Trồng lê bán “view”
Vùng đất Quan Hồ Thẩn vốn khắc nghiệt, nhìn đâu cũng lởm chởm đá tai mèo, cuộc sống người dân khó khăn. Mấy năm gần đây, đồng bào Mông nhận thấy đất đai và khí hậu phù hợp với cây mận, cây lê Tai Nung. Nhưng vấn đề đặt ra là thiếu vốn, cây giống cũng như các kỹ thuật chăm sóc, thị trường tiêu thụ. Bí thư Đoàn xã Tráng Seo Xà quyết định dấn thân, là người đầu tiên đi tìm lời giải. Anh mạnh dạn vay vốn, tìm cây giống và học hỏi kỹ thuật chăm sóc.
|
Anh áp dụng kỹ thuật tỉa cành, tạo tán và trồng lê tập trung thay vì lối chăm sóc cũ như trước. Khu vườn của anh ở thôn Lao Chải rộng khoảng 2,5ha chỉ trồng lê Tai Nung và được thiết kế giống như một khu du lịch trải nghiệm. Để thuận lợi cho du khách ngắm hoa lê, hái quả, anh thiết kế, xây một đường bê tông rộng chừng 40cm làm lối đi. Cứ mỗi đoạn có “view” (cảnh) đẹp, anh lại thiết kế một chòi dừng chân, ghế nghỉ làm bằng tre, gỗ để khách nghỉ ngơi, chụp ảnh. Nhờ thế, mỗi năm, ngoài thu nhập hàng trăm triệu từ vườn cây ăn quả, anh có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng từ việc bán vé cho du khách chiêm ngưỡng hoa lê Tai Nung.
Tráng Seo Xà sinh năm 1991, tốt nghiệp Đại học Công đoàn, ngành Quản trị nhân lực năm 2013. Học xong, anh về quê làm kinh tế, tham gia công tác phong trào ở địa phương. Đến năm 2017, anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã Quan Thần Sán (nay là xã Quan Hồ Thẩn). “Những ngày đầu tham gia công tác Đoàn là những ngày khó khăn. Đây là công việc trái chuyên ngành, tôi đã chủ động tập hát, tập múa các bài hát, vũ điệu thiếu nhi để dạy các em trong dịp sinh hoạt hè”, anh Xà cho hay.
Bí thư Đoàn Tráng Seo Xà đã đạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp “Startup Ideas” tỉnh Lào Cai lần thứ I, năm 2018 với ý tưởng phát triển “Lê Tai Nung Quan Thần Sán sạch, chất lượng cao”. Anh là 1 trong 2 cá nhân của tỉnh Lào Cai có tên trong danh sách 100 đại biểu trên cả nước nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng, phần thưởng cao quý của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng cán bộ, đoàn viên có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động, học tập.
Đi đầu để làm gương
Để thu hút đông thanh niên tham gia các phong trào và lan tỏa đến nhiều người, anh Tráng Seo Xà đã đề xuất với lãnh đạo xã thực hiện các công trình thanh niên, tổ chức các hoạt động thể thao. “Quá trình học tập, công tác thực tế, phần nào hiểu được người dân ở địa phương, tôi nhận thấy để tuyên truyền hiệu quả cần phải có những tấm gương. Vì vậy, tôi xây dựng ý tưởng, mỗi đoàn viên phải là một tấm gương làm kinh tế giỏi. Và tôi là người đi đầu thực hiện mô hình kinh tế đó để mọi người nhìn thấy học tập và làm theo”, anh Xà chia sẻ.
Anh Xà cho biết, trồng cây lê không mất nhiều công, dễ trồng và dễ chăm sóc, đặc biệt là chi phí không cao. Lê là loại cây lâu năm, chỉ khoảng 3 năm là cho thu hoạch quả, thời gian kéo dài từ 8-10 năm. Để tránh bị mất giá, ngoài kết nối với các đơn vị thu mua, anh Xà quảng bá trên các nền tảng xã hội như Facebook, Zalo thông qua các hội nhóm, câu lạc bộ. Anh thường xuyên tương tác, kết nối, nên trang Facebook của mình có hàng nghìn lượt theo dõi. Chính nhờ Facebook, anh đã kéo được nhiều khách du lịch đến với bản làng, chiêm ngưỡng vườn hoa lê của mình.
Đến nay, mô hình vườn cây ăn quả, thu hút khách du lịch đã được nhiều thanh niên trong xã và các vùng lân cận học tập và nhân rộng. Tháng Ba vừa qua, tại Quan Hồ Thẩn diễn ra Lễ hội Hoa lê trắng. Đây là năm thứ 2 lễ hội được tổ chức tại xã. Lễ hội đã thu hút hàng nghìn du khách tới tham quan và trải nghiệm, mở ra những tín hiệu tích cực cho du lịch địa phương.