Phòng thí nghiệm sinh học – quả bom nổ chậm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ẩn mình ở vùng ngoại ô thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) là Viện Virus học - một trong khoảng 60 phòng thí nghiệm trên khắp thế giới xử lý những mầm bệnh gây chết người kinh khủng nhất mà con người từng biết đến.
Phòng thí nghiệm sinh học – quả bom nổ chậm ảnh 1

Nhân viên bảo vệ tập trung gần cổng vào Viện Virus học Vũ Hán trong chuyến thăm của nhóm chuyên gia WHO tới Vũ Hán hôm 3/2/2021. Ảnh: AP

Các phòng thí nghiệm khác trải rộng trên 23 quốc gia, riêng tại Anh có 7 phòng thí nghiệm. Nổi tiếng nhất trong số này là Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng, do Bộ Quốc phòng Anh điều hành tại căn cứ ở Porton Down, Wiltshire - nơi có đơn vị nghiên cứu về mối đe dọa từ vũ khí sinh học.

Một phòng thí nghiệm bảo mật cao khác (do Viện Nghiên cứu Y khoa Quốc gia có trụ sở tại Bắc London điều hành) nghiên cứu các loại virus cúm có khả năng gây ra đại dịch.

Các phòng thí nghiệm cấp cao nhất này, được phân loại có cấp độ an toàn sinh học 4 (BSL4), chứa các mầm bệnh thực sự nguy hiểm, như COVID-19, Ebola, virus Marburg chết người (tỷ lệ tử vong khoảng 88%). Gần 2/3 phòng thí nghiệm BSL4 là trung tâm do chính phủ điều hành và phần còn lại do các trường đại học hoặc cơ quan phòng thủ sinh học vận hành.

Tuy nhiên, các chuyên gia ngày càng lo ngại về việc kiểm soát và quản lý các loại virus nguy hiểm trong phòng thí nghiệm này. Họ cảnh báo rằng, các biện pháp an toàn gần như không đủ để ngăn chặn một đại dịch toàn cầu do virus thoát khỏi phòng thí nghiệm gây ra.

Các phòng thí nghiệm của Anh xử lý các tác nhân gây bệnh thuộc loại ít nguy hiểm. Trong ba năm qua, những nơi này đã để xảy ra 18 lỗi ở “mức độ thấp”.

Phòng thí nghiệm sinh học – quả bom nổ chậm ảnh 2

Các biện pháp an toàn sinh học ở cấp độ 1 bao gồm hằng ngày khử khuẩn bề mặt làm việc, rửa tay thường xuyên và đeo kính bảo vệ mắt. Ảnh: Shutterstock.

Các mầm bệnh nguy hiểm nhất

Các phòng thí nghiệm tham gia nghiên cứu mầm bệnh có hại đã đưa ra, phân loại tiêu chuẩn an toàn theo mức độ nguy hiểm từ sinh vật mà họ xử lý. Ví dụ, phòng thí nghiệm BSL1 chỉ cần các mức kiểm soát cơ bản vì họ có khả năng xử lý phần lớn các tác nhân không nguy hiểm, bao gồm nấm men hoặc vi khuẩn như E.coli (có thể gây ngộ độc thực phẩm). Các biện pháp an toàn sinh học ở cấp độ này bao gồm hằng ngày khử khuẩn bề mặt làm việc, rửa tay thường xuyên và đeo kính bảo vệ mắt.

Phòng thí nghiệm BSL2 và BSL3 làm việc với nhiều bệnh truyền nhiễm hơn, như bệnh lao. Họ bổ sung các biện pháp an toàn, bao gồm sử dụng tủ an toàn sinh học, nơi virus được xử lý trong các đơn vị kín dùng găng tay “tích hợp sẵn”.

Phòng thí nghiệm BSL4 (cấp cao nhất) xử lý các mầm bệnh nguy hiểm nhất. Nếu chúng thoát ra ngoài, cho dù qua không khí, hệ thống thông gió bị lỗi, trên quần áo, tóc hoặc thiết bị, thậm chí do lây nhiễm nhân viên phòng thí nghiệm, hậu quả có thể rất thảm khốc.

Do đó, các phòng thí nghiệm này phải có nguồn cung cấp không khí chuyên dụng riêng, nhân viên phải mặc bộ quần áo điều áp với nguồn cung cấp ôxy riêng và họ chỉ sử dụng các tủ an toàn sinh học an toàn nhất. Ngoài ra, phòng thí nghiệm BSL4 nên được đặt trong một tòa nhà riêng biệt (trong khu vực bị hạn chế ra vào) với các phòng nghiên cứu khác.

Với các biện pháp an ninh nghiêm ngặt như vậy và chỉ có khoảng 60 phòng thí nghiệm BSL4 trên toàn thế giới, điều gì có thể xảy ra?

Phòng thí nghiệm sinh học – quả bom nổ chậm ảnh 3

Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng Anh nghiên cứu về mối đe dọa từ vũ khí sinh học. Ảnh: Shutterstock.

Mối nguy lớn nhất

Năm 2020, Global Health Security Index (Chỉ số an ninh y tế toàn cầu) - một dự án theo dõi tiêu chuẩn về an toàn tại các trung tâm xử lý mầm bệnh nguy hiểm - báo cáo rằng, chỉ có khoảng 1/4 phòng thí nghiệm BSL4 đạt điểm cao về biện pháp an toàn.

Dự án này đánh giá liệu các quốc gia điều hành các phòng thí nghiệm BSL4 có luật pháp và quy định giảm thiểu rủi ro hay không, cũng như cung cấp chương trình đào tạo tốt nhất có thể cho nhân viên làm việc với sinh vật gây chết người. Nhưng dự án này không có quyền trừng phạt các phòng thí nghiệm không tuân thủ.

Nghiên cứu khác cũng cho thấy, việc một số phòng thí nghiệm được thiết lập vội vàng để đối phó với khối lượng lớn thử nghiệm COVID-19 có thể là rủi ro an toàn sinh học lớn. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environment International (Môi trường Quốc tế) hồi tháng 10/2020 xem xét kỹ lưỡng các tiêu chuẩn tại 90 phòng thí nghiệm BSL2 và BSL3 ở Trung Quốc được phép thử nghiệm các mẫu COVID-19 và chỉ thấy bốn mẫu tuân thủ tất cả các yêu cầu an toàn được khuyến nghị.

Các nhà nghiên cứu cho biết, mối nguy lớn nhất là thiếu cửa tự động để hạn chế nguy cơ các phần tử virus thoát ra ngoài. Bà Filippa Lentzos, giảng viên cao cấp về khoa học và an ninh quốc tế tại Trường King’s College London (Anh), nói: “Có rất nhiều chỗ cần cải thiện. Nhiều quốc gia ​​sẽ tìm đến các phòng thí nghiệm BSL4 để nghiên cứu sau đại dịch. Nhưng chúng ta cần lưu ý rằng nghiên cứu như vậy có thể mang lại những rủi ro riêng nó”, bà Lentzos nhận định.

Bà Lentzos chỉ ra rằng, 75% các phòng thí nghiệm bảo mật cao trên khắp thế giới được đặt ở các khu vực đô thị - điều này làm tăng khả năng lây truyền nhanh chóng trong trường hợp virus thoát ra ngoài.

Phòng thí nghiệm sinh học – quả bom nổ chậm ảnh 4

Nghiên cứu về biến chủng Omicron. Ảnh: Shutterstock.

Rủi ro xảy ra mọi lúc

Ví dụ, ở Anh, Viện Nghiên cứu Y khoa Quốc gia - nơi xử lý các chủng cúm có khả năng lây nhiễm cao - được đặt trụ sở tại Mill Hill, Bắc London, trong hơn 80 năm trước khi được chuyển đến Camden vào năm 2016.

“Hầu hết các phòng thí nghiệm này đều nằm trong các khu vực đã xây dựng. Làm việc với các mầm bệnh có nguy cơ cao gây ra rủi ro lớn cho cả người lao động và toàn xã hội. Phải áp dụng mức độ an toàn và bảo mật cực cao”, bà Lentzos nói.

Tháng 10/2020, bà Lentzos và các nhà nghiên cứu an toàn sinh học đã cung cấp bằng chứng cho cuộc điều tra về an toàn phòng thí nghiệm của Ủy ban hỗn hợp về chiến lược an ninh quốc gia của Anh. Trong đó, họ cảnh báo: “Các phòng thí nghiệm này thực hiện một số thao tác nguy hiểm nhất đối với mầm bệnh có khả năng gây đại dịch. Trong khi chúng được xây dựng để bảo vệ các nhà nghiên cứu, công chúng và môi trường khỏi bị tổn hại, thiết kế phòng thí nghiệm không thể khắc phục được lỗi của con người hoặc đào tạo kém. Tai nạn xảy ra liên tục”.

Phòng thí nghiệm sinh học – quả bom nổ chậm ảnh 5

Một kỹ thuật viên CDC Mỹ mặc bộ đồ áp lực dương (đời cũ) trước khi bước vào phòng thí nghiệm BSL-4. Ảnh: CDC Mỹ.

Từ năm 1963 đến năm 1978, trước khi hướng dẫn BSL4 có hiệu lực, 80 người ở Anh đã bị nhiễm bệnh và 3 người chết khi virus đậu mùa bị rò rỉ từ hai phòng thí nghiệm. Một nhiếp ảnh gia y tế tại Trường Y Birmingham tử vong sau khi hệ thống thông gió bị lỗi từ phòng thí nghiệm ở tầng dưới khiến cô ấy bị nhiễm virus.

Trên thế giới, đã có ít nhất 6 trường hợp được ghi nhận về việc SARS1, loại virus đe dọa lây lan khắp thế giới vào đầu những năm 2000, thoát khỏi các phòng thí nghiệm virus học ở Trung Quốc đại lục, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc).

Ông Angus Dalgleish, giáo sư ung thư tại Trường Y Bệnh viện St George ở London (Anh), nói: “Trong trường hợp ở Singapore, người ta phát hiện ra rằng, virus có thể đã bám vào nang tóc của một công nhân, bất chấp đồ bảo hộ công nhân đang mặc. Điều đó cho thấy mức độ nguy hiểm của công việc này”.

Ngoài ra, còn có những nghi ngờ về việc các nhà khoa học đang phát triển các loại virus siêu lây nhiễm. Hoạt động gây tranh cãi này liên quan việc nghiên cứu về mặt di truyền với virus để tăng khả năng lây nhiễm của chúng. Làm như vậy để giúp các nhà khoa học khám phá thêm về cách virus đột biến, từ đó họ có thể bắt đầu phát triển vắc xin phòng bệnh hoặc thuốc chữa bệnh do virus đó gây ra.

Các nhà khoa học tại Vũ Hán đã thực hiện nghiên cứu tăng chức năng trên coronavirus bằng cách ghép các protein từ tám loại coronavirus tự nhiên vào loại thứ chín để xem liệu nó có lây nhiễm sang các tế bào của con người hay không. Tuy nhiên, các nhà chức trách Trung Quốc khẳng định đây không phải là nguồn gốc của đại dịch.

Giáo sư Dalgleish nói: “Tại sao mọi người lại thực hiện loại nghiên cứu này? Hoạt động này đã bị cấm ở Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama nhưng lại được phép dưới thời Tổng thống Donald Trump”.

Bà Lentzos nói rằng, ở Anh, các khoản tài trợ nghiên cứu được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo rằng việc nghiên cứu như vậy là phù hợp và cần thiết về mặt khoa học.

Nhưng bà cảnh báo: “Đại đa số các quốc gia khác có phòng thí nghiệm có độ an toàn sinh học tối đa không điều chỉnh loại hình nghiên cứu này. Việc nghiên cứu tăng chức năng với coronavirus có khả năng tăng vì các nhà khoa học tìm cách hiểu rõ hơn về chúng”.

Phòng thí nghiệm sinh học – quả bom nổ chậm ảnh 6

Thường xuyên kiểm tra bộ đồ bảo vệ áp lực dương xem có bị thủng hay không. Ảnh: NIAID.

Không ít sự cố

Anh được xếp hạng là một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới về an ninh sinh học, theo Chỉ số an ninh y tế toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn xảy ra không ít sự cố.

Năm 2020, một công nhân tại Porton Down bị một con chồn sương nhiễm coronavirus cắn. Năm 2013, cũng ở Porton Down, người ta tìm thấy những giọt nước mắt dính trong quần áo bảo hộ được sử dụng tại một cơ sở xử lý động vật có virus Ebola.

Ngoài ra, còn nhiều lỗi “cấp thấp” hơn. Thống kê sự cố trong các phòng thí nghiệm BSL1, BSL2 và BSL3 cho thấy, ít nhất 18 lỗi đã được điều tra trong ba năm qua.

Một số lỗi liên quan việc không cung cấp thiết bị bảo vệ để bảo vệ nhân viên chống lại tác nhân sinh học có hại, hoặc cho phép nhân viên phòng thí nghiệm xét nghiệm mẫu máu ngoài trời, thay vì trong tủ an toàn sinh học.

Dữ liệu riêng, được Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe (Anh) công bố theo yêu cầu tự do thông tin, cho thấy đã có hơn 20 sự cố an toàn trong thập kỷ qua tại một trung tâm BSL4 chính - Viện Kiểm soát và Tiêu chuẩn sinh học quốc gia.

Năm 2010, một phòng thí nghiệm xử lý H5N1 - một chủng cúm gia cầm độc lực cao - đã phải đóng cửa khi tủ chứa sinh vật bị lỗi đe dọa phát tán các phần tử virus vào không khí.

Phòng thí nghiệm sinh học – quả bom nổ chậm ảnh 7

Tiêu hủy gà nhiễm H5N1 ở Nigeria. Ảnh: DW.

MỚI - NÓNG