Năng nổ, nhiệt huyết
Ngay lần đầu gặp, nữ Bí thư Đoàn 8x Lô Thị Thúy Hà đã để lại ấn tượng với duyên ăn nói của một cô gái miền sơn cước, dù nhỏ nhẹ nhưng chứa đựng sự rắn rỏi, đầy quả quyết. Năm 2014, Hà chính thức là thủ lĩnh trong công tác Đoàn của tuổi trẻ xã Mường Nọc. Cũng từ đây, công tác đoàn ở xã miền núi này đã được thổi một “luồng gió mới”.
Lô Thị Thúy Hà - Bí thư Đoàn xã Mường Nọc. (Ảnh: TH) |
Nữ Bí thư Đoàn xã chia sẻ, 16 tuổi, chị bén duyên với Đoàn. Dòng máu nhiệt huyết với Đoàn rần rần chảy trong người từ những ngày chị còn học phổ thông, rồi lên cao đẳng, đại học và sau này công tác Đoàn tại địa phương. “Đoàn luôn chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim tôi. Đoàn giúp tôi lớn hơn, trưởng thành hơn, làm việc có kế hoạch, biết đứng lên sau thất bại và chịu trách nhiệm đối với những việc mình làm”, nữ Bí thư bộc bạch.
Thúy Hà nói, Mường Nọc được thành lập dựa trên cơ sở điều chỉnh mở rộng thị trấn Kim Sơn và sáp nhập giữa xã Quế Sơn với xã Mường Nọc; có 3 dân tộc sinh sống gồm Thái, Khơ mú, Kinh, đời sống còn nhiều khó khăn. Hiện ở Mường Nọc còn 2 bản Thanh Phong 1, Thanh Phong 2 chưa có đường và cầu cứng đi qua nên việc trao đổi thông tin, việc đi cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Việc tập hợp thanh niên ở đây cũng gặp nhiều trở ngại, chỉ có ít thanh niên ở lại địa phương, còn lại là đi làm ăn ở địa phương khác, hoặc đi xuất khẩu lao động.
Làm biển báo phòng chống đuối nước từ lốp xe. (Ảnh: TH) |
Dù vậy, nữ thủ lĩnh 8x luôn chủ động bám sát cơ sở, tìm nhiều giải pháp tập hợp thanh niên; hướng dẫn tổ chức hoạt động tại các chi đoàn. Chú trọng duy trì và nâng chất lượng sinh hoạt tại các chi đoàn, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên. Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả trên các lĩnh vực như: phong trào Thanh niên tình nguyện, hiến máu, đền ơn đáp nghĩa, xung kích phát triển kinh tế,…
Xây dựng nhiều tuyến đường thanh niên; mô hình bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon,.... Tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho thiếu nhi, đặc biệt là kỹ năng phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em.
Chị Hà cùng lực lượng Công an huyện Quế Phong, ĐVTN xã Mường Nọc giúp người dân thu hoạch lúa sau mưa lũ |
Thời điểm xuất hiện dịch COVID-19, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Hà đã chỉ đạo xây dựng đội thanh niên xung kích với 30 ĐVTN, tổ chức hiệu quả nhiều mô hình như “Shipper 0 đồng”; tuyên truyền lưu động đến tận thôn, bản; hỗ trợ tiêm vắc xin… “Khó khăn nhất ở miền núi là việc tập hợp thanh niên. Thời gian hè, chúng tôi tận dụng lực lượng học sinh tổ chức thêm nhiều hoạt động tình nguyện để các bạn hòa nhập, tăng sự tương tác, giao lưu chia sẻ. Cái khó là kinh phí eo hẹp, không đủ để làm các công trình thanh niên”, Hà chia sẻ.
Xây dựng lò đốt rác mini cho các hộ khó khăn ở bán Ná Công |
Lớp xóa mù chữ cho các bà, các mẹ
Bốn năm qua, Đoàn xã Mường Nọc luôn duy trì mô hình “Trao sách – gửi yêu thương”. Để các em có sách vở đến trường, tuổi trẻ xã nhà đã không quản ngại đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, đến tận nhà trao sách giáo khoa cho các em trước khi bước vào năm học mới. Những cuốn sách giáo khoa mặc dù đã qua sử dụng nhưng được các bạn đoàn viên “tân trang” lại từ việc thay nhãn, bìa nilon, dán keo... đã kịp gửi đến các em trước ngày khai giảng.
Trao tặng sách, cặp,... cho các em học sinh khó khăn |
“Với thông điệp “Trao sách, gửi yêu thương”, BTV Đoàn xã đã phát động kêu gọi quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho các em. Việc dành sách giáo khoa cũ để gửi tặng không chỉ giúp các học sinh có hoàn cảnh giảm bớt khó khăn mà lớn hơn nó còn giúp toàn xã hội giảm chi phí in ấn, sản xuất giấy, bảo vệ môi trường; thể hiện tinh thần tương thân tương ái, quan tâm, sẻ chia”, Hà nói.
Xã Mường Nọc hiện có khoảng hơn 10% các bà, các mẹ không biết chữ. Đây là “điểm yếu” của phụ nữ dân tộc thiểu số. Với vai trò là Bí thư Đoàn xã, Hà luôn đau đáu làm sao để các bà, các mẹ có thể đọc thông viết thạo, chí ít là biết được mặt chữ cái và viết được tên mình.
Lô Thị Thúy Hà nhận giải thưởng Lý Tự Trọng tỉnh Nghệ An năm 2022. |
“Từ thực trạng trên địa bàn, tôi đang xây dựng kế hoạch mở lớp học xóa mù chữ cho các bà, các mẹ. Một tuần có thể từ 2-3 buổi, tranh thủ sau những buổi lên nương rẫy sẽ tổ chức dạy học. Việc tổ chức các lớp học xóa mù chữ chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, tôi tin lớp học sẽ thành công”, Hà chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hiệp – Bí thư Huyện Đoàn Quế Phong cho hay: “Đồng chí Hà là cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt huyết, xung kích trong mọi hoạt động. Dù ở cương vị nào, chị luôn nỗ lực hết mình, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đưa phong trào đoàn của địa phương đi lên”.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, Lô Thị Thúy Hà vinh dự được nhận Bằng khen của T.Ư Đoàn vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào Thanh nhi năm 2021. Uỷ ban T.Ư Hội LHTN Việt Nam trao giải thưởng 15/10 và trao Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào Thanh niên năm 2021. Là Đảng viên trẻ xuất sắc nhận giải thưởng Lý Tự Trọng tỉnh Nghệ An năm 2022.