Bỏ lại cuộc đời nhạt nhẽo sau lưng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Có một điều tôi không bao giờ hối hận trong đời mình, là việc đã dành 13 năm cuộc đời để đi ngao du khắp hành tinh. Những tháng ngày tuổi trẻ đó, tôi chỉ có một đôi chân với chiếc đầu gối đứt dây chằng đã không bỏ cuộc trên bao cung đường khó khăn, đôi mắt mê mải ngắm nhìn những điều kỳ diệu đẹp đẽ của thế gian, và một tuổi trẻ dám đánh đổi để sống có ý nghĩa.

Bốn năm cho giấc mơ bắc cực quang

Tôi rong ruổi suốt chiều dài đất nước Na Uy, từ Nam ngược lên phía Bắc, chờ một cơ hội để được thấy bắc cực quang. Bodø, thất bại. Narvik, leo lên tàu chạy hẳn lên đỉnh núi, không có một tia sáng xanh nào. Nóng ruột, ngày đầu năm mới tôi đón xe bus lên Tromsø, “thủ đô” của bắc cực quang ở Na Uy.

Bạn đồng hành của tôi từ bỏ giữa đường, đi ngược về phía Nam sang phần lục địa châu Âu bên dưới, nói nó không muốn đi săn mải miết như tôi. Đã bốn năm kể từ lần săn bắc cực quang thất bại suốt một tuần ở Nga, tôi vẫn luôn đeo đuổi ước mơ được nhìn luồng sáng kỳ ảo này nhảy múa trên bầu trời đêm.

Ước mơ thành sự thật vào ngày đầu tiên của năm 2024. Đứng giữa vùng tối mênh mông, trên đầu là hai dải sáng xanh lộng lẫy vắt ngang trời, tôi sững sờ không thốt nên lời. Kỳ ảo. Huyền hoặc. Diệu vợi. Luồng sáng khi mỏng manh, khi rực cháy, khi tĩnh tại, khi nhảy múa liên hồi. Trong không gian tối đen không có gì ngoài tiếng gió, vậy mà tưởng như có cả một bản nhạc giao hưởng đang vang lên trên trời.

“Tôi đã có thể ở đây suốt cả ngày, chỉ để ngắm nhìn ánh sáng chuyển mình rực rỡ trên thung lũng chết, và ngắm nhìn những nhánh cây đẹp đẽ vươn lên trời cao. Từ tắm trong ánh sáng bạc dìu dịu của trăng, chạm vào những tia nắng đầu tiên trong ngày, đến ngập trong sức nóng hừng hực của sa mạc khi mặt trời lên đến đỉnh đầu… Từ bóng đêm sâu thẳm chuyển mình vào ánh hào quang rực rỡ đỏ và cam khi một ngày bắt đầu… tôi cá là mấy cái cây đã chết này có nhiều “sức sống” hơn là khi chúng còn sống”.Đinh Hằng

Tôi nằm trên tuyết, mắt ngập trong màu xanh kỳ ảo, suýt khóc vì xúc động.

Ngày tiếp theo ở Tromsø cũng là một ngày dự báo bắc cực quang tốt. Tôi đi cáp treo lên đỉnh núi, đứng một mình suốt ba tiếng đồng hồ trong tiết trời lạnh tê tái -250C để chờ bắc cực quang. Trong bóng đêm chập choạng, tôi đứng trên nền tuyết, không biết mệt, không biết lạnh. Đến khi không cảm nhận được bàn chân và bàn tay nữa, tôi mới nhận ra trời đã lạnh đến thấu xương.

Bolivia đẹp không thở nổi

Bỏ lại cuộc đời nhạt nhẽo sau lưng  ảnh 1

Bay hang gliding ở Rio de Janeiro, Brazil

Uyuni lạnh run người. Tôi nhảy lên chiếc xe đã chinh chiến khắp các ngả Nam Bolivia với năm người nữa, thêm bác tài là bảy. Đó là một buổi sáng nắng gắt trên cánh đồng muối tự nhiên lớn nhất thế giới Uyuni. Vài phút trước, máu mũi tôi còn chảy tong tong. Đi vào mùa đông, độ ẩm lại thấp, ngày nào tôi cũng vất vả với sốc độ cao, chảy máu mũi, da khô quắt queo.

Nhưng mỗi tấm hình ở Bolivia đều khiến tôi run lên vì xúc động hơn là vì lạnh. Trên cánh đồng muối rộng 10.582km2, chiếc xe trôi đi giữa vùng rộng lớn màu trắng tinh khiết, trải dài đến ngút ngàn tầm mắt. Có chạy xe trên khoảng không gian bất tận, nơi chân trời màu xanh và mặt đất trắng xoá muối mới hiểu, nếu không có các bác tài Bolivia thì tôi sẽ không hiểu làm thế nào để định hướng.

Những bước chân trên cánh đồng muối Uyuni có đôi khi giống như là đang bước trên mây, khi khác lại như đang bước trên những bãi cát lạo xạo tinh thể muối dưới chân, thỉnh thoảng tôi lại mơ hồ nghĩ mình vừa bước vào một bức tranh sơn dầu trống không đang chờ được vẽ.

Bỏ lại cuộc đời nhạt nhẽo sau lưng  ảnh 2

Cánh đồng muối Uyuni, Bolivia

Nhưng dù cảm giác đó là gì, tôi cũng cảm thấy đứng ở đây giữa Uyuni là một trải nghiệm vô cùng siêu thực. Giữa dải muối trắng xô nhau mãi đến tận chân trời, bỗng dưng mọc lên một dải đồi với những cây xương rồng khổng lồ đang vươn mãi tới bầu trời xanh ngắt.

Rồi khi mặt trời chuẩn bị trút những hơi thở cuối cùng trên cánh đồng muối trắng, cả không gian nhuốm đầy sắc màu huyền hoặc cam, vàng, hồng, tím. Trời là đất, đất là trời, Uyuni khi ấy tắm mình trong những bầu không khí hư ảo, huyền diệu, thơ mộng vô cùng.

Chiếc xe cứ trôi mãi giữa thiên nhiên vô tận. Không thở nổi vì Bolivia quá đẹp. Tôi thấy mình đi qua những vùng hồ cảnh đẹp như mơ với đàn hồng hạc nhởn nhơ bắt cá, qua hoang mạc khô cằn chẳng có gì ngoài đá sỏi, qua những khi trời nắng đến rợn người, trời lạnh đến từng tế bào trong cơ thể cũng run lên đồng loạt. Trời tuyết đến nỗi trắng xoá cả một vùng.

Ở điểm cuối của hành trình, Laguna Colorada, “đầm đỏ” trong tiếng Tây Ban Nha, rực rỡ với hàng ngàn con hồng hạc yêu kiều. Hồ nước mặn màu cam đỏ hiện ra sau một ngày dài trên đường, khiến tôi suýt thì không tin vào mắt mình.

Bỏ lại cuộc đời nhạt nhẽo sau lưng  ảnh 3

Nhảy dù ở Queenstown, New Zealand

Trên mặt hồ mênh mông, bao quanh bởi những ngọn núi trập trùng và bờ đá cheo leo, từng đàn hồng hạc puna vô cùng quý hiếm đang yêu kiều săn cá, hay vừa vỗ cánh bay khỏi vùng nước nông. Mặt gương hồ Laguna Colorada nhuốm màu đỏ đậm của tảo đỏ và các vi sinh vật khác, tương phản hoàn hảo với những đốm trắng lớn do trầm tích muối borax tạo thành. Tảo trong hồ là nguồn thức ăn chính của loài hồng hạc Andean sinh sống trong vùng, khiến Laguna Colorada trở thành nơi tập kết của loài chim duyên dáng này.

Nhìn khung cảnh thì đẹp vậy, chứ khí hậu và độ cao ở khu vực này vô vùng khắc nghiệt, có thể lên tới 5.000m so với mực nước biển, khiến nơi đây trở thành một điểm đến đầy thách thức. Để đến được nơi này, tôi phải chấp nhận ngủ đêm giữa cái lạnh kinh hoàng trong căn nhà trọ không có điện, không có đèn, không có hệ thống sưởi ấm. Đêm ấy, người tôi run bần bật vì lạnh suốt ba tiếng đồng hồ cho đến khi tôi thiếp đi vì mệt.

Nghĩa địa cây ngàn năm tuổi

Bỏ lại cuộc đời nhạt nhẽo sau lưng  ảnh 4

Bắc cực quang Na Uy

Khi vừa đặt chân đến Thung lũng chết Deadvlie (Namibia), tôi gần như chết lặng trước khung cảnh kỳ dị. Gọi là nghĩa địa, chứ những cái cây ở thung lũng này dù đã chết cả ngàn năm, nhưng chúng vẫn đứng đây kiêu hãnh, sừng sững giữa đất và trời, không chịu khuất phục, gục ngã trước sa mạc cháy bỏng, khắc nghiệt. Những nhánh cây vẫn vươn lên trời cao, và gió vẫn thổi qua Deavlei chừng ấy năm trời. Dưới chân tôi là những dải đất bùn trắng cứng như đá, trên đầu là bầu trời xanh, và xung quanh tôi là những đồi cát đang chuyển mình trong dải nắng sáng diệu kỳ. Khi vàng cam óng ả, lúc nâu xám lạnh lùng, khi lại đổ một vệt bóng cắt chéo dải lụa cát… Sự kết hợp của khí hậu khô hạn, thiếu độ ẩm, cùng với độ kiềm cao của đất đã khiến những cái cây chết nhưng không thể phân hủy, chúng hóa đá từ 700- 900 năm.

Chết, khô, nhưng đẹp đến rợn người.

Dám sống như những gì mình muốn

Suốt 13 năm đi lang bạt khắp hành tinh này, cuộc sống của tôi chuyển từ bốn bức tường văn phòng thành cuộc đời đầy ắp những trải nghiệm.

Đó là tôi lái xe trong màn mưa tuyết trắng xóa, rơi tự do từ cửa máy bay, bay trực thăng đáp xuống đỉnh núi phủ tuyết, lặn xuống đại dương xanh thẳm với mấy chục bạn cá mập săn mồi hung dữ...

Đó là tôi bỏ lại cuộc đời nhạt nhẽo sau lưng, để dấn thân vào một cuộc sống tự do, nơi tôi có thể kể không ngừng nghỉ trong thanh âm đầy nhiệt huyết về những vùng đất xa xôi.

Đó là tôi đã dám sống như những gì mình muốn, cuộc sống ở trên đường, lang thang như gió, tò mò ngắm nhìn thế giới và trò chuyện với người lạ chưa bao giờ quen.

Đến bây giờ tôi mới nhận ra suốt hơn 10 năm qua, tôi đã đi xa đến thế nào ra khỏi vòng an toàn dưới chân, đã trở nên giàu có biết bao khi tích cóp được một gia tài trải nghiệm, và đã trở thành một con người hạnh phúc ngất trời dù không cần đến nhà xe, tài khoản ngân hàng tiền tỷ…

Bỏ lại cuộc đời nhạt nhẽo sau lưng  ảnh 5

Lặn giữa các măng đá cao nhất thế giới trong hang Abismo Anhumas, Brazil

Những tháng ngày tuổi trẻ đó, tôi chỉ có một đôi chân với chiếc đầu gối đứt dây chằng đã không bỏ cuộc trên bao cung đường khó khăn, đôi mắt mê mải ngắm nhìn những điều kỳ diệu đẹp đẽ của thế gian, và một tuổi trẻ liều lĩnh dám đánh đổi để sống cuộc đời lang bạt tự do.

Bỏ lại cuộc đời nhạt nhẽo sau lưng  ảnh 6

Uống Champage trên đỉnh sông băng, New Zealand

Tôi nhìn những bức hình mình đứng trên bao ngọn núi cao, khi thì Torres del Paine Chile, lúc là núi Cầu Vồng Peru, rồi đỉnh Ramelau cao nhất Đông Timor, rồi Tiger’s Nest Bhutan… Tất cả những ngọn núi ấy, tôi đều leo lên với đôi chân đầy thương tổn.

Nhưng tôi thấy mình lại như cô gái 23 tuổi ngày ấy, lần đầu xách chiếc ba lô hăm hở lên đường, lần đầu biết thế nào là nhỏ bé giữa thế giới lớn rộng, và lần đầu biết rằng cuộc sống của mình rồi sẽ phải rực rỡ hơn là quay cuồng trong vòng lặp của kiếp người: tồn tại mỗi ngày cho đến lúc chết.

Cuộc đời tự do mà tôi muốn.

Ước mong được ngắm nhìn và cảm nhận thế giới.

Khát khao làm những điều tôi luôn luôn sợ hãi.

Sống đến tận cùng sự sống mà tôi được ban cho.

Yêu đến tận cùng tình yêu mà tôi được đón nhận.

Đi khi còn trẻ, để thấy thế giới lớn rộng đến chừng nào!

MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trong ít ngày qua duy trì ở ngưỡng nhiệt trung bình cao trên 30 độ C, cảm nhận thực tế nóng oi vào nhiều thời điểm trong ngày. Bộ phận không khí lạnh đang di chuyển về phía Nam dự báo sẽ ảnh hưởng tới khu vực trong dịp đầu tuần (18/11), biến động hạ nhiệt có thể sẽ kéo dài ít ngày.
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
TPO - Chính quyền thành phố Đà Nẵng có kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan. Theo kế hoạch di dời, phần ga hành khách của ga Đà Nẵng sẽ được dời về khu vực hồ Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).