Nỗi lo dịch kép

Nỗi lo dịch kép
TP - Sau những động thái của Bộ y tế cùng với sự nỗ lực của các cấp các ngành người dân tạm yên tâm khi những thông tin được đưa ra khá khả quan: Dịch sởi đã có chiều hướng giảm.

Khái niệm “giảm” đang được dư luận hiểu theo nghĩa là những người mắc mới không tăng theo từng ngày như trước. Nhưng vẫn chập chờn đâu đó nỗi lo thắt ruột những bệnh nhi bị sởi đang trong tình trạng nguy kịch.

Người phụ trách ngành đã từng khuyến cáo, trong những ngày nghỉ lễ tới, mà nghỉ những 5 ngày, với sự dịch chuyển của những tua tuyến du lịch, rất có thể dịch sởi gia tăng trở lại. Vậy nên, hãy tự bảo vệ mình và những người thân bằng cách…không dịch chuyển, đồng nghĩa bảo vệ mình bằng việc tiết chế, hi sinh việc du hí trong những ngày nghỉ.

Khuyến cáo đó lúc này được dư luận đồng tình, bởi những diễn biến đáng lo ngại của dịch sởi trong thời gian qua và cách ứng phó với dịch sởi của cơ quan chức năng khiến người ta không thể an tâm phó mặc và đặt sinh mệnh của mình vào hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Như là một phản xạ tự thân, phản xạ trấn an, phản xạ sinh tồn, dân chúng coi khuyến cáo trên là phòng xa, có trách nhiệm.

Châm ngôn có câu: Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Những người chăm sóc sức khỏe người dân lại gióng lên lời cảnh báo: Dịch thủy đậu và tay chân miệng đang vào mùa.

Còn nhớ những năm trước, với chỉ riêng dịch tay chân miệng thôi, ngành y tế đã khá vất vả ứng phó với nó khi có những diễn biến “phức tạp”. Và thời điểm đó có vị quan chức đã “ bắt bệnh” và đá bóng trách nhiệm “do biến đổi khí hậu”. Rồi dịch tay chận miệng cũng qua…

Ngành y tế lúc này đang đối mặt với nỗi lo dịch chồng lên dịch. Dịch sởi chưa qua, dịch tay chân miệng, thủy đậu lại đang vào mùa. Kinh nghiệm ứng phó với dịch những mùa qua, ắt đã giúp những người làm chuyên môn rút ra cho mình nhiều kinh nghiệm đáng quý. Kinh nghiệm giáo án nhất có lẽ là nhìn thẳng vào thực tại, bốc bệnh chuẩn và có những khuyến cáo kịp thời cũng như tinh thần cầu thị trước những ý kiến xây dựng để có những động thái tích cực cùng người dân khống chế, bao vây dập dịch.

Nguồn tài lực của ngành y tế nước ta trong thời khó có những hạn chế nhất định, nhưng khi phương châm “xã hội hóa” được hiểu đúng và làm đúng thì tất cả những khó khăn mà ngành đang đối mặt sẽ được cởi bỏ và hóa giải.

Y đức, y thuật của những người đã từng tuyên thệ lời thề Hippocrates sẽ là hiện thực khi và chỉ khi họ luôn vì cộng đồng, vì những người bệnh.

MỚI - NÓNG