Nữ lãnh đạo Đài Loan: Cân bằng quan hệ với Trung Quốc đại lục

Là nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan, bà Thái Anh Văn được nhiều người Đài Loan ví như Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: LA Times
Là nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan, bà Thái Anh Văn được nhiều người Đài Loan ví như Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: LA Times
TP - Bà Thái Anh Văn đã trở thành nữ lãnh đạo đắc cử đầu tiên của Đài Loan, sau khi Quốc dân Đảng thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử hôm 16/1 tại hòn đảo này. Sau khi giành chiến thắng, gần như ngay lập tức, nhà  lãnh đạo 59 tuổi này nói về vấn đề Trung Quốc đại lục, rằng bà sẽ nỗ lực duy trì hòa bình, nhưng cũng sẽ bảo vệ “những lợi ích và chủ quyền của Đài Loan”.

Dù Trung Quốc từ khi có nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã có nhiều hành động phô trương sức mạnh để củng cố yêu sách chủ quyền ở biển Đông và Hoa Đông, nhưng giới chuyên gia cho rằng, Đài Loan quan trọng hơn bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào về mức độ nhạy cảm và tầm quan trọng.

Kêu gọi tự do hàng hải

Sau 8 năm bình lặng ở nơi được coi như thùng thuốc súng của châu Á, chiến thắng vang dội của một lãnh đạo đối lập có thiên hướng độc lập, bà Thái Anh Văn, lại đưa hòn đảo này trở thành tâm điểm như một trong những vấn đề an ninh nhạy cảm nhất ở khu vực. Đài Loan ước tính, hàng trăm tên lửa từ đại lục đang hướng về họ qua vùng biển hẹp, sẵn sàng dùng vũ lực để đưa hòn đảo về tầm kiểm soát của Bắc Kinh. Trung Quốc thực hiện đợt tập trận bắn đạn thật hiếm hoi trên eo biển nhạy cảm chia rẽ Đài Loan và đại lục hồi tháng 9 năm ngoái, nhưng cơ quan quốc phòng Đài Loan chỉ gọi đây là hoạt động thường kỳ.

“Bà ấy (bà Thái) sẽ phải đối mặt một nhà lãnh đạo rất cứng rắn ở Bắc Kinh”, Reuters dẫn nhận định của GS Chu Yun-han ở Đại học Đài Loan. Nhưng bà Thái cũng sẽ phải chứng tỏ khả năng với chính cử tri của mình, nhất là thế hệ trẻ quyết liệt và ủng hộ độc lập hơn. “Điều đó khiến bà ấy không có nhiều không gian để xoay xở”, GS Chu nói.

Cuộc bầu cử năm 2008 với chiến thắng thuộc về nhà lãnh đạo thân đại lục Mã Anh Cửu, người tái đắc cử 4 năm sau đó, đã mở ra một thời kỳ quan hệ bình lặng chưa từng có tiền lệ giữa Đài Loan và đại lục. Nhiều thỏa thuận thương mại và du lịch được ký kết trong giai đoạn này.

Trong thời gian tranh cử, Đảng Dân chủ Tiến bộ (gọi tắt là Dân Tiến hoặc DPP) của bà Thái liên lục phải nhấn mạnh rằng, nếu thắng cử, sẽ không đưa quan hệ của Đài Loan với đại lục trở lại thời kỳ căng thẳng. Nữ lãnh đạo 59 tuổi này nói về vấn đề Trung Quốc đại lục gần như ngay lập tức sau khi giành chiến thắng, rằng bà sẽ nỗ lực duy trì hòa bình, tuy nhiên cũng sẽ bảo vệ “những lợi ích và chủ quyền của Đài Loan”.

Bà Thái ngày 16/1 kêu gọi tự do hàng hải ở biển Đông và một giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên vùng biển này, Reuters đưa tin.

Đại lục không chấp nhận trái đắng

Trong khi đó, Trung Quốc đại lục khá chừng mực trong phản ứng, chỉ nhắc lại quan điểm chung là phản đối Đài Loan độc lập, nhưng sự bất định vẫn ở phía trước, các nhà phân tích nhận định. Hãng thông tấn Xinhua cảnh báo, bất kỳ bước đi nào nhằm tiến tới độc lập cũng giống như “thuốc độc” dẫn Đài Loan đến chỗ diệt vong. Trong bài xã luận vừa đăng, Global Times thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc viết rằng, nếu chính quyền của bà Thái “vượt quá vạch đỏ” như ông Trần Thủy Biển (người có chủ trương độc lập), Đài Loan sẽ “đi vào ngõ cụt”.

Trong một bài bình luận đăng trên báo mạng hôm 17/1, trung tướng Wang Hongguang, cựu Tư lệnh quân khu Nam Kinh, nói rằng, quân đội Trung Quốc giờ đây đã được chuẩn bị tốt hơn bao giờ hết để có thể thực hiện những chiến dịch chống lại Đài Loan. “Các lực lượng tiền tuyến giống như hổ đã mọc cánh”, ông Wang viết. “Bà Thái Anh Văn và lực lượng độc lập của bà ấy không nên nghĩ họ có thể thoát được. Đại lục sẽ không nuốt trái đắng của việc Đài Loan độc lập”, ông Wang cảnh báo.

Theo giới phân tích, thế giới bên ngoài không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của Đài Loan đối với các lãnh đạo Trung Quốc. Đối với nhiều người dân đại lục, Đài Loan là phần không thể tách rời của Trung Quốc là điều không phải nghi ngờ. Trên mạng xã hội Weibo những ngày này lại rộ lên cụm từ “dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan”, Reuters đưa tin.

Tại Mỹ, nước không có quan hệ chính thức với Đài Loan nhưng là quốc gia hỗ trợ quân sự và ngoại giao quan trọng nhất của hòn đảo này, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Ted Cruz, nói: “Hơn bao giờ hết, chúng ta phải đứng cạnh Đài Loan và tái khẳng định cam kết của chúng ta đối với an ninh của họ”. Một tháng trước cuộc bầu cử Đài Loan, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama chính thức thông báo với Quốc hội về gói hợp đồng bán vũ khí trị giá 1,83 tỷ USD cho Đài Loan, khiến Bắc Kinh nổi giận và tuyên bố sẽ trừng phạt các công ty Mỹ liên quan. 

Mỹ, Nhật chúc mừng

Mỹ và Nhật Bản ngày 16/1 gửi lời chúc mừng đến nhà lãnh đạo nữ đầu tiên của Đài Loan, bày tỏ tiếp tục quan tâm sâu sắc đến hòa bình giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục. “Chúng tôi hy vọng chính quyền của ông Mã Anh Cửu và chính quyền sắp tới sẽ hợp tác xây dựng để đảm bảo quá trình chuyển giao êm thấm, đồng thời tiếp tục nỗ lực vì hòa bình và ổn định trong khu vực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố: “Đài Loan là một đối tác quan trọng và người bạn quý của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản sẽ nỗ lực tăng cường hợp tác và giao lưu giữaa Tokyo và Đài Bắc”. Nhật Bản hy vọng các vấn đề liên quan Đài Loan sẽ “được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan, góp phần vào hòa bình, ổn định trong khu vực”, ông Kishida nói.

Theo 0
MỚI - NÓNG