến độ như vậy.
Vào đầu cuốn truyện, nhân vật đầu tiên là một thiếu phụ không trông rõ mặt, không nói câu nào, như là đang sống mộng du thế rồi liền ngay sau đấy người ta mới biết là nàng đã bỏ đi xa. Bỏ đi ra ngoài biển khơi theo chiếc tau biển viễn dương nhưng nàng lại là một hình ảnh luôn thấp thoáng trong suốt cuốn truyện cho đến tận trang cuối cùng người đọc vẫn thấy như nàng lẩn quất quanh đây với làn hương thơm ám vào ký ức câu chuyện.
Người thiếu phụ này không có cả tên trong truyện và nàng xuất hiện trong một hoàn cảnh đầy chất liêu trai. Trong lúc bị lạc giữa rừng, cậu Hưng chui vào trong lòng một chiếc tháp hoang nhắm mắt cầu khấn thì khi mở mắt đã thấy bức tượng phủ khăn trước mặt ngả vào tay mình, ông nhận ra một thiếu nữ bất tỉnh. Bế nàng về được tới nhà ông bèn lấy một bộ kim châm cứu chưa dùng bao giờ của một tử tù để châm cho nàng. Không những cô nàng đã tỉnh mà còn thướt tha đi lại dọn dẹp giường chiếu như là người thân trong nhà.
Đặc biệt mỗi bước mà nàng đi qua đều vương vất lại hương thơm kỳ ảo mà sau mọi người mới biết đó là hương hoa Thùy Miên một loài hoa lạ nở trên tháp cổ, cả năm chỉ nở một lần, ai mà trông thấy cuộc đời ắt có đổi thay. Mặc dù người vợ đã bỏ đi xa nhưng mà ông Hưng luôn nghĩ rằng vợ của mình chính là tiên nữ nhập thế, nàng đã về với cõi tiên để lại đứa con mà sẽ trở thành một nhân vật chính tiếp theo trong câu chuyện này.
Mặc dù thân nàng đã vĩnh viễn rời câu chuyện nhưng hương hồn nàng, ký ức sâu đậm về nàng luôn sống theo cùng câu chuyện đến phút cuối cùng. Người mang nặng những ký ức này chính là ông Hưng, một nhân vật chính xuyên suốt toàn bộ câu truyện.
Lạ thay, một cuốn truyện dài đầy cảm xúc mà nhân vật chính lại là một người đàn ông trung niên, thâm trầm lặng lẽ. Vậy nhưng người đọc không hề thấy chán. Họ bị ông hớp hồn và theo ông đi suốt cả cuốn tiểu thuyết.
Đọc truyện người ta hiểu hết cả những ứng xử lạ kỳ khác người của nhân vật này, hiểu vì sao ông lại yêu vợ mù quáng, yêu con đến mức ngược đời và người ta hiểu được hết những triết lý sống mà ông theo đuổi.
Đặc biệt ông Hưng là người trực tiếp có mặt trong hầu hết các cuộc tình của truyện. Trong mối tình nào ông cũng là người đặc biệt. Yêu đến hết mình, trân trọng nâng niu người tình nhưng rồi ông luôn tỉnh táo giữ gìn để cho các cuộc tình ấy không che khuất mất mối tình của ông với người vợ trẻ huyền mị đã bỏ đi xa.
Một nhân vật chính thứ ba chính là Thùy Miên, con gái ông Hưng với đầy cá tính và đa nhân cách. Tả được sự đa nhân cách đã khó mà trong truyện này người đọc còn hiểu và thông cảm được nhiều lần Thùy Miên đột ngột thay đổi tính tình, thấy cô đáng yêu và thân thiết như một người bạn thân đang sống với ta.
Xuyên suốt câu chuyện và nhất là qua ba nhân vật chính này, người đọc sẽ thấy rất rõ có hai bàn tay âm thầm xen vào cuộc đời của mọi kiếp người. Một là định mệnh hay ta thường gọi đó là số phận. Dù luôn nghĩ mình tự do nhưng mà nhiều lúc ta bỗng vấp phải một vật rất cứng nhưng mà vô hình, lúc đó ta biết định mệnh có thật và đang can thiệp vào cuộc đời ta. Hai là ái dục mà cái đẹp nhất của nó chính là tình yêu. Tình yêu luôn là đẹp nhất nhưng mà nếu chỉ chệch đi một bước tình yêu sẽ đưa ta đến rất nhiều đau khổ khôn lường. Dưới hai bánh xe Định mệnh và Tình yêu, cuộc đời con người xoay vần giữa hạnh phúc và khổ đau.
Tiểu thuyết “Hoa Thùy Miên” của tác giả Phạm Hoàng Hải là câu chuyện về cô gái có tên Thùy Miên - loài hoa trắng hiếm tinh khôi thi thoảng mới thấy trên thân tháp cổ mỗi năm một lần. Từ giữa các bông hoa nhỏ mọc ra các cánh hoa dài mỏng và nhẹ như là khói nhang quyện mùi hương, đó là hương thơm của hoa Thùy Miên. Ai có dịp được chiêm ngưỡng hoa Thùy Miên nở, cuộc đời người ấy sẽ đổi thay - hoặc là hạnh phúc hoặc là bất hạnh. Thường thì hạnh phúc để rồi bất hạnh hay là đau khổ để mà tìm được hạnh phúc sau này…