Nguyễn Linh: Trải khắc khoải riêng trên những tấm toan lớn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Triển lãm Nguyễn Linh 5 trưng bày những bức tranh khổ rất lớn tại phòng trưng bày rộng 500 m2. Những tác phẩm có thủ pháp và đề tài đa dạng đa sắc, cho thấy những “màu" khác biệt của một nghệ sĩ “không gò bó với một định hướng nào".

Ở triển lãm Nguyễn Linh 4 dăm năm trước, người ta bảo nhau: “Nguyễn Linh mạnh". Không rõ ấy là “mạnh vì gạo, bạo vì tiền" hay “mạnh” về thủ pháp, độ thâm trầm trong tranh, có lẽ cả hai. Có một điều, ai xem tranh cũng ngầm nể phục một nghệ sĩ luôn giữ được tình yêu nghề thuần khiết.

Lần này Nguyễn Linh 5 hé lộ khoảng 60 bức tranh, trong đó có 40 bức chân dung, hầu hết khổ lớn. Đây chỉ là một phần trong hàng trăm bức ông vẽ thời gian qua, cho thấy sức lao động đáng nể. May mắn được xem trước một số bức trong xưởng vẽ của ông, tôi được thấy nhiều sắc diện, nhiều sự thú vị của họa sĩ này. Vẫn là một Nguyễn Linh rất “mạnh", rất khôi vĩ, từ khôi vĩ này còn chưa đủ để diễn tả tranh ông - rất đa sắc cả về thể tài lẫn bút pháp.

“Cứ hỏi thẳng thắn, tôi muốn nghe những nhận xét chia sẻ từ người trẻ, thế hệ tiếp cận và lan tỏa văn hóa nghệ thuật mới của nước nhà”, họa sĩ Nguyễn Linh nói.

Và cuộc phỏng vấn này hy vọng là cuộc đối thoại cởi mở giữa hai thế hệ, thông qua cầu nối là tranh Nguyễn Linh.

Nguyễn Linh: Trải khắc khoải riêng trên những tấm toan lớn ảnh 1
Triển lãm Nguyễn Linh 5 trưng bày khoảng 60 bức tranh, trong đó có 40 bức chân dung, hầu hết khổ lớn.

Ông thể nghiệm rất nhiều thể loại, đề tài khác nhau. Có những bức vẽ người cuồn cuộn mạnh mẽ, lại có những bức được truyền cảm hứng từ tuồng chèo, số khác gần đây gợi cho tôi chút liên tưởng về hội họa Nhật Bản. Lối sáng tác, thể nghiệm thể hiện sự biến động khá nhanh, mạnh mẽ, có sự thay đổi lớn từ chủ đề đến lối biểu hiện. Người xem có thể sẽ thấy đó là sự sáng tạo không giới hạn vì thực tế họa sĩ nào cũng có tìm tòi thể nghiệm, việc học hỏi, đôi khi “phảng phất” phong cách là bình thường, người khác lại cho rằng, họa sĩ đang loay hoay trong việc định hình phong cách riêng. Vậy ý đồ nghệ thuật của ông ở đây là gì?

Tôi không bao giờ cố gắng tìm cách định hình một phong cách riêng. Với tôi, việc đó sẽ làm gò bó sự sáng tạo và cảm xúc. Nhưng nếu dõi theo con đường sáng tác của tôi, người xem sẽ vẫn thấy một mạch sáng tạo, cảm xúc, với một sự thống nhất và kéo dài xuyên suốt.

Nguyễn Linh: Trải khắc khoải riêng trên những tấm toan lớn ảnh 2

Ở triển lãm Nguyễn Linh 5 khán giả sẽ thấy những tác phẩm lấy cảm hứng từ nghệ thuật truyền thống và những tác phẩm với thể nghiệm sáng tạo khác biệt.


Các tác phẩm trong triển lãm Nguyễn Linh 5 lần này cũng sẽ thể hiện rõ nét điều đó. Ở Nguyễn Linh 5, sẽ vẫn thấy dáng dấp của các tác phẩm “cuồn cuộn" như bạn vừa nói, những bức lấy cảm hứng từ nghệ thuật truyền thống, mà cụ thể là chèo, 40 bức chân dung, nhiều bức khổ rất lớn.

Ngoài ra, tôi cũng sẽ mang tới những tác phẩm mới với thể nghiệm sáng tạo khác biệt. Tất cả thể hiện một “cái tôi", một thế giới quan, nhân sinh quan riêng, qua một quá trình lao động nghiêm túc. Và tôi mong các tác phẩm sẽ khơi gợi ở người xem những ấn tượng, cảm xúc và đánh giá riêng. Nên để họ tự cảm, tự nhận định, mới hay!

Sự sáng tạo, khai phá cái mới nên đi trước thời đại. Và vì vậy, tôi chấp nhận rằng những thể nghiệm này có thể khó, hoặc chưa được số đông công chúng tiếp nhận tại thời điểm hiện tại. Nhưng quan điểm của tôi đơn giản thôi: mình vẽ cho mình, thể hiện trước hết cái khắc khoải riêng về thế giới quan của riêng mình, với tinh thần đi đến cùng của cái đẹp theo thẩm mỹ của mình. Hy vọng đến một lúc nào đó, thế hệ tiếp bước có thể hiểu công việc tôi đang làm.

Nguyễn Linh: Trải khắc khoải riêng trên những tấm toan lớn ảnh 3

Tranh của Nguyễn Linh đa sắc cả về thể tài lẫn bút pháp.

Văn hóa truyền thống là một thể tài được yêu thích. Vậy dân gian trong tranh chèo Nguyễn Linh khác gì chất dân gian trong các tác phẩm khác?

Bản chất chèo đã dân gian rồi, vấn đề là cách biểu đạt và cảm xúc của mình thế nào mà thôi. Với tôi, chèo hay văn hóa dân gian không phải đề tài đặc biệt. Cũng giống như việc vẽ hoa, vẽ phụ nữ… chèo là một trong những nguồn cảm hứng sáng tác. Tôi cố gắng tìm tòi, sáng tạo, thể nghiệm dưới nhiều cách để tạo nên những đường lối khác biệt, thể hiện quan điểm riêng của tôi đối với chủ đề này, không có sự thiên lệch cụ thể nào.

Trong một bài phỏng vấn, ông từng khẳng định rằng việc luyện và nghiên cứu hệ thống nét cần mất hàng chục năm theo đuổi và rèn. Triển lãm lần này liệu có ghi dấu thành tựu nào trong việc “luyện" công lực vẽ nét này?

Đúng là vẽ nét cần thời gian và tâm sức để rèn luyện. Tuy nhiên, xét tới quan điểm của tôi cho tới thời điểm hiện tại, nét hay mảng màu cần phải quyện vào nhau. Tôi không cần ấn định “phải nét hay không nét”. Việc lựa chọn thủ pháp, lối vẽ như thế nào được ấn định tùy vào cảm xúc cũng như đề tài mà mình đang bị lôi cuốn.

Nguyễn Linh: Trải khắc khoải riêng trên những tấm toan lớn ảnh 4

Họa sĩ Nguyễn Linh có thú chơi xe, chơi tranh.

Trong các bài phỏng vấn mà tôi đọc về ông, hầu hết đều nhắc tới một câu chuyện quen thuộc: “Vì ông là người giàu nên thoải mái sáng tác?”. Câu chuyện giàu nghèo, tài chính liệu có thực sự ảnh hưởng tới sáng tác nghệ thuật đến thế? Bởi nếu đúng là cứ giàu mới theo được nghệ thuật, khối người trẻ phải bỏ cuộc?

Khi hỏi tôi, mọi người cứ nói câu chuyện “giàu, nghèo” gì đấy (cười). Nói thật, tôi không quan tâm quá nhiều. Nhưng nếu được hỏi, cá nhân tôi nghĩ cứ nên đối diện thẳng thắn. Chuyện tài chính không hẳn là yếu tố tiên quyết trong sáng tạo nghệ thuật, tôi nghĩ vẫn có nhiều người trăn trở với nghề dù có điều kiện tài chính hay chưa. Tuy nhiên, để nói thẳng thắn quan điểm của mình, tôi nghĩ nghệ sĩ có điều kiện tốt để làm việc lâu dài thì hay hơn chứ. Anh có thể theo đuổi sáng tạo, có thể thể nghiệm mà không chịu tác động nhiều bởi những khuôn khổ, gò bó, ít nhất là về tài chính.

Có tài chính thì ngoài việc vẽ, tôi còn có thể có những những “cái chơi” riêng, chơi xe, chơi tranh… Họa sĩ hay ai cũng đều có thú vui, cần những lúc thư giãn để đầu óc được nghỉ ngơi sau khoảng thời gian lao động và nạp nguồn mới. Nghệ sĩ không phải cỗ máy, lúc nào cũng chỉ biết cầm bút vẽ. Tất nhiên, chơi hay lao động nghệ thuật không chỉ cần điều kiện mà còn cần kiến thức và những thứ khác nữa.

Nguyễn Linh: Trải khắc khoải riêng trên những tấm toan lớn ảnh 5

"Tình yêu nghệ thuật đích thực cần được nuôi dưỡng trong một môi trường tốt về nghệ thuật tốt thì mới hy vọng lớp trẻ hiểu và đánh giá đúng được", họa sĩ Nguyễn Linh chia sẻ.

Người trẻ bây giờ có quá nhiều phương tiện để tiếp cận nghệ thuật nên cũng dễ rối ren trước đủ loại “nghệ thuật trá hình”. Những nghệ sĩ tử tế như ông thì lại cứ lặng thầm làm việc của mình. Vậy, ở vị thế một nghệ sĩ đàng hoàng, theo ông, làm thế nào để người trẻ tiếp cận và hiểu được nghệ thuật đích thực?

Để hiểu được bất cứ vấn đề gì, nhất là nghệ thuật, người trẻ hay người già cũng đều phải trang bị cho mình một tri thức, trải nghiệm sống, cùng với đó là sự hiểu biết. Tôi nghĩ việc học cách cảm thụ hội họa cũng như các loại hình nghệ thuật đỉnh cao khác của nhân loại nên bắt đầu từ những năm học phổ thông. Tình yêu nghệ thuật đích thực cần được nuôi dưỡng trong một môi trường tốt về nghệ thuật tốt thì mới hy vọng lớp trẻ hiểu và đánh giá đúng được. Nghệ sĩ hãy cứ làm đúng với những điều mình tin, thể hiện rõ chất của mình, và đó là việc tôi vẫn đang thực hiện với triển lãm lần này.

Lễ khai mạc triển lãm Nguyễn Linh 5 diễn ra lúc 17h30 ngày 20/11/2023 tại CLB Mỹ thuật Atena (Cung Văn hóa Hữu nghị - 96 Trần Quốc Toản, Hà Nội). Triển lãm kéo dài từ 20/11 đến 5/12/2023.

MỚI - NÓNG