Trước hiên nhà cấp 4 tại xã Cư Suê, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk), chị Phạm Thị Nga (SN 1992) cùng nhân công sắp xếp những khoanh dứa vàng ươm căng mọng để chuẩn bị cho vào lò sấy. Chị cho biết, những sản phẩm trái cây sấy muối ớt đều được làm thủ công để giữ nguyên hương vị đặc trưng.
Sản phẩm dứa sấy muối ớt của chị Phạm Thị Nga |
Chị Nga tốt nghiệp ngành Kế toán, Trường Đại học Tây Nguyên. Sau khi ra trường, chị xin việc làm đúng chuyên ngành tại một công ty, nhưng thu nhập thấp. Vùng đất chị sinh sống, bố mẹ và người dân trồng nhiều loại cây trái chất lượng tốt, nhưng chỉ bán quả tươi với giá trị không cao, thậm chí có nhiều loại quả chín để rụng đầy gốc. Chị Nga mày mò làm mứt khô từ các loại trái cây. Những mẻ hàng đầu tiên được khách hàng đón nhận. Thời tiết mưa nắng thất thường, việc phơi khô mứt trái cây dưới ánh nắng không hiệu quả, cộng vào đó gió bụi khi phơi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị quyết định đầu tư máy sấy.
Dự án “Phát triển mô hình trái cây sấy tại địa phương” của chị Phạm Thị Nga là dự án duy nhất của tỉnh Đắk Lắk lọt vào vòng chung kết Cuộc thi dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức vào cuối tháng 11 tại tỉnh Thái Bình.
Năm 2021, chị khởi nghiệp với mô hình trái cây sấy dẻo, hướng đến sản xuất sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe. “Khi mới làm không tránh khỏi những mẻ hàng hư, phải đổ bỏ nhiều, bố mẹ nhìn thấy rất xót của. Mãng cầu xiêm và dứa mật là hai sản phẩm chủ đạo của mô hình”, chị Nga chia sẻ.
Chị Nga cho biết, dứa có độ chín vừa tới, cắt miếng có kích thước phù hợp, hàm lượng muối và ớt xay theo tỷ lệ để tẩm ướp. Cơ sở chị sản xuất theo đơn đặt hàng. Khách hàng của chị chủ yếu các tỉnh miền Tây, Đà Lạt, TPHCM. Chị đã tạo được công thức, bí quyết riêng cho sản phẩm của mình. Cơ sở sản xuất trái cây sấy dẻo của chị Nga đã được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Thành công bước đầu
Những vườn dứa bạt ngàn của nông dân ở huyện Krông Bông trở thành nơi cung cấp nguyên liệu cho mô hình của chị Nga. Theo chị, những năm gần đây, cây dứa đang là hướng đi mới trong phát triển kinh tế, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân tại các xã vùng sâu của huyện Krông Bông. Còn mãng cầu chị thu mua của bà con ở huyện Cư M’gar. Nơi đây, mãng cầu được người dân trồng xen trong vườn cà phê, tiêu. Trước đây, loại quả này để chín rụng đầy gốc, bây giờ được nâng tầm trở thành đặc sản. Mô hình của chị đã tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào ở địa phương, giúp nông dân trong vùng có đầu ra ổn định, tăng thu nhập và xây dựng chuỗi sản xuất nông sản địa phương.
Mỗi tháng, cơ sở của chị Nga tiêu thụ khoảng 15 tấn trái cây tươi. Mô hình đã tạo việc làm ổn định cho 3 nhân công với thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị thuê thêm nhiều lao động thời vụ.
Năm 2023, doanh thu từ sản phẩm trái cây sấy khô các loại đạt hơn 2 tỷ đồng, trong đó dứa sấy muối ớt chiếm 50%. Sau khi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng, chị Nga tiếp tục nghiên cứu, phát triển một số mặt hàng khác như chùm ruột sấy, trà hoa đu đủ...
Chị Nga dự định mở rộng mô hình sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại và hướng đến sản phẩm OCOP. Chị tạo cảm hứng thúc đẩy phong trào khởi nghiệp làm giàu từ chính tiềm năng của địa phương đến nhiều thanh niên trên địa bàn.