Áp lực của một ngôi sao
Lần thứ hai tôi gặp Thắng rơi vào tháng 12/2018 cùng vợ sắp cưới, đã thấy chững chạc, ăn mặc chỉn chu, vẫn còn hồn nhiên nhưng khẩu khí đã hơn hẳn.
Lần cuối gặp là tháng 12/2022 tại Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò Dô. Lúc này Thắng như một người khác, bóng bẩy đúng đẳng cấp ngôi sao. Tôi chào hỏi trước, Thắng tươi cười đáp lại - nụ cười giống như dành cho người mới gặp...
Hai thành viên của Ngọt: Phan Việt Hoàng và Vũ Đinh Trọng Thắng. Ảnh chụp tháng 5/2016. Ảnh: N.M.Hà. |
Đêm trước (lần gặp cuối) tôi vừa chứng kiến Thắng cực kỳ phong độ trong phần trình diễn kéo dài khoảng một tiếng cùng cả ban mà Thắng chính là người bao sân, hát liên tục hầu như không nghỉ.
Tôi chỉ đơn giản nghĩ quá trình rèn luyện và kinh qua nhiều sân khấu rồi dần dần nghệ sĩ sẽ đạt đến đẳng cấp đó. Sự thay đổi chóng mặt của một nghệ sĩ trong showbiz là chuyện thường. Như thế mới có thể đáp ứng guồng quay mà anh ta dấn thân vào.
Trong một thời gian ngắn, nghệ sĩ mới nổi sẽ gặp vô số các đối tác, nhận vô số lời mời mọc, tâng bốc và tất nhiên cả tình yêu thương, cuồng mộ từ khán giả.
Đó là hẳn một khối lượng thông tin khổng lồ mà một bộ não có thể xử lý. Bên cạnh đó anh ta vẫn phải cố gắng sáng tạo, tập tành để ra nhiều sản phẩm theo hoạch định chứ không còn thuần cảm xúc nữa.
Người hâm mộ coi tất cả cố gắng, nỗ lực của một cá nhân từ tài năng trở thành ngôi sao là chuyện đương nhiên. Việc vừa đàn vừa hát hàng tiếng đồng hồ trên sân khấu trước hàng ngàn, hàng vạn người được coi là thiên phú.
Trong một chuyến lưu diễn đã hết vé ngay khi mở bán, hay trước những lịch trình biểu diễn dày đặc nhất có thể, ngôi sao muốn ra sao thì tùy, miễn đảm bảo kế hoạch đã định và chất lượng trình diễn. Các vấn đề về sức khỏe, tâm lý họ phải tự giải quyết, khắc phục.
Trong lịch sử nhạc đại chúng, không ít siêu sao đã sụp đổ vì quá tải. Sự đòi hỏi từ người hâm mộ có thể nói là vô hạn. Nhưng sức người thì có. Chính vì thế mà cần đến một công nghệ biểu diễn để hỗ trợ cho nghệ sĩ. Hoặc nghệ sĩ phải sớm xây dựng cho mình một bộ máy để lo liệu cho bản thân.
Biểu diễn trước hết là một công việc, thậm chí còn nặng nhọc hơn nhiều công việc khác. Hào quang cần được coi là hệ quả cần quản lý hơn là cái đích phải hướng đến. Tóm lại tai nạn xảy đến với các sao đã quá nhiều rồi. Những kết cục vô cùng đáng tiếc ai cũng biết cả.
Cho thần tượng thời gian thay vì thêm dầu vào lửa
Nếu hâm mộ và có sự kết nối với nghệ sĩ mà bây giờ đang trong khủng hoảng, bạn nên có một quan điểm tích cực và khách quan thay vì thêm vào lửa vài giọt dầu.
Hãy nhớ đến những sáng tạo cống hiến của người mà bạn (từng) coi là thần tượng. Người đã đem đến cho bạn nhạc hay và những giây phút thăng hoa cùng nghệ thuật. Có nhất thiết phải đòi hỏi gì hơn thế?
Nếu không giúp gì được cho họ, hãy cho họ một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, xốc lại bản thân, tái lập cân bằng. Để sống tốt cái đã.
Vũ Đinh Trọng Thắng trong một live show của Ngọt vào tháng 11/2018 tại Hà Nội. Ảnh: N.M.Hà. |
Bởi những gì bạn được chứng kiến trên sân khấu chỉ là phần nổi của tảng băng. Bạn không biết họ đã trải qua những gì. Họ cũng không ép bạn phải hâm mộ họ.
Quan điểm thần tượng có ảnh hưởng tới người hâm mộ nên phải tu dưỡng, giữ gìn… là phổ biến. Nhưng thực ra đây là quan hệ có đi có lại, người hâm mộ cũng tác động ghê gớm đến thần tượng chứ chả chơi. “Thần tượng” trong văn hóa Kpop chẳng hạn đơn giản cũng chỉ là một nghề nghiệp có thời hạn, có đào thải.
Quan hệ giữa khán giả và nghệ sĩ về bản chất vẫn là cung cầu theo quy luật thị trường cộng thêm yếu tố cảm xúc. Và nếu bạn để cho ai đó chi phối cảm xúc và hành động của mình, là bạn cho phép họ đấy chứ. Tại sao trên đời có ngàn vạn nghệ sĩ mà bạn chỉ chăm chăm quan tâm đến đúng người đó?
Giả sử họ không xuất hiện thì tất nhiên bạn cũng kiếm một nhân vật khác để trút… lòng hâm mộ mà thôi!
Tất cả là duyên, hợp rồi tan. Hào quang và thân phận cũng thế. Những gì chúng ta có thể và nên làm lúc này là cầu chúc cho một con người cùng những ai liên đới vượt qua khủng hoảng một cách an toàn nhất có thể.