Testosterone là hormone giới tính quan trọng nhất với nam giới, được tinh hoàn sản sinh. Ở nam giới, testosterone chịu trách nhiệm duy trì sản sinh tinh trùng, tạo ham muốn tình dục, phát triển lông tóc trên cơ thể, phát triển cơ bắp, phân bố mỡ, sản sinh hồng cầu và duy trì mật độ xương. Theo bệnh viện Mayo Clinic, hàm lượng testosterone trong cơ thể bắt đầu giảm từ tuổi 30 hoặc 40, khoảng 1% mỗi năm.
Các tác giả cho biết béo phì là yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với giảm lượng testosterone. Một nghiên cứu năm 2015 của nhóm tác giả này đã phát hiện mối liên quan giữa chế độ ăn và tập luyện với tăng lượng testosteron ở nam giới thừa cân hoặc béo phì.
Nghiên cứu gồm 44 nam giới không tập thể dục thường xuyên, trong đó 28 người bị thừa cân hoặc béo phì và 16 người có cân nặng bình thường. Tất cả những người tham gia nghiên cứu đều tham gia vào chương trình tập aerobic gồm 40-60 phút đi bộ hoặc chạy bộ, 1-3 lần mỗi tuần trong 12 tuần. Hàm lượng testosterone sẽ được đo trước và sau khi tham gia chương trình tập aerobic.
Trong khi chương trình tập luyện không tác động tới hàm lượng testosterone ở nam giới có cân nặng bình thường thì hàm lượng testosterone ở nam giới thừa cân hoặc béo phì tăng rõ rệt sau khi kết thúc 12 tuần tập luyện. Hàm lượng testosterone toàn phần ở nam giới thừa cân hoặc béo phì tăng từ 15,4 nmol/l lên 18,1 nmol/l. Lượng testosterone tăng cao nhất ở nam giới thừa cân hoặc béo phì tập luyện cường độ mạnh nhất trong 12 tuần.
Tác giả cho rằng tăng hoạt động thể chất cường độ mạnh liên quan độc lập với tăng nồng độ testosterone trong huyết thanh.