Chàng trai dân tộc Tày mê nghiên cứu
Là chàng trai dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên tại thị trấn nhỏ vùng cao thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, Tô Mạnh Ngọc lớn lên dưới sự bao bọc của rừng, núi và làm quen với các cây dược liệu từ khi còn nhỏ.
Trong sân vườn nhà, bà của Ngọc trồng nhiều cây thuốc và thường dùng để chữa bệnh cho người làng. Với sự hiếu kỳ của mình, Ngọc đã quan sát, học hỏi từ bà về các thảo dược thiên nhiên.
Khi lên cấp 3, Ngọc theo học tại Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc. Cuối năm lớp 11, khi nhà trường có thông báo tổ chức cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường thường niên, Ngọc mạnh dạn ứng cử để thử sức mình và may mắn được thầy cô lựa chọn.
Lần đầu tiên tham gia vào một đề tài nghiên cứu khoa học, Ngọc còn khá bỡ ngỡ. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, nam sinh nhận thấy mọi thứ dần trở nên thú vị hơn, càng thôi thúc bản thân tìm hiểu.
Bằng kinh nghiệm về cây dược liệu trước đó cùng sự tò mò muốn khám phá, Mạnh Ngọc lựa chọn theo đuổi đề tài “Hybrid conjugate of Dihydroartemisinin and Ostruthin isolated from the Vietnamese traditional medicinal plant PARAMIGNYA TRIMERA: Exhibiting biological activities” - Nghiên cứu hợp chất của DHA và Ostruthin được chiết xuất từ cây xáo tam phân (Paramignya trimera) và các hoạt tính sinh học của hợp chất đó.
Từ những bài thuốc dân gian mà người dân vùng cao sử dụng, Mạnh Ngọc và thành viên trong nhóm nhận thấy các dược liệu thiên nhiên còn rất nhiều công dụng vẫn chưa được khám phá hết. Do đó, nhóm quyết định nghiên cứu sâu hơn về khả năng điều trị mà các loại dược liệu mang lại, đặc biệt là tác dụng đối với các căn bệnh ung thư.
Tô Mạnh Ngọc - sinh viên năm Nhất, ngành Y học cổ truyền, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đã được vinh danh trong Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2024. |
Cụ thể, nam sinh đi sâu vào nghiên cứu tác dụng của các hợp chất được chiết xuất từ cây xáo tam phân khi kết hợp với DHA đối với sự phát triển các tế bào ung thư.
Mạnh Ngọc cho biết, quy trình để có được chiết xuất của cây xáo tam phân là không hề dễ dàng và kéo dài trong khoảng hơn một tháng. Từ những cây xáo tam phân tươi còn nguyên rễ sẽ trải qua giai đoạn phơi khô. Sau đó, rễ cây sẽ được nghiền nhỏ và tiếp xúc với hóa chất để loại bỏ cặn bẩn mới tiến hành thu lọc được tinh chất.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra, ngoài việc điều trị rất tốt trong chống đông máu, tụt huyết áp, các hợp chất có trong rễ của cây xáo tam phân khi kết hợp với DHA có khả năng ức chế các tế bào gây ung thư vú, ung thư phổi.
Tô Mạnh Ngọc - sinh viên năm Nhất, ngành Y học cổ truyền, Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam đã được vinh danh trong Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2024. Mạnh Ngọc cũng giành Huy chương Vàng cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Olympic và hội thảo quốc tế về công trình khoa học sáng tạo lần thứ VI (ICPC 2024).
Việc nghiên cứu các hợp chất chiết xuất từ loại cây này không chỉ giúp mở ra một phương pháp ứng dụng mới trong điều trị ung thư không gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Đồng thời, tận dụng được tối đa các nguyên liệu dồi dào có sẵn từ thiên nhiên, giúp giảm gánh nặng kinh tế cho các bệnh nhân.
“Mặc dù đề tài này mới chỉ bước đầu được thực hiện lâm sàng, chưa được thử nghiệm trên người, nhưng mình tin rằng với sự nỗ lực của các nhà khoa học, bệnh nhân ung thư sẽ sớm có được cơ hội điều trị mới tốt hơn”, Mạnh Ngọc nói.
Tô Mạnh Ngọc (ngoài cùng bên trái) cùng nhóm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm - Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên. |
"Đau đáu" với y học cổ truyền
Trong thời gian nghiên cứu đề tài, Ngọc và các bạn gặp không ít khó khăn khi thực hiện chiết xuất cây thảo dược xáo tam phân. Bởi từ một cây chỉ xuất ra được rất ít tinh chất, do đó nếu không tỉ mỉ sẽ rất dễ bị lẫn với tạp chất.
Nam sinh cũng cho biết, để cho tinh chất tiếp xúc với DHA mang lại hiệu quả cao nhất cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng để ra được nhiệt độ bảo quản thích hợp.
Tổng thời gian thực hiện đề tài nghiên cứu kéo dài hơn 8 tháng, lại trùng với thời gian ôn thi đại học khiến Ngọc gặp không ít khó khăn trong việc quản lý thời gian.
Theo Ngọc, việc nghiên cứu đòi hỏi khá nhiều thời gian, chiếm tới 40% thời gian học tập. Mỗi ngày, Ngọc sẽ dành thời gian buổi sáng và chiều để học tập chuẩn bị cho việc ôn thi tốt nghiệp. Còn lại, dành 4 - 5 tiếng từ chiều tối đến tận đêm khuya cho việc nghiên tài liệu và theo dõi dự án tại phòng thí nghiệm. Hai ngày cuối tuần, Ngọc cùng nhóm nghiên cứu di chuyển xuống Hà Nội để quan sát tiến trình nghiên cứu tại Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên.
Bên cạnh đó, cậu bạn còn dành thêm thời gian vào việc trau dồi tiếng Anh phục vụ việc trình bày đề tài nghiên cứu và trả lời trước ban giám khảo quốc tế. May mắn có sự đồng hành, hỗ trợ của thầy cô, bạn bè, Mạnh Ngọc đã vượt qua và đạt thành tích xuất sắc trong cuộc thi.
“Trong tương lai, nếu có đủ kinh phí và điều kiện, mình sẽ tiếp tục theo đuổi dự án này để có thể tạo ra loại thuốc mới có tính ứng dụng cao, phục vụ việc chữa bệnh”, Ngọc chia sẻ.
Đối với Mạnh Ngọc cũng như những người đồng bào dân tộc vùng cao, y học cổ truyền có ý nghĩa to lớn bởi đời sống của họ từ lâu đã gắn bó với những bài thuốc dân gian phát triển hàng trăm năm. Đặc biệt là những bài thuốc từ cây cỏ tự nhiên có nhiều đặc tính chữa bệnh, chi phí rẻ và ít tác dụng phụ.