Khi nhà báo viết tiểu thuyết trinh thám, kinh dị

TPO - “Bão ngầm”, “Cô Mặc Sầu”, “Vực gió”, “Thành phố không có cầu vồng” là tên 4 cuốn tiểu thuyết của các nhà văn, nhà báo vừa được NXB Công an nhân dân ra mắt. Bốn cuốn sách này có nội dung nói về thế giới tội phạm đen tối, những vụ án li kì, những cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, thậm chí là cả những bí ẩn nhuốm màu liêu trai… 

Đây là bốn tiểu thuyết đã đạt giải cao trong cuộc thi sáng tác văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” (2012 – 2015) do Hội nhà văn Việt Nam và Bộ Công an tổ chức.

Bốn tiểu thuyết đặc sắc này vừa được NXB CAND ra mắt vào ngày 12/9 tại Triển lãm - Hội chợ sách Quốc tế Việt Nam.

“Bão ngầm” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Trung tá Đào Trung Hiếu (hiện đang công tác tại báo Công an nhân dân). Từng là một chiến sĩ tại Phòng cảnh sát hình sự số 7 Thiền Quang, nhà báo Đào Trung Hiếu đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, vốn sống từ quãng thời gian làm lính. Để từ đó, khi chuyển từ cầm súng sang cầm bút, anh đã cho ra đời một tác phẩm chân thực và sống động về cuộc chiến đấu bài trừ ma túy của lực lượng công an nhân dân. Trong cuộc chiến này, sự nguy hiểm từ súng đạn không đáng sợ bằng chính những cám dỗ của đồng tiền, danh lợi hay còn gọi là những “viên đạn bọc đường”.

Khi nhà báo viết tiểu thuyết trinh thám, kinh dị ảnh 1

Nhà báo, Trung tá Đào Trung Hiếu (phải) và nhà báo Nguyễn Hữu Phùng Nguyên (trái) giao lưu với độc giả.

Là một nữ nhà báo, nhà văn đã khá quen thuộc với độc giả, nhưng với “Vực gió”, ta sẽ thấy một Phong Điệp hoàn toàn khác – trong vai của một cô gái mười bảy tuổi còn đầy bỡ ngỡ với cuộc đời những đã phải đối diện với bi kịch khủng khiếp nhất.


Với những chuyến đi tìm sự thật mang màu sắc liêu trai đầy bí ẩn của Lam trong “Vực gió”, Phong Điệp muốn đưa ra một cách tiếp cận mới về cuộc sống của giới trẻ khi gặp phải những nỗi bất hạnh, mất mát.

Khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống, họ sẽ ứng xử như thế nào? Sẽ giải quyết ra sao trước cái ác? Truyện có đầy đủ chất của một vụ án hình sự, nhưng vẫn không kém phần đằm sâu, nữ tính.

Khi nhà báo viết tiểu thuyết trinh thám, kinh dị ảnh 2 Nữ nhà báo Phong Điệp (trái) và nhà văn Nguyễn Đình Tú (phải) trong lễ ra mắt sách.
“Thành phố không có cầu vồng” là tác phẩm của nhà báo Nguyễn Hữu Phùng Nguyên – cây bút phóng sự báo Tiền Phong, đạt giải C trong cuộc thi sáng tác văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.

Đây là tác phẩm lấy cảm hứng từ phóng sự hai kì mang tên “Tam giác quỷ giữa thành Vinh” được đăng trên báo Tiền Phong, viết về những đứa trẻ đánh giày nghiện hút với vô vàn mối nguy hiểm bủa vây khi lỡ dại dính vào “cái chết trắng”. 

Lí do thôi thúc khiến anh đặt bút viết tác phẩm này là sự ám ảnh về cái chết của một cậu bé ở giữa “Tam giác quỷ”. Dù chưa tìm ra nguyên nhân của cái chết, nhưng nhà báo Phùng Nguyên đã dấn thân và phát hiện rằng: sự ra đi của cậu bé có liên quan đến một tổ chức tội phạm từng sử dụng ma túy để lôi kéo và biến những cậu bé đánh giày tội nghiệp thành tay sai.

Khi nhà báo viết tiểu thuyết trinh thám, kinh dị ảnh 3

Cuốn sách "Thành phố không có cầu vồng" của tác giả Nguyễn Hữu Phùng Nguyên

Khi nhà báo viết tiểu thuyết trinh thám, kinh dị ảnh 4 Nhà báo Nguyễn Hữu Phùng Nguyên kí tặng sách.

“Cô Mặc Sầu” - cuốn tiểu thuyết thứ tám của nhà văn quân đội Nguyễn Đình Tú đã thu hút bạn đọc ngay từ cái tên ấn tượng. Không gian tiểu thuyết được gói gọn trên những cung đường đẹp như tranh và trong thung lũng nhỏ bé, xinh đẹp bạt ngàn hoa Dạ thảo phong. Giữa những yên bình, thơ mộng ở một góc rừng núi xa lắc ấy bỗng rúng động bởi những vụ án liên tiếp xảy ra.

Cốt truyện dựa theo một vụ án ly kỳ, có mưu mô, máu chảy, lòng tham. Từng góc khuất của kỳ án Cô Mặc Sầu, những câu chuyện nhuốm màu huyền bí của bà lão Tất Nhung trăm tuổi, cuộc trở về tìm lại nguồn cội của cô gái Việt kiều Min… là những chìa khóa để Nguyễn Đình Tú đặt ra trước bạn đọc những câu hỏi, những cảnh tỉnh về văn hóa, truyền thống và tình người.

MỚI - NÓNG