Nguyễn Linh: Hơn 40 năm trăn trở để lưu mộc mạc chất riêng

TPO - Hoạ sĩ Nguyễn Linh sẽ tổ chức triển lãm "Nguyễn Linh 6" ở TP.HCM ngày 5/5. Với triển lãm này, một lần nữa người xem được chiêm ngưỡng những tác phẩm khổ lớn (170-250 cm) và cả… rất nhỏ (40-50cm). Hai mảng có thể thấy rõ nét nhất trong triển lãm lần này là chủ đề nghệ thuật, văn hóa truyền thống (chèo, hầu đồng) và phong cảnh làng quê Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Linh âm thầm, lầm lì sáng tác để rồi liên tục khiến người ta choáng ngợp trước bút lực dồi dào, sự trăn trở không dứt và khối lượng tác phẩm lớn cả về số lượng lẫn tư tưởng, thể tài.

Ngay khi người yêu hội họa còn chưa hết ngỡ ngàng, mê mải đắm chìm trong những bức tranh khổ lớn ấn tượng của triển lãm Nguyễn Linh 5 tại Hà Nội, mới đây họa sĩ lại khẳng định: “Chuẩn bị làm Nguyễn Linh 6 ở TP.HCM” vào ngày 5/5.

Nguyễn Linh mang những dòng tranh về… chèo, về miền quê Bắc Bộ, những nét văn hóa xem chừng không thân thuộc chút nào với người dân phía Nam. Thế nhưng khi được hỏi, ông trả lời đơn giản:Kế hoạch triển lãm tại TP.HCM có từ lâu rồi, chỉ là tôi chưa tìm được địa điểm thích hợp vì tranh của tôi đa số là khổ lớn”.

Nguyễn Linh: Hơn 40 năm trăn trở để lưu mộc mạc chất riêng ảnh 1
Triển lãm Nguyễn Linh 6khai mạc ngày 5/5 tại TP.HCM.

Phải đến năm 2023 khi bàn giao toàn bộ tác phẩm cho Linh Nguyễn Art House - tổ chức nghệ thuật do con gái sáng lập - nhiệm vụ “khó nhằn” này mới được giải quyết.

Lối suy nghĩ về tổ chức nghệ thuật này càng củng cố thêm điều tôi nghĩ về họa sĩ Nguyễn Linh - một người nghĩ thẳng và mạnh mẽ tin vào điều mình làm. Thấy cái gì đủ hay, đủ đẹp, cần tôn vinh, cần lưu lại qua tác phẩm thì làm. Những ý đồ sâu xa - nếu có - đều nằm trong ý tứ của từng tác phẩm, không cần trình bày, diễn ngôn nhiều qua cách thức tổ chức.

Nguyễn Linh: Hơn 40 năm trăn trở để lưu mộc mạc chất riêng ảnh 2

Họa sĩ Nguyễn Linh: "Không phải là chỉ trong một năm, có khi cả cuộc đời, anh mới tìm được sự kết nối, mới có được nghệ thuật của riêng mình".

Có lẽ đấy cũng là lý do ông đặt tên các triển lãm của mình một cách “tuần tự nhi tiến”, đơn giản Nguyễn Linh 5, Nguyễn Linh 6.

Nghệ sĩ chia sẻ: Nguyễn Linh 1, 2 hay bao nhiêu cũng là con đường tôi đang đi, thể hiện sự chuyển tiếp của tôi trên hành trình nghệ thuật, cụ thể là hội họa. Tôi nghĩ đó không phải là rào cản trong việc truyền tải thông điệp”.

Với Nguyễn Linh 6, một lần nữa, người xem được chiêm ngưỡng những tác phẩm khổ rất lớn (170-250 cm) và cả… rất nhỏ (45-50 cm).

Nét bút khoáng đạt nhảy múa cùng chèo, hầu đồng

Chiếu chèo đã mê hoặc nhiều nghệ sĩ Việt Nam kim cổ. Chèo bay bổng, bảng lảng trong tranh Phái, linh động, đầy bản sắc trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm.

Nguyễn Linh: Hơn 40 năm trăn trở để lưu mộc mạc chất riêng ảnh 3
Tranh chèo của Nguyễn Linh có lối biểu hiện khoáng đạt đậm chất riêng.

Nhưng vẫn cứ là một Nguyễn Linh thẳng thắn và mạnh mẽ. Những bức tranh về chèo của ông dồi dào, với cách thể hiện khác biệt mà ông gọi là “biểu đạt lối riêng để không bị nhấn chìm giữa đại dương nghệ thuật”.

“Nghệ thuật luôn là một câu chuyện cá nhân. Và muốn câu chuyện của mình phong phú, anh phải có nghề, phải từng trải, trải nghiệm theo thời gian và tìm ra lối đi riêng của mình. Không phải là chỉ trong một năm, có khi cả cuộc đời, anh mới tìm được sự kết nối, mới có được nghệ thuật của riêng mình”, nghệ sĩ chia sẻ.

Tại triển lãm Nguyễn Linh 4 năm 2020, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - đã bày tỏ: "Nguyễn Linh đã lựa chọn sân khấu chèo, cái chiếu chèo sân đình để thể hiện một tiếng nói riêng, một cách nhìn riêng bằng ngôn ngữ của hội họa, và tôi cho rằng anh đã thành công ở mảng tranh này”.

Tranh chèo của Nguyễn Linh là một “bộ sưu tập” dày công nghiên cứu, đồ sộ. Qua đó người xem đặc biệt là người trẻ được tìm hiểu về những nhân vật Thị Màu, Hề Gậy, Xúy Vân, Thị Kính…

Nguyễn Linh còn muốn qua đó thể hiện được tinh thần của dòng nghệ thuật này, qua gương mặt, cử chỉ, biểu hiện, thần thái của mỗi người.

Nguyễn Linh rất “mạnh” cả về con người lẫn đường nét, thế mà ông chọn một thể tài bay bổng, tình tứ đến thế. Nét bút của ông - đương nhiên cũng có sự khác biệt - rất khoái hoạt, cá tính, rất ấn tượng, để nhân vật sống động, bung ra hết cái chất, mạch sống của riêng mình.

Tự nhận mình là đội “già”, nhưng Nguyễn Linh vẫn rất thoải mái chia sẻ về tác phẩm, kể cả trên Facebook cá nhân.

Nguyễn Linh: Hơn 40 năm trăn trở để lưu mộc mạc chất riêng ảnh 4Nguyễn Linh: Hơn 40 năm trăn trở để lưu mộc mạc chất riêng ảnh 5
Một số tác phẩm tại triển lãm.

“Trên Facebook, nhiều khi có bạn hiểu câu chuyện méo mó đi. Nhưng với tôi, làm nghệ thuật là sự chia sẻ cũng như cách lao động. Ngày trước khi chưa có mạng xã hội, các thế hệ họa sĩ cũng gọi bạn bè đến xem, ngồi nhâm nhi bình tác phẩm. Ngày nay khác, tôi lại vẽ hằng ngày, cứ theo lệ cũ chắc mệt và say lắm (cười). Các bài đăng trên Facebook là cách tôi kể chuyện về quá trình làm nghề, là cuốn sách viết ra để mọi người hiểu thêm về quá trình lao động cũng như những suy nghĩ để có được một tác phẩm”.

Với quan điểm như thế, người yêu tranh có thể đọc được rất nhiều câu chuyện thú vị về tác phẩm của ông, được ghi lại mỗi ngày.

Chẳng hạn, bức Trên chiếu chèo được họa sĩ dành hẳn 3 năm từ ý tưởng tới hoàn thiện bằng chất liệu sơn dầu. Chúng ta cũng sẽ bỡ ngỡ khi biết rằng, ông có những tác phẩm như Hề Gậy, khổ rất lớn 90x240 - một tác phẩm khiến một người bạn ông còn phải bình luận ngay rằng: “Xem xong nổi hứng muốn hát chèo luôn”.

Lại cũng có những bức chân dung khổ rất nhỏ, chỉ 4x5 cm mà vẫn diễn đạt thoải mái, vẫn đủ chất sơn. Từng nhân vật vẫn hiển hiện rõ nét, đậm chất riêng.

Tranh về đề tài hầu đồng cũng gây ấn tượng mạnh mẽ khi ghi lại được cái linh động, thần thái của người thể hiện.

Không chỉ là cử chỉ, hành động trong điệu múa, câu hát mà còn là cái “tinh” của người hát và nhân vật mà họ thể hiện, có thần và bay bổng, gợi nhắc không khí vừa sinh động, vừa lóng lánh vàng son, lại cũng vừa rất bí ẩn mà quyến rũ của một buổi hát văn, hầu đồng.

Hơn 40 năm trăn trở giữ "mộc mạc chất riêng"

Càng đơn giản, gần gũi, càng thách thức, khó khăn. Câu này đúng in với những thể tài mà Nguyễn Linh lựa chọn cho các tác phẩm về chèo, hầu đồng, rồi tới những làng cảnh Việt Nam.

Đây là một mảng tranh có thể nói là thành công nhất của Nguyễn Linh, với những mảng màu pha khéo, đặc trưng trong tranh ông. Đó là những cụm màu trung tính ghi đậm, nhạt, ghi xanh, nâu…

Nguyễn Linh: Hơn 40 năm trăn trở để lưu mộc mạc chất riêng ảnh 6
Tông màu trung tính như nâu, xanh ghi… làm nên nét đặc trưng đầy rung động trong tranh làng quê Bắc Bộ của Nguyễn Linh.

Có người cho rằng cụm tranh này phảng phất tranh Đông Dương. Cũng có người tự vấn, một số bức phải chăng được truyền cảm hứng rất mạnh mẽ từ hình ảnh những cô gái đảo Tahiti trong tranh Gauguin. Bất ngờ giữa những bức ấy, lại có thể thấy thấp thoáng hình bóng Francis Bacon. Nhưng rồi khi nhìn kỹ, ngắm lâu, thấy có một sự “mạnh” và một tông màu rất Nguyễn Linh, chứ không phải người khác.

Nguyễn Linh từng khẳng định không ngại thể nghiệm với nhiều trường phái, để rồi tìm được cách biểu đạt của riêng mình. Người yêu nghệ thuật có thể ngắm nhìn những khoảnh khắc mộc mạc, bình dị, hồn hậu của làng quê miền Bắc được lưu lại trong tranh ông. Nhưng ít ai biết rằng, rất nhiều trong số đó thậm chí được ấp ủ từ… 40 năm trước.

Những bức vẽ Bản Lác là một điển hình. Bản Lác - làng cổ thuộc Mai Châu với tuổi đời 700 năm - đã là nguồn cảm hứng cho Nguyễn Linh từ lâu. Năm 1982, ông từng tìm tới đây để tìm tư liệu cho bài tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật của mình.

Bức tranh Bên khung cửi hay Chợ phiên vùng cao cũng được tác giả ghi lại hình ảnh từ thời sinh viên, để rồi tái hiện trở lại trong tranh sơn dầu, với nhiều thử nghiệm và trăn trở sau đó.

Gợi nhiều cảm xúc nhất có thể nói tới bức Phật tử chùa Sủi. Sau nhiều trăn trở về cách biểu hiện, tác giả chỉ chịu dừng lại khi cho rằng nó đã lột tả đủ tinh thần, không khí của một đám rước ở chùa nông thôn Việt Nam.

Nghệ sĩ tự đánh giá: “Phật tử chùa Sủi là dấu ấn quan trọng trong mạch sáng tạo của tôi”. Bức tranh cũng được triển khai trên khổ rất lớn 190x400 cm. Cứ đi và đi rất mạnh như thế, Nguyễn Linh 5, 6 hay bao nhiêu nữa cũng là một lời cam kết cho sự tử tế và dày công đối với nghệ thuật mà nghệ sĩ mang tới cho người yêu nghệ thuật.

Tin liên quan