Tôi và Dung cùng xóm, cùng đi học. Hai nhà cách nhau một cây cầu qua sông Lãng Giang. Chúng tôi hay đi chăn trâu với nhau. Con trâu nhà Dung màu lông bạc. Con trâu nhà tôi đen. Lệ làng mỗi nhà phải có một ngày trong tháng đi chăn trâu cho cả làng. Nhà nào có trâu đưa đến đầu làng và chỉ cần hai người lùa trâu vào trong núi Nưa. Hôm ấy đến phiên nhà tôi và nhà Dung phải chăn trâu cho cả làng.
Chiều hè trên núi Nưa quê Thanh nắng vàng, trời trong xanh gió mát. Chúng tôi lùa đàn trâu của làng về nhà qua một cái Mau làng giống như một hồ nho nhỏ dài suốt từ chân núi về đến đầu làng Nhiển. Hai chúng tôi cưỡi trâu bơi qua mau làng. Dung bị ngã xuống nước. Tôi kéo Dung lên, quần áo ướt đẫm. Tôi ngượng không dám nhìn Dung trong bộ đồ ướt. Dung có một cái túi đựng chiếc khăn hồng đang thêu dở đôi chim bồ câu màu xanh đang bay lên trời. Chiếc khăn chưa bị ướt. Dung giơ cao chiếc khăn lên mặt nước, đưa cho tôi chiếc khăn thêu dở ấy nhờ cầm hộ.
Hôm Dung chuẩn bị lên đường, thím Định tôi chạy sang nhà tôi báo: “Dung nó đến chơi chia tay đấy. Nó ngại không dám qua nhà”. Tôi chạy vội sang nhà thím tôi. Dung mặc bộ quân phục màu xanh lá cây hơi rộng, đội mũ cát như chú bộ đội, chỉ khác là không có sao. Lần đầu tiên Dung cầm tay tôi. Dung tặng tôi chiếc khăn hồng có đôi chim bồ câu màu xanh mà hôm đi chăn trâu với nhau, tôi còn cầm hộ. Tôi tặng Dung cây bút máy Trường Sơn.
Tôi trúng tuyển vào đại học, còn Dung vào chiến trường. Lần ấy, nhận được thư Dung, trong có một tấm ảnh Dung chụp lúc bên bờ suối. Tóc dài xõa xuống ngực, răng trắng đều, khuôn mặt đang cười xinh xinh thanh tú. Nét chữ mềm, ghi sau tấm ảnh: Hẹn gặp ngày thống nhất! Tôi không ngờ đó là lá thư cuối cùng Dung gửi cho tôi. Tấm ảnh Dung tặng tôi cũng là tấm ảnh duy nhất mà sau này tôi đã sao ra gửi lại cho Mão, em gái Dung để thờ chị.
Chiến tranh cướp đi của tôi người bạn gái tuổi thơ.
Cho nên, khi đọc cuốn Huyền thoại TNXP Việt Nam, tôi đã nẩy ra ý tưởng viết về TNXP Thanh Hóa. Biết là rất khó nhưng cùng với anh Lê Trung Sơn, Chủ tịch Hội Cựu TNXP Thanh Hóa chúng tôi quyết làm cho bằng được.
Và bây giờ, tập sách đã trên bàn. Đây không phải là một cuốn lịch sử TNXP mà là hình ảnh hoạt động và những bài viết chủ yếu về TNXP Thanh Hóa trong hai cuộc kháng chiến xếp theo thời gian và theo chủ đề. Khi viết cuốn này tôi mới rõ, các cựu TNXP quá thiệt thòi. Bây giờ làm sao mà bù đắp cho họ được. Thực ra thì số lượng còn lại có nhiều lắm đâu. Mà họ cũng gần đất xa trời cả rồi.
Những người TNXP năm xưa họ yêu nước thật đơn giản: đi đánh Mỹ để bảo vệ Tổ quốc, không so đo tính toán hơn thiệt.
Ngày 10/7/2015, tôi đã đến dự gặp mặt các cựu TNXP ngành Giao thông Vận tải do Bộ trưởng Đinh La Thăng tổ chức. Những gương mặt phong trần và già nua, những huân huy chương lấp lánh. Tôi được gặp anh hùng LLVT Cao Xuân Thọ, người huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Bác Thọ gầy và bé nhỏ nhưng 60 năm trước đã là đội trưởng đội phá bom. 60 năm sau mới được phong anh hùng! Vẻ mặt chất phác hồn nhiên và đặc nông dân của bác làm tôi rất xúc động. Không có vẻ gì là anh hùng. Một ông già xứ Thanh tuổi ngoại 80, bình thường như bất cứ ông già bình thường ở Thanh Hóa khác. Đánh giặc xong lại trở về đời thường. Vẻ mặt đôn hậu, bác hồn nhiên bảo tôi: Tôi già rồi, ở nhà với cháu thôi. Những danh hiệu không quan trọng gì nữa.
Tôi nghĩ, nếu Dung còn sống, chắc cũng hòa vào những ông bà già như thế, nhưng tôi không hình dung được hình ảnh cô già nua vì đọng lại mãi trong tôi là vẻ đẹp của cô lúc thiếu thời. Những người đã mất họ không già thêm nữa.
Mà nếu Dung còn sống thì cái mối tình đầu ngây thơ khờ khạo thuở thiếu thời ấy sẽ tiếp tục ra sao nhỉ? Sau khi Dung đi, bọn trẻ trong làng cứ đùa tôi: mợ đi chiến trường rồi, cậu không nói gì à? Thằng ngố là tôi chỉ biết cười.
Thuở ấy lòng trong như mây trắng!
Mùa Xuân đang về. Tôi lại nhớ đến Dung, tóc dài đen, xinh tươi trong màu áo xanh Thanh niên xung phong đứng bên đầu cầu Văn vẫy lại tôi ngày em chia tay lên đường đi đánh Mỹ. Bóng em in trên nền mây trắng, giữa màu xanh của ngàn Nưa xứ Thanh linh thiêng. Rồi em đi mãi mãi. Hơn 40 năm xa rồi mà như mới hôm qua.
Linh Đàm, Hà Nội mùa Đông 2015