Các nhà khoa học của Viện Hoá sinh biển, nay là Viện Hoá học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa thực hiện Dự án Nghiên cứu tiềm năng về dược liệu biển tại vùng biển Nam Trung Bộ (vùng biển Khánh Hòa - Bình Thuận) Việt Nam. Mục tiêu tìm kiếm các hợp chất có hoạt tính sinh học từ nguồn dược liệu biển, đánh giá khả năng ứng dụng của chúng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Dự án gồm 6 hợp phần nghiên cứu, đều mang lại những kết quả khả quan, cho thấy tiềm năng phong phú, hiếm có của hệ sinh thái vùng biển Khánh Hoà – Bình Thuận.
Trong đó, tại “Nghiên cứu khai thác các hợp chất trao đổi thứ cấp từ dược liệu San hô và Da gai ở Khu vực Nam Trung Bộ (vùng biển Khánh Hòa - Bình Thuận) theo định hướng hoạt tính gây độc tế bào ung thư, kháng viêm”, các nhà khoa học đã thu thập 30 mẫu từ 7 loài San hô và động vật Da gai tại các vùng biển vịnh Vân Phong - Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Từ đó, phân lập và xác định được cấu trúc hoá học của 72 hợp chất, trong đó có 27 hợp chất mới bao gồm 10 hợp chất từ Huệ biển, 3 hợp chất từ Hải sâm, một hợp chất từ Sao biển và 13 hợp chất từ San hô mềm.
Nghiên cứu hoạt tính sinh học các chất cho thấy, một số hợp chất tritecpen saponin thể hiện hoạt tính rất mạnh trên tất cả 5 dòng tế bào ung thư đã được thử nghiệm trong khi một số hợp chất naphthopyrone thể hiện hoạt tính gây độc tế bào khá và chọn lọc trên tế bào ung thư.
![]() |
Một số loài Da gai, San hô đã nghiên cứu tại vùng biển Khánh Hoà - Bình Thuận. Ảnh: Vast.gov.vn |
Một Hợp phần khác là “Nghiên cứu các hợp chất thứ cấp có hoạt tính sinh học từ một số động vật thân mềm ở vùng biển Nam Trung bộ (vùng biển Khánh Hòa - Bình Thuận) Việt Nam”.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu sâu về động vật thân mềm biển. Qua đó phát hiện 18 hợp chất mới từ 5 mẫu động vật thân mềm biển của Việt Nam. Trong đó có các hợp chất vừa có hoạt tính gây độc tế bào đáng quan tâm vừa có khả năng gây ra sự tự chết trên các dòng tế bào ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi.
Các nhà khoa học cũng thực hiện Nghiên cứu khai thác dược liệu hải miên ở Khu vực Nam Trung Bộ (vùng biển Khánh Hòa - Bình Thuận) theo định hướng hoạt tính diệt tế bào ung thư nhằm tạo ra sản phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh ung thư.
Từ đó phân lập và xác định được 84 hợp chất, trong đó 23 hợp chất có cấu trúc hóa học mới. Đáng chú ý là việc phát hiện 5 hợp chất mang 4 bộ khung carbon chưa từng được ghi nhận, cho thấy sự độc đáo về thành phần hóa học của hải miên ở Việt Nam.
Kết quả của Dự án không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành nghiên cứu hóa sinh biển mà còn tạo tiền đề cho việc khai thác hợp lý nguồn tài nguyên sinh vật biển trong nước, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho ngành dược liệu biển trong tương lai.
Theo PGS.TS Phạm Văn Cường, Chủ trì Dự án, để phát huy tối đa giá trị tài nguyên này, cần tiếp tục mở rộng nghiên cứu các hợp chất sinh học mới từ các loài sinh vật biển như hải miên, san hô, vi sinh vật biển, lipid, vi tảo và động vật thân mềm, đặc biệt là các hợp chất có hoạt tính chống ung thư và kháng vi sinh vật.