Gặp Phạm Văn Thành, ấn tượng ban đầu của tôi với chàng thanh niên này đó là vóc người chắc, khỏe, cân đối. Mặc dù là “thủ lĩnh” của hàng trăm đoàn viên, thanh niên địa phương, vậy mà khi biết tôi có ý định tìm hiểu, viết bài về mình, Thành có vẻ ngượng ngùng. “Có gì đâu anh! So với nhiều người, việc làm của em còn nhỏ bé lắm!”- Thành mở đầu câu chuyện với tôi bằng câu nói khiêm nhường.
Càng trò chuyện, Thành càng tự tin, sôi nổi hơn. Anh cho biết, lần đầu tiên mình tham gia hiến máu tình nguyện là tháng 11 năm 2007, khi đang là sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. Vốn tính sôi nổi, tích cực tham gia các hoạt động phong trào tình nguyện nên khi được tuyên truyền, tư vấn về phong trào hiến máu nhân đạo, Thành đã mạnh dạn đăng ký tham gia: “ Ban đầu mình cũng hơi sợ. Nhưng một phần vì tò mò, phần vì nghĩ giọt máu mình cho đi có thể cứu giúp được người khác, nên mình tự tin hơn”- Thành kể lại lần đầu hiến máu của mình.
Sau lần đầu hiến máu, thấy cơ thể không có gì bất thường, lại ăn, ngủ tốt hơn, tinh thần sảng khoái hơn nên mỗi khi có chương trình hiến máu nhân đạo tại trường hoặc ở các vùng lân cận, Thành đều tình nguyện đăng ký tham gia. Ngoài ra, những trường hợp đột xuất, cần gấp máu để cứu người, khi có người tìm đến, Thành đều sẵn sàng cho máu.
Tham gia nhiều lần, dần dần, Thành trở thành hội viên câu lạc bộ hiến máu tình nguyện của trường. Anh tích cực tham gia các buổi tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, giúp các bạn đoàn viên, sinh viên của trường hiểu rõ ý nghĩa cao đẹp của việc hiến máu và cách hiến máu an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Phạm Văn Thành tham gia hiến máu tình nguyện.
Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Phạm Văn Thành trở về địa phương, vừa làm việc tại một cơ sở sản xuất gần nhà, vừa tích cực tham gia các hoạt động phong trào đoàn, thanh niên. Sau một thời gian phấn đấu, anh được bầu là Bí thư chi đoàn thôn An Cảnh. Với cương vị Bí thư chi đoàn, Thành luôn đem kinh nghiệm hoạt động phong trào, đặc biệt là kiến thức về hiến máu tình nguyện để tuyên truyền, vận động các đoàn viên, thanh niên trong thôn tham gia.
Ban đầu, nhiều đoàn viên còn e dè, ngần ngại, thậm chí lo sợ. Sau đó, thấy Thành lại “gương mẫu đi đầu”, chủ động đăng ký tham gia các hoạt động hiến máu nhân đạo do địa phương tổ chức nên mọi người cũng tin tưởng, noi theo. Hiện nay, trung bình mỗi năm Thành tham gia 3- 4 lần hiến máu tình nguyện. Tuy mới có 26 tuổi nhưng số lần hiến máu của Thành đã lên tới con số…19 lần.
“Thành chưa lập gia đình, đang ở cùng bố mẹ, hiến máu nhiều vậy gia đình có ý kiến gì không?”- Tôi tò mò hỏi Thành. Đáp lại tôi, Thành cười tươi, tâm sự: “ Ban đầu bố mẹ cũng hơi lo. Sau đó, mình vừa tuyên truyền, vừa sưu tầm tài liệu để bố mẹ nghiên cứu nên mọi người cũng yên tâm, ủng hộ. Hơn nữa, trông mình khỏe mạnh, hoạt động sôi nổi thế này, chẳng ai còn nghi ngờ gì nữa. Nhiều bạn đoàn viên, thanh đã chủ động đăng ký tham gia, khiến phong trào hiến máu tình nguyện của Chi đoàn ngày càng sôi nổi”.
Tôi hỏi tiếp: “Thành có nhớ lần mình hiến máu gần đây nhất là khi nào không?”- “Có chứ! Đó là tháng 5/2015 vừa rồi, mình cùng 2 đoàn viên khác của chi đoàn đi xe lên tận Viện Huyết học Truyền máu Trung ương (Hà Nội) để tham gia cho máu. Lên đó mới thấy, nhu cầu máu sử dụng cứu chữa trong các bệnh viện vẫn còn nhiều lắm. Nếu không có tấm lòng hiến, cho máu của toàn xã hội, nhiều bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe, hoặc tốn kém rất nhiều chi phí để mua máu. So với nhiều người tình nguyện hiến máu tại Viện, mình thấy con số 19 lần của bản thân vẫn còn rất khiêm tốn!”.
“Sắp tới, công việc của mình sẽ bận rộn hơn, nhưng mình sẽ cố gắng tập luyện, giữ gìn sức khỏe, để tiếp tục tham gia hiến máu, cứu người. “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, phải không anh?!?”- Thành bắt tay tạm biệt tôi, rồi cười tươi tâm sự. Nụ cười của anh làm tôi thấy ấm hơn trong tiết trời giá lạnh mùa Đông!