Trở lại châu Âu trong cơn khủng hoảng về người tị nạn càng trầm trọng, lần này tôi bỗng im lặng như đồng tình khi chồng nhắc “Mình bán nhà về Việt Nam sống đi em”.
Bạn bè ở Việt Nam nghe ý định của tôi, nhao nhao phản đối “Không ở được đâu. Chi phí cho ăn uống tạm gọi là thức ăn sạch đã chiếm 70 phần trăm thu nhập, con cái không có trợ cấp, đến trường lại phải đóng học phí. Người ta tốn bao tiền để đi không xong, mình nhao về là vào ngõ cụt đấy!”. Một anh bạn Hà Lan lấy vợ Việt sống ở Sài Gòn và Hà Nội đã hơn chục năm nay, đồng tình với chồng tôi “Đi khắp Việt Nam thấy nông dân bỏ ruộng nhiều quá, cho không cũng chẳng ai muốn cấy hái. Xem chừng khủng hoảng người tị nạn sẽ làm an ninh ở châu Âu ngày càng bất ổn. Có lẽ tôi bán nhà ở Hà Lan về hẳn Việt Nam xin ruộng bỏ hoang để làm nông dân, tương lai nông sản sạch sẽ rất phát triển”. Vợ anh tỉnh táo “Anh tưởng làm nông dân dễ? Đầu tư trang trại trồng rau hữu cơ rất nặng vốn, chẳng may nguồn nước sạch bị nhà máy nào đó xả chất thải vào thì đúng là tưới... tiêu luôn. Kiểu gì cũng phải giữ lấy cái nhà ở châu Âu cho con cái sau này trở lại”.
Rối hơn canh hẹ. Rối như Bỉ, Đức, Anh, Thổ... nhìn dòng người tị nạn trú đầy công viên, xếp hàng ngoài phố, tự lập khu tị nạn “Jungle” ở đường hầm Calais nối Anh - Pháp... đến lúc nào đó vượt vòng kiểm soát vỡ bung ra không? Bối rối như mục sư Fernand Maréchal của nhà thờ Stella Maris (vùng Zeebrugge, Bỉ) “Tôi chẳng biết phải làm gì nữa. Đầu tôi nhắc nhở rằng mở cửa nhà thờ không phải ý kiến sáng suốt nhưng tim tôi lại từ chối chấp nhận cảnh người tị nạn phải ngủ ngoài trời trong giá lạnh”. Thời cuộc đang đổi thay chóng mặt. Thiên đường hôm nay có thể nhanh chóng thành địa ngục ngày mai.
Suốt ba tuần về Việt Nam và sang Thái Lan dịp Tết vừa rồi, tôi ngây ngất mãi trong mùi vị nhiệt đới của thức ăn tươi ngon bày đầy trên phố, hơi thở nóng hổi của hươu cao cổ trong vườn thú Safari phả vào mặt khách đòi chuối. Mùi vị hàn đới càng nguội lạnh đi khi cô chủ quán người Ý ở Bangkok bê đĩa khoai tây chiên ra mà không có sốt mayonnaise “Họa chăng nửa năm mới có một khách hỏi loại sốt này nên tôi chẳng mua nữa. Đã sang đây phí tiền ăn đồ Tây làm gì”. Ngay ông chủ khách sạn tôi thuê ở khu Silom cũng là dân Âu bán nhà sang Bangkok làm ăn. Giá tiền phòng (phòng ba - triple room) chỉ đáng gọi nhà trọ phải trả trước 1.200 baht/đêm, thu cả triệu bạc của người ta mà bắt tắm đứng, không bàn chải đánh răng nên không trà, cà phê miễn phí, cũng không dép đi trong nhà, tiện thể không cả tủ treo quần áo. Giá đó thuê khách sạn 3 sao phố cổ Hà Nội là tiện nghi sang trọng đủ đầy rồi, còn cho cả ăn sáng. Nhờ gọi hộ taxi ra sân bay giá cũng đội lên 600 baht, 400 baht cho lái xe còn 200 baht khách sạn bỏ túi. Thật là biết cách làm ăn.
Một hãng du lịch ở Việt Nam than, sau vụ nổ bom cuối hè năm ngoái, tour Thái ế ẩm. Vẫn thấy cửa hải quan ở sân bay Suvarnabhumi nghẽn đặc khách Tây, khách Ấn, khách Tàu. Khách Việt ít đi nhưng các “cô dâu 8 tuổi” tràn ngập Safari. Sân bay Nội Bài mà có cảnh này hằng ngày chắc nhà ống trong ngõ cũng làm phòng trọ đắt tiền được rồi. Hay là bán nhà sang Bangkok làm du lịch? Nhắc đến tôi mới nhớ ra công ty du lịch Tierra ở Leuven (Bỉ) đang đề nghị giúp khách mua vé trên các chuyến bay Virgin Galactic tham quan vũ trụ giá mềm 229.000 euro/người. Một tờ báo tham khảo ý độc giả có dũng cảm du lịch kiểu này không, 55 phần trăm lắc đầu: nhân loại còn chưa xoay xở được trong ngôi nhà Trái đất này, báu bở gì loay hoay giữa biển không gian trên đầu kia.