Từ vườn rau gia đình
Nhà bà Đỗ Hồng Vân tại khu Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội có mảnh sân khoảng 40 m2. Tại mảnh sân này bà tận dụng nhiều hộp xốp đựng hàng để trồng một số loại rau. Bà tin tưởng đây là những ngọn rau sạch nhất vì bà tự giám sát quá trình phát triển các loại từ khi gieo trồng.
Bà Vân cho biết: “Nhiều loại rau chờ có lá mới ăn được nhưng cũng có nhiều loại chỉ cần có rau mầm là đã có thể chế biến nhiều món ăn. Rau mầm thường được gia đình tôi ưa chuộng vì độ ngon vì ngọt và tươi”.
Gia đình bà Vân khá điển hình cho nhiều hộ dân sống tại Thủ đô Hà Nội khi tranh thủ những khoảng không gian giới hạn ở tầng thượng hoặc sân trước nhà để “cải thiện” bữa cơm gia đình. Quan trọng nhất là sự tin tưởng về chất lượng do chính mình làm ra.
Hình ảnh rau mầm cũng từ phong trào này đã đến với nhiều người nội trợ và nó trở thành biểu trưng cho rau sạch. Nhận thấy tiềm năng từ thị trường này nên nhiều doanh nghiệp đã tiến hành đầu tư sản xuất rau mầm để trở thành sản phẩm ưa chuộng trong ngành hàng thực phẩm hiện nay.
Sự vào cuộc của các công ty lớn như VinEco, Green... cũng khiến thị trường rau mầm ngày một sôi động. Thị trường này đang có chiều hướng rộng mở, tuy nhiên chất lượng rau mầm thì cũng chưa được đơn vị quản lý nào lên tiếng công nhận.
Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt , Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, rau mầm được xem như một loại sản phẩm mới làm phong phú cơ cấu rau, tăng khối lượng rau an toàn và rau chất lượng cao, nhất là vào thời điểm trái vụ. “Tuy nhiên, hiện nay chưa có giống rau nào dùng riêng cho sản xuất rau mầm. Đa số người sản xuất đều mua hạt giống từ các cửa hàng bán các loại giống cây trồng và chưa quan tâm đến chất lượng của hạt giống rau”, Bà Thoa nhấn mạnh.
Một trong những nguyên nhân rau mầm chưa thực sự an toàn vì việc sử dụng giá thể, dụng cụ sản xuất rau mầm không đúng cách là những nguyên nhân dân đến mất vệ sinh ATTP cho sản phẩm. Điều đáng lo ngại là phần lớn sản phẩm rau của các hộ gia đình với quy mô tương đối khi xuất ra thị trường đều không có bao bì, nhãn mác. Như vậy, cơ quan quản lý Nhà nước khi thanh, kiểm tra cũng không thể xác định được nguồn gốc cũng như mức độ an toàn của sản phẩm này.
Cần sớm có bộ tiêu chuẩn cơ sở
Hiện nay trên thị trường các loại rau mầm cải chiếm 90%, còn lại có một số loại rau mầm như rau muống, các loại đậu đỗ chiếm tỷ lệ rất ít, thường được sản xuất dưới dạng tự cung tự cấp trong gia đình khi có nhu cầu. Các giống rau nhập nội hầu như không có mặt trên thị trường của Hà Nội. Như vậy, trên thị trường hiện nay các sản phẩm rau mầm còn đơn điệu, chưa đa dạng, chủng loại rau mầm chủ yếu là các loại mầm cải.
Về việc kiểm soát chất lượng rau mầm, bà Thoa nhìn nhận: “Đối với các doanh nghiệp sản xuất rau mầm, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các ngành liên quan yêu cầu DN phải chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm do mình sản xuất ra, mức độ ATTP…”
Ảnh minh họa: Internet.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã hình thành một số cơ sở, DN chuyên sản xuất và cung ứng sản phẩm rau mầm như: Công ty Tư vấn và Đầu tư Rau hoa quả Gia Lâm (thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả), Công ty TNHH Song Ngưu, Công ty Công nghệ cao Minh Dương... Sản phẩm của các DN này đều có bao bì, thương hiệu và mã vạch để truy nguyên nguồn gốc xuất xứ. Đối với hộ gia đình, giải pháp hiệu quả là thay đổi về hình thức sản xuất theo hộ hoặc nhóm hộ có DN đứng ra đặt hàng, hướng dẫn kỹ thuật, ký hợp đồng thu mua.
Dưới góc độ là người quản lý sản xuất, bà Thoa cũng kiến nghị “Để kiểm soát chặt hơn vấn đề này, TP Hà Nội cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn cơ sở về hạt giống cho sản xuất rau mầm. Đối với cơ sở sản xuất rau mầm, cần thực hiện đúng theo quy trình, có sổ sách ghi chép nhằm minh bạch các yếu tố đầu vào cũng như toàn bộ quá trình sản xuất và có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết”.
Trước mắt, với những người tiêu dùng có nhu cầu lựa chọn rau mầm làm thực phẩm cần lựa chọn các loại rau chính vụ và có nhãn mác cơ sở sản xuất cũng như các thông số kỹ thuật về hạn sử dụng. Những sản phẩm cũng nên được lựa chọn từ các cơ sở uy tín, có vùng nguyên liệu tự sản xuất để đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Đó là cách rút ngắn nhất thời gian trong trường hợp cần truy xuất nguồn gốc những sản phẩm đã được bày bán trên thị trường.