Sinh viên với nỗi sợ bị tách biệt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Clubless là tính từ sáng tạo trong tiếng Anh chỉ trạng thái hoặc tình huống không tham gia hay thuộc về một câu lạc bộ nào. Từ này còn thường được sử dụng để mô tả cảm giác cô đơn, sự tách biệt ra khỏi các tổ chức xã hội hay hoạt động tập thể. Theo chuyên gia, nỗi sợ clubless là tâm lý phổ biến và bình thường của sinh viên, nhưng nếu không được kiểm soát, sẽ ảnh hưởng đến những năm tháng đại học của các bạn trẻ.

Ám ảnh bị trượt

Từng là phó chủ nhiệm của Câu lạc bộ Âm nhạc ở trường cấp 3, Ngọc Mỹ - sinh viên năm 2 Trường Đại học Kinh tế TPHCM từng mạnh dạn đăng ký ứng tuyển vào một câu lạc bộ nhảy ở trường đại học để tiếp tục thỏa mãn đam mê của mình. Vượt qua hai vòng đầu tiên một cách suôn sẻ tuy nhiên đến vòng thứ 3, cô thất vọng khi nhận được email thông báo trượt do không phù hợp với tiêu chí của câu lạc bộ.

“Mình đã khóc vật vã cả buổi chiều và buồn nguyên tuần sau đó vì thất vọng. Thấy bạn bè hào hứng lần lượt thay ảnh đại diện facebook để flex đã đậu câu lạc bộ khiến mình càng cảm thấy lạc lõng hơn”, Mỹ kể lại.

Mỹ cho biết, kể từ sự kiện này cô càng cảm thấy xa cách với bạn bè cùng khóa bởi ai cũng bận rộn với cộng đồng của riêng mình. Mỗi lần đi qua các đội nhảy của câu lạc bộ đang diễn tập, cô đều tiếc nuối và khao khát được tham gia nhưng chỉ có thể đứng từ xa quan sát.

“Mình thấy bản thân ngày càng ngại giao tiếp hơn. Dù đã cố gắng kết nối với nhiều bạn khác cùng cảnh ngộ nhưng không phải ai cũng hợp cạ để nói chuyện và làm quen. Mọi người đều có mối quan tâm và hướng đi riêng nên thật khó để duy trì mối quan hệ lâu dài”, cô bộc bạch.

Mặc dù được bạn bè động viên đăng ký tham gia các câu lạc bộ khác nhưng Mỹ từ chối vì sợ cảm giác bị trượt sau khoảng thời gian dài cố gắng để trụ lại qua từng vòng tuyển chọn. Khoảnh khắc không tìm thấy tên mình trên danh sách trúng tuyển vẫn khiến cô ám ảnh và thất vọng đến hôm nay, Mỹ chia sẻ thêm.

Sinh viên với nỗi sợ bị tách biệt ảnh 1

Sinh viên thường lo sợ lạc lõng và bỏ lỡ cơ hội phát triển nếu không tham gia vào các câu lạc bộ.

Tham gia câu lạc bộ để CV "hoa mỹ" hơn?

Khánh Chi - sinh viên năm 3 tại Đại học Ngoại Thương, cho biết trong hai năm đầu đại học, cô chọn đi dạy kèm để kiếm thêm thu nhập thay vì tham gia các câu lạc bộ. Tuy nhiên, đầu năm nay, khi bắt đầu chuẩn bị cho quá trình tìm kiếm công việc thực tập, Chi nhận ra rằng hồ sơ xin việc của mình còn khá trống trải. Trong khi đó, hầu hết các nhà tuyển dụng đều yêu cầu ứng viên đã có kinh nghiệm thực tế, từ các hoạt động ngoại khóa.

“Vì vậy, mình đã đăng ký tham gia ban sự kiện của một câu lạc bộ để bổ sung vào phần kinh nghiệm làm việc. Mặc dù không thực sự hứng thú với mảng này nhưng mình vẫn cố tham gia vì sợ khi đi xin việc bị chê là chỉ biết học, không năng nổ. Mình sợ sẽ bỏ lỡ những cơ hội thực tập tốt chỉ vì hồ sơ thiếu đi những hoạt động ngoại khóa”, cô tâm sự.

Lan Phương - sinh viên năm 2 tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nghe nói tham gia câu lạc bộ có nhiều lợi ích như nâng cao kỹ năng và mở rộng mối quan hệ, nên dù trượt tuyển vào một câu lạc bộ chuyên môn trong trường, cô vẫn quyết tâm đăng ký lại hai câu lạc bộ khác ngoài trường để tham gia.

“Lúc đó mình chỉ nghĩ nếu không tham gia thì sẽ bỏ lỡ những trải nghiệm quý báu của thời sinh viên mà các bạn khác đều được trải qua. Mình hy vọng sau khi vào sẽ được học hỏi những kiến thức liên quan đến ngành học nhưng sau nửa năm mình đã ‘rút lui’ vì nhận thấy không rèn luyện được thêm nhiều điều mới”, Phương nói.

Là sinh viên khối kinh tế, sau khi rời câu lạc bộ, Phương chọn đi làm thêm ở vị trí sale cho một trung tâm tiếng Anh. Mặc dù mới làm việc một thời gian ngắn, cô đã thu nhận được nhiều trải nghiệm thực tế hơn so với những trải nghiệm từ câu lạc bộ.

Sinh viên với nỗi sợ bị tách biệt ảnh 2

Clubless chỉ trạng thái hoặc tình huống không tham gia hay thuộc về một câu lạc bộ nào, được sử dụng để mô tả cảm giác cô đơn, sự tách biệt ra khỏi các tổ chức xã hội hay hoạt động tập thể.

Tìm hướng đi khác

Theo ThS. Nguyễn Minh Phúc - giảng viên bộ môn Phát triển bản thân tại Đại học Đại Nam, nỗi sợ clubless là tâm lý phổ biến hiện nay. Một trong những nguyên nhân chính khiến các bạn trẻ dễ rơi vào tâm lý này là do quan niệm chỉ khi tham gia câu lạc bộ mới là năng động.

Ngày nay tham gia hoạt động ngoại khóa nói chung và câu lạc bộ nói riêng là tiêu chuẩn để đánh giá quá trình rèn luyện và xét học bổng. Đây cũng được xem là tiêu chuẩn của sự năng động của sinh viên, khiến nhiều bạn cảm thấy lép vế và tự ti so với những bạn khác tham gia câu lạc bộ. Nhóm sinh viên này thường chưa xác định được sở thích, mục tiêu và định hướng rõ ràng trong hành trình học tập nên thường vội vàng tham gia các câu lạc bộ để nhận được sự công nhận trong các hoạt động chung.

“Trong mỗi mùa tuyển quân, các câu lạc bộ tại các trường đại học luôn sôi động với những hoạt động quảng bá, chiêu mộ thành viên mới. Sinh viên năm nhất dễ dàng bị cuốn vào sự náo nhiệt đó và tin rằng câu lạc bộ là cánh cửa duy nhất để học hỏi và phát triển”, ThS nói.

Bên cạnh đó, sự so sánh với bạn bè cùng trang lứa cũng là một yếu tố gây áp lực lớn. Nhiều bạn trẻ lo sợ bị cô lập, lạc lõng nếu không tham gia các hoạt động ngoại khóa mặc dù có thể họ không thực sự hứng thú.

Theo ThS Phúc, câu lạc bộ là môi trường tốt để giao lưu và cùng nhau phát triển, nhưng nếu sinh viên tự tạo ra những áp lực không đáng có thì rất dễ đánh mất sự tự tin và năng động của bản thân, thậm chí khiến kết quả học tập giảm sút.

“Thay vào đó, các em có thể tìm những hoạt động, tổ chức khác phù hợp để khám phá và phát huy thế mạnh của bản thân thay vì để áp lực đồng trang lứa hay những nỗi sợ vô căn cứ đè nặng.

Điều quan trọng nhất không phải là bạn có tham gia câu lạc bộ hay không, mà là bạn có thực sự tận dụng tốt thời gian để phát triển chính mình”, ThS Minh Phúc nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Trao 300 suất quà Tết đến đồng bào khó khăn ở Quảng Trị
Trao 300 suất quà Tết đến đồng bào khó khăn ở Quảng Trị
TPO - Ngày 9/1, nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025, Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) phối hợp với Báo Tiền Phong, Tỉnh Đoàn Quảng Trị tổ chức tặng 300 suất quà, mỗi suất quà 600.000 đồng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại TP. Đông Hà, huyện Gio Linh và huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.