Tất tần tật về sức mạnh Malaysia và tại sao họ bị cho là 'tự tìm cái chết' khi đối mặt Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - U23 Việt Nam đã không có nhiều màn trình diễn bùng nổ ở vòng bảng, nhưng mọi thứ sẽ thay đổi khi đối mặt với Malaysia. Đó là đối thủ mà chúng ta có thể phát huy tất cả những gì tốt nhất.
Tất tần tật về sức mạnh Malaysia và tại sao họ bị cho là 'tự tìm cái chết' khi đối mặt Việt Nam ảnh 1

Trước khi HLV Tan Cheng Hoe rời khỏi chức vụ HLV trưởng ĐTQG Malaysia, ông đã nhận được rất nhiều lời khuyên nên chuyển sang sơ đồ 3-4-3 thay vì 4-3-3. Đây không phải bắt chước Việt Nam, đội đã rất thành công với hệ thống 3 hậu vệ dưới thời HLV Park Hang-seo, mà bởi sơ đồ này rất phổ biến ở giải VĐQG Malaysia. Có nghĩa rằng hầu hết các cầu thủ đều quen thuộc và triển khai một cách tự nhiên khi lên tuyển.

HLV Brad Maloney cũng nổi tiếng với sơ đồ 3-4-3, từ lúc còn dẫn đội U19 đến U23 hiện tại. Vì vậy không ngạc nhiên khi hệ thống này được vận hành khá mượt mà. Trong trạng thái lý tưởng, “Bầy hổ non Malaya” chắc chắn khi phòng ngự và có tính sát thương cao lúc tấn công. Cộng thêm khả năng pressing hiệu quả, họ khiến đối thủ gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng lối chơi, sau đó chuyển đổi trạng thái nhanh chóng để khai thác các khoảng trống có được.

Sức mạnh cốt lõi của U23 Malaysia nằm ở hai tiền vệ đầy năng động Mukhairi Ajmal và Nik Akif Syahiran. Họ có khả năng bao quát, thu hồi bóng tốt và thúc đẩy quá trình chuyển từ phòng ngự sang tấn công, từ 5-2-3 khi mất bóng sang 3-2-5 lúc có bóng. Một cầu thủ quan trọng khác trong hệ thống là hậu vệ phải Quentin Cheng, người có tốc độ và năng lượng để bao cả hai đầu sân. Trong hầu hết các trận, 60% các đợt tấn công của Malaysia đến từ cánh phải. Họ đã chọc thủng lưới mọi đối thủ ở vòng bảng SEA Games 31 và có tổng cộng 9 bàn thắng.

Tất tần tật về sức mạnh Malaysia và tại sao họ bị cho là 'tự tìm cái chết' khi đối mặt Việt Nam ảnh 2

Malaysia đã ghi bàn ở mọi trận vòng bảng, nhưng cũng để thủng lưới ở mọi trận. (Ảnh: Như Ý)

Điều này thoạt nhìn, ghi bàn có vẻ không phải nhiệm vụ khó với Malaysia. Mặc dù vậy, sức mạnh tấn công của “Bầy hổ non Malaya” cần kiểm chứng thêm. Trận gặp Thái Lan, họ không giống như sẽ có bàn thắng cho đến khi đối phương rơi vào thế mất người và lùi sâu về phần sân nhà.

Hàng phòng ngự vẫn sạch lưới sau 4 trận vòng bảng của Việt Nam chắc chắn mang đến thách thức lớn cho Malaysia. Họ chắc chắn sẽ gặp rắc rối nếu Lê Văn Xuân hoặc Lê Văn Đô ghìm chân Quentin Cheng bên cánh phải, trong khi Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Hoàng Đức cùng thể lực sung mãn của Lý Công Hoàng Anh hạn chế không gian hoạt động của cặp đôi Ajmal - Syahiran.

Cũng cần phải nhắc lại, sự hoàn hảo vừa đề cập của Malaysia là trong “trạng thái lý tưởng”. Trên thực tế, hiếm khi họ đạt được điều này. Lý do chính là các cầu thủ của HLV Maloney rất thiếu kinh nghiệm thực chiến như HLV kỳ cựu ở Malaysia Super League, Mohd Azraai Khor Abdullah, từng chỉ ra. Sau khi xem các trận đấu ở giải U23 Đông Nam Á hồi đầu năm (Malaysia bị loại từ vòng bảng sau 2 trận thua Lào), ông nói rằng đội nhà đang bị tụt hậu khá xa trong khu vực. “Ngay cả những thứ cơ bản như cầm bóng, phối hợp họ cũng không làm tốt, tất cả tạo nên một đội bóng rời rạc”, Abdullah nói.

Trước thềm SEA Games 31, trái ngược với tuyên bố giành huy chương Vàng trong nội bộ U23, cựu tuyển thủ quốc gia Datuk Jamal Nasir nghĩ rằng “lọt vào bán kết đã là thành công”, và “trong trường hợp bị loại từ vòng bảng, đó cũng không phải thất bại kinh khủng”. Giống tiền bối Abdullah, Nasir thừa nhận bóng đá Malaysia đang ở tiêu chuẩn rất thấp.

Tất tần tật về sức mạnh Malaysia và tại sao họ bị cho là 'tự tìm cái chết' khi đối mặt Việt Nam ảnh 3

Sự thiếu kỷ luật và dễ mắc sai lầm là vấn đề của U23 Malaysia. (Ảnh: Như Ý)

Những nhận định này không phải vô căn cứ khi U23 Malaysia đã thất bại trong việc đánh bại Singapore và Campuchia. Các cầu thủ trẻ của Maloney rất thích thể hiện mình, và nó dẫn đến sự cá nhân và vô tổ chức. Trong bối cảnh đó hàng thủ Malaysia lại có xu hướng dâng cao, dẫn đến việc luôn bị thủng lưới. Trong 4 đội có mặt ở bán kết, họ là đội nhận nhiều bàn thua nhất.

Bàn thua phút thứ 7 trong trận đấu với Singapore là một trường hợp điển hình. Malaysia đã rất may mắn khi thoát thua ở tình huống Glenn Kweh thoát xuống dưới các hậu vệ Mã Lai sau đường chuyền dài từ đồng đội. Nguy hiểm sẽ chấm dứt nếu Safwan Mazlan thực hiện cú phá bóng đơn giản lên trên, nhưng cầu thủ này quyết định đi bóng. Singapore dễ dàng cướp lại sau đợt bố ráp, dẫn đến pha dứt điểm từ ngoài vòng cấm tung lưới thủ môn Azri Ghani của Shah Shahiran. Khoảnh khắc này cũng tố cáo khả năng tổ chức kém bên phía Malaysia khi 7 cầu thủ gần như dàn hàng trước khu cấm địa, bỏ trống trung tuyến và không có ai ngăn chặn Shahiran.

Truyền thông Malaysia buồn bã nhận định “Bầy hổ non Malaya” đã “chọn cái chết” khi không tránh được chủ nhà Việt Nam. Lo lắng đó hoàn toàn có cơ sở. Đội quân của HLV Park Hang-seo chỉ ngại những đội phòng ngự kỷ luật. Họ sẽ rất khác khi tìm thấy nhiều không gian để chơi bóng và phát huy tính sáng tạo.

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.