Lễ ra mắt sách và giao lưu tác giả - tác phẩm của NXB CAND được tổ chức trong không gian Hội chợ sách chào mừng ngày Sách Việt Nam tại công viên Thống Nhất sáng 22/4.
Dù trời mưa tầm tã nhưng rất đông độc giả yêu sách đã đến dự lễ ra mắt sách 3 cuốn sách mới của NXB CAND: tập truyện ngắn “Đối mặt” của nhà văn, Đại tá Nguyễn Hồng Thái, tiểu thuyết “Âm binh và lá ngón” của nhà văn Tống Ngọc Hân và tiểu thuyết “Mùa thu ở lại” của nhà văn Vũ Thị Hồng.
Tập truyện ngắn “Đối mặt” của nhà văn, Đại tá Nguyễn Hồng Thái được xuất bản cách đây khá lâu và mới tái bản, nhưng ông chưa từng tổ chức ra mắt sách. Thậm chí, truyện ngắn “Đối mặt” được in trong tuyển tập này còn được ông sáng tác cách đây những 20 năm. Thế nhưng giờ đây ông mới “tự tin” để công bố ra mắt sách rầm rộ.
Ông thành thật chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ dám tổ chức ra mắt sách, vì tôi sợ mình còn non kém so với các anh chị nhà văn khác, sợ mình viết chưa đạt, nói như chị em trẻ bây giờ là “yếu không dám ra gió”. Nhưng qua thời gian, tôi thấy các truyện ngắn của mình được độc giả đón nhận, chia sẻ nên giờ tôi mới dám “trưng bày” các tác phẩm công khai. Hay nói cách khác là giờ đây “gió” lặng bớt rồi nên tôi muốn đưa tác phẩm của mình “ra gió” một chút xem có nên viết tiếp hay không.”
“Đối mặt” là tập truyện ngắn đầu tay của nhà văn Nguyễn Hồng Thái. Trong số các tác phẩm được in trong tuyển tập, có một tác phẩm từng đoạt giải Nhất Cây bút vàng – giải thưởng do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn tổ chức.
Tác giả tặng sách cho độc giả.
Ít ai biết rằng, nhà văn Vũ Thị Hồng chính là “phu nhân” của nhà văn Chu Lai. Thế nhưng, khác với ông xã (2, 3 tháng có thể ra một cuốn sách), nhà văn Vũ Thị Hồng viết sách rất lâu. Mỗi ngày chị chỉ có thể viết vài chục phút, nhiều nhất là vài tiếng vì còn phải chăm lo chuyện gia đình, công việc. Chị từng cho ra đời 5 tuyển tập (trong đó có một tuyển tập viết cùng chồng), một tiểu thuyết và mới nhất là tác phẩm “Mùa thu ở lại”.
“Mùa thu ở lại” là cuốn tiểu thuyết viết về tình đồng chí, đồng đội của những người lính bước ra từ chiến tranh. Những con người đó không gục ngã trước số phận mà quyết tâm vươn lên vì một tương lai tươi sáng.
“Âm binh và lá ngón” tái hiện một không gian văn hóa đa dạng ở vùng biên giới phía Bắc, nơi vẫn còn rất nhiều hủ tục lạc hậu, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tác phẩm đi sâu khai thác những tâm tư, tình cảm của các chiến sĩ cơ sở, đang ngày đêm bảo vệ sự bình yên vùng biên cương.