Trải nghiệm mới mẻ
Hơn 2 năm nay, đồng bào Raglai ở huyện Khánh Sơn đã dần quen với hình ảnh các bạn trẻ Khánh Sơn Eco dẫn những du khách muôn phương rong ruổi khám phá, hòa mình với núi rừng. Trước khi khởi nghiệp với mô hình Khánh Sơn Eco, nhóm 4 bạn trẻ gồm Nguyễn Minh Trí (SN 1990), Nguyễn Văn Kim Nhật Thạch (SN 1995), Lê Thị Phương Trinh (SN 1998) và Vũ Kim Nhật Thành (SN 1997) đều đang làm những công việc khác nhau trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Đầu năm 2021, Lê Thị Phương Trinh (làm việc tại TP HCM) trở về quê ở huyện Khánh Sơn và kết nối với các thành viên còn lại trong nhóm với mong muốn quay phim, chụp ảnh để góp phần quảng bá quê hương. Đi và cảm nhận, nhóm bạn trẻ say mê trước vẻ đẹp hoang sơ và những điều kì diệu mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho huyện miền núi này. Năm 2022, cả nhóm bắt tay thực hiện mô hình du lịch sinh thái thiên nhiên núi rừng, tận dụng những thế mạnh của địa phương.
“Khánh Sơn Eco là dự án du lịch sinh thái gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, kết hợp với quảng bá nông nghiệp Khánh Sơn. Chúng tôi mong muốn đưa đến cho khách du lịch, nhất là các bạn trẻ có được những trải nghiệm về thiên nhiên núi rừng, đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây như: thưởng thức trái cây đặc sản tại vườn, ăn trưa ngay trên dòng suối, săn mây…”, Phương Trinh cho hay.
Nhóm bạn trẻ Khánh Sơn Eco khởi nghiệp với mô hình du lịch sinh thái tại huyện Khánh Sơn |
Được hình thành trên diện tích hơn 3.000m2, Khánh Sơn Eco bao gồm các hạng mục cơ bản để phục vụ khách du lịch như: Lều trại, phòng ngủ homestay, khu vực vui chơi, ăn uống… Đặc biệt, nhóm bạn trẻ đã tận dụng con thác Tà Gụ gắn liền với truyền thuyết của người dân tộc Raglai để đem đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ.
Theo Nguyễn Minh Trí (đồng sáng lập Khánh Sơn Eco), mô hình ra đời với mong muốn đưa đến cho du khách dịch vụ khép kín để mỗi người có thể cảm nhận chân thực về lòng hiếu khách của người dân địa phương, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Những hoạt động kết nối với thiên nhiên tại đây phải luôn được đảm bảo giữ vệ sinh và hạn chế tuyệt đối rác thải nhựa trong suốt quá trình khám phá.
Lan tỏa văn hóa đồng bào Raglai
Sau gần 2 năm hoạt động, mô hình du lịch của nhóm bạn trẻ đã được sự đón nhận của người dân địa phương. Những người dân Raglai ở đây vốn đã quen với làm nông nghiệp kiểu truyền thống, nên thời gian đầu khi nhóm đề nghị được kết hợp để du khách đến vườn trực tiếp thưởng thức nông sản mọi người còn e dè, chỉ có vài nhà vườn quen đồng ý. Dần dần, thấy du khách đến tham quan, thưởng thức trái cây nhộn nhịp, các nhà vườn khác cởi mở hơn.
“Khi nhắc đến Khánh Hòa tôi chỉ nghĩ đến đi tắm biển. Nhưng hôm nay tôi thật sự ngỡ ngàng khi biết Khánh Hòa còn một có một vẻ đẹp kì vĩ như thế này. Tôi được ngắm nhìn thác Tà Gụ hùng vĩ như một chiếc ngà voi khổng lồ, thưởng thức những bữa ăn đậm vị núi rừng giữa làn nước mát và tìm hiểu về cuộc sống của đồng bào người Raglai bản địa”, chị Hoàng Thanh Huyền (du khách Hà Nội), chia sẻ.
“Chúng tôi đang cố gắng để người dân thay đổi tư duy chuyển từ làm nông sang làm du lịch và biết kết hợp phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch. Đặc biệt, vận động người dân bảo tồn, phát huy những nét văn hóa của người Raglai”, Phương Trinh chia sẻ.
Không chỉ quảng bá địa điểm đẹp tại Khánh Sơn, trong thời gian tới nhóm bạn trẻ mong muốn lan tỏa nét văn hóa và ẩm thực độc đáo của người đồng bào Raglai nơi đây. Đàn đá Khánh Sơn và cồng chiêng Mã La được biết đến là hồn cốt của người Raglai, nhóm đang lên kế hoạch kết hợp cùng Huyện Đoàn Khánh Sơn, địa phương và các đơn vị đưa loại nhạc cụ cổ này đến với du khách trong và ngoài nước. Nhóm cũng đang thử nghiệm để cho ra đời món thịt heo gác bếp Khánh Sơn với những hương liệu và thảo mộc đặc trưng vùng cao.
Từ giữa năm 2022, Khánh Sơn Eco đón những vị khách đầu tiên đến tham quan, sử dụng sản phẩm dịch vụ. Năm 2023, mô hình đã đón được hơn 1.500 du khách.
Chị Mấu Thị Mộng Mơ - Bí thư Huyện Đoàn Khánh Sơn, cho biết: “Nhóm Khánh Sơn Eco là những bạn trẻ có suy nghĩ, hành động hướng tới lợi ích cộng đồng, môi trường bền vững. Từ khi dự án ra đời đến nay đã giúp thu hút du khách đến với Khánh Sơn cũng như giúp quảng bá những nông sản, đặc sản của địa phương. Huyện Đoàn Khánh Sơn luôn tích cực đồng hành, hỗ trợ với hy vọng đây sẽ trở thành mô hình điểm để có thể nhân rộng, góp phần nâng cao nhận thức, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đặc biệt là thanh niên địa phương”.