TPO - Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn huyện Quang Bình (Hà Giang) năm 2024 diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/11 với các hoạt động văn hóa, du lịch đặc sắc, hấp dẫn. Lễ hội mang màu sắc tâm linh và huyền bí của người dân tộc Pà Thẻn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ở Hà Giang, người Pà Thẻn cư trú chủ yếu tại các huyện Quang Bình, Bắc Quang, trong đó tại huyện Quang Bình, có tổng số 5.281 người, sinh sống chủ yếu tại 06 xã: Tân Bắc, Xuân Minh, Tân Nam, Bản Rịa,Yên Thành, Yên Bình, Tân Trịnh, trong đó sinh sống tập trung đông nhất tại xã Tân Bắc.
Dân tộc Pà Thẻn có kho tàng văn hóa phong phú, độc đáo được thể hiện ở kiến trúc nhà truyền thống, trang phục, trang sức, các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian, các lễ hội truyền thống, tiêu biểu là lễ kéo chày, lễ hội nhảy lửa - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
|
Cùng với lễ hội nhảy lửa năm nay, huyện Quang Bình tổ chức chuỗi hoạt động gồm: Ngày hội Truyền thống, lễ hội đua thuyền lần thứ IX tại lòng hồ Thủy điện Sông Chừng. |
|
Màn múa lửa của các thanh niên Pà Thẻn. |
|
Các nhà khoa học đã dày tâm nghiên cứu và không phát hiện ra hiện tượng lừa bịp nào trong lễ hội nhảy lửa và đọc thần chú cho ống luồng bay của người Pà Thẻn. |
|
Theo người Pà Thẻn, sau khi được thầy mo niệm chú, họ tự dưng không điều khiển được mình nữa và xuất hiện cảm giác như có một sức mạnh siêu nhiên từ ngoài nhập vào khiến họ không có cảm giác nóng khi nhảy vào lửa. |
|
Bất ngờ hơn nữa, họ đã nhảy hẳn vào đống lửa và lại nhảy ra trong tiếng hò reo cuồng nhiệt của mọi người. Than đỏ văng tứ tung. Ngọn lửa lại bốc cao ngùn ngụt bởi những tàn than đỏ đang bay lên. |
|
Một người Pà Thẻn cho biết: Chỉ có nam giới mới được tham gia nhảy lửa, còn phụ nữ thì không. |
|
Trong khi thanh niên nhảy lửa, thầy mo vẫn tiếp tục làm lễ với tiếng nhạc mo, tiếng nhạc đều đều huyền bí lẫn với lời khấn lầm rầm. Đồng bào Pà Thẻn cho rằng thời gian nhảy trên lửa của họ tùy theo sức mạnh được thần linh ban cho. Khi hết sức mạnh, họ tự bị đẩy ra khỏi đống lửa, trở về ngồi lễ và lại lắc lư trong tiếng nhạc, chờ thần linh ban sức mạnh cho đợt nhảy mới. |
|
Lễ hội nhảy lửa đạt đến độ vui nhất khi mà tất cả người đứng xem đều bị cuốn theo, tự nhiên cảm thấy mình có sức mạnh và cứ thế, nhảy vào đống lửa mà không hề cảm thấy cái nóng. |
|
Có thể nói tuy còn mang màu sắc tâm linh, tín ngưỡng huyền bí nhưng lễ hội nhảy lửa truyền thống của người Pà Thẻn là kho tàng văn hóa hết sức phong phú và độc đáo, chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần đậm nét nhân văn. |
|
Trong lễ hội đó còn có một chuyện rất kỳ bí xảy ra. 6 thanh niên khỏe mạnh lực lưỡng được chọn để vác trên vai một ống luồng to bằng bắp đùi. Sau khi thầy mo cúng bái, kêu gọi thần linh nhập vào ống luồng suốt mấy giờ đồng hồ, ống luồng đột nhiên bay lên trời. Cả 6 thanh niên đều ráng sức kéo xuống, thậm chí bám hai tay vào ống luồng đu cả người lên, song ống luồng cứ lao đi như tên bắn, thậm chí nhấc bổng cả vài thanh niên lên cao 20-30 cm. |
|
Trong lễ hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan trao bằng chứng nhận cho huyện Quang Bình được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. |
|
Dân ca hát páo dung là loại hình nghệ thuật dân gian điển hình mang tính truyền thống lâu đời và độc đáo. |
|
Việc tổ chức thành công lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn và chuỗi hoạt động văn hóa là dịp để giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa di sản và tiềm năng phát triển du lịch của huyện Quang Bình đến với du khách trong và ngoài nước. |
|
Đồng thời, góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |
Minh Châu