Học gì từ xứ sở Hoa anh đào - Kỳ cuối:

Niềm tự hào và sự 'bảo thủ'

Nội thất khoang tàu Shinkansen hạng sang hiện đại như máy bay Boeing.
Nội thất khoang tàu Shinkansen hạng sang hiện đại như máy bay Boeing.
TP - Người Nhật rất giỏi phát triển cái của người khác lên đỉnh cao không quốc gia nào theo kịp như tàu siêu tốc Shinkansen nhiều thế hệ. Nhưng cũng lạ lùng thay, trình tiếng Anh của xứ sở này hiện nằm bét bảng xếp hạng.

Shinkansen- niềm tự hào của thế giới

Khi xem trong lịch trình chuyến công tác có dịp được trải nghiệm tàu cao tốc Shinkansen từ Tokyo tới Fukushima, chúng tôi hét lên sung sướng, bởi kiếm vé đi tàu siêu tốc thậm chí khó hơn vé máy bay và hiếm có đoàn Việt Nam được đi Shinkansen vì giá cả đắt đỏ.

Chúng tôi có mặt ở ga Tokyo, nơi tập trung tất cả các loại tàu đường sắt, nhưng tuyến Shinkansen được dẫn lối đi riêng vì nó có hệ thống đường ray riêng biệt. Thủ tục lên tàu vô cùng đơn giản, chỉ mất vài giây vé được kiểm tra tự động, qua cửa và được hướng dẫn vị trí đứng đợi theo số ghế, toa ghi trên vé. Mỗi người được mang theo túi, vali tương tự như hàng xách tay trên các chuyến bay. Bảng điện tử cung cấp thông tin từng chuyến tàu siêu tốc chạy liên tục trên tường y chang ở sân bay.

“Người Nhật giỏi nhiều thứ nhưng tiếng Anh là điểm yếu mà càng cải tiến càng thất bại!”.

Ông Kazunori

Chúng tôi phải bước thật nhanh để kịp đến điểm chờ. Tàu chỉ dừng đúng 3 phút cho việc dọn vệ sinh và đón khách lên tàu. Dòng người trật tự, lặng lẽ xếp hàng chờ tàu đến. Chúng tôi nhìn cách người Nhật xếp hàng để học theo họ: Hành lý để sát người, đứng gọn vào phía bên trái của đường đi để nhường lối ra cho khách xuống tàu. Trong lúc chờ tàu, chúng tôi kịp chụp vài tấm hình tư liệu khi tàu lướt đến êm nhẹ như cơn gió! Một điều phối viên của Trung tâm Phát triển Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICE) chỉ cho chúng tôi cách xem thật nhanh những người lao công dọn vệ sinh trên tàu như những chú robot. 


Mỗi hàng có 6 chiếc ghế, có lối đi ở giữa, người dọn vệ sinh tay trái thoắt vơ hết rác ở sau mỗi lưng ghế, tay phải lau nước sát trùng lên từng mặt chiếc ghế nhanh đến nỗi dù đã điều chỉnh tốc độ chiếc máy ảnh Canon hiện đại chúng tôi cũng chỉ chụp được họ như một bóng mờ! Dãy ghế được thiết kế quay 180 độ giúp tàu chuyển hướng theo chiều ngược lại một cách nhanh nhất. Những thành viên trong đoàn mắt tròn, mắt dẹt, tâm phục, khẩu phục.

Chiếc Shinkansen đầu hình viên đạn màu xanh, trắng lướt nhẹ đậu trước mắt chúng tôi. 
Cả toa hành khách nhưng chỉ mất khoảng hơn 1 phút, chúng tôi lần lượt lên tàu và ngồi đúng số ghế. Tất cả hành lý xách tay được yên vị trên kệ. Nội thất và cách bố trí mỗi toa như khoang máy bay Boeing. 

Đặc biệt hơn, khu vệ sinh trên tàu vô cùng hiện đại: Bồn cầu thông minh xử lý lệnh theo cảm ứng tay người dùng trong 3 giây; khoang rửa tay được trang bị như phòng trang điểm kết hợp phòng thay đồ, có rèm che, bồn rửa tay, bàn chải và kem đánh răng trang bị sẵn sàng. Các vòi nước, sữa rửa tay dạng bọt, máy sấy khô tay tự động hoàn toàn, người dùng chỉ việc đưa tay lần lượt trước các vòi sẽ được phục vụ bởi hệ thống cảm ứng tự động giúp tay sạch và khô trong vòng nửa phút.

Từ Tokyo tới Fukushima gần 300km, chúng tôi chỉ mất 1 giờ đồng hồ với Shinkansen, tuy nhiên giá vé lên tới 22 nghìn yên (gần 4,4 triệu đồng). Tàu Shinkansen Yamagata ở Fukushima có một khoang ngắm cảnh được lắp đặt bồn ngâm chân để khách có thể vừa ngâm chân vừa thưởng ngoạn khung cảnh hùng vĩ bên cửa sổ.

Nhật Bản là quốc gia đầu tiên xây dựng đường sắt riêng biệt cho tàu cao tốc. Shinkansen trong tiếng Nhật là “Tân cán tuyến”, nghĩa là “đường huyết mạch mới” nhằm phân biệt với đường sắt khổ hẹp bấy lâu dùng ở Nhật.  Ngoài ra nó còn được gọi là bullet train (tàu viên đạn) do hình dạng thuôn gọn của đầu tàu, cùng tốc độ chẳng kém gì viên đạn bay ra khỏi nòng súng. 

Những tuyến đường sắt cao tốc này biệt lập chạy song song với hệ thống đường sắt cũ. Đây cũng là một đặc điểm nổi bật của Shinkansen khác biệt so với các hệ thống đường sắt cao tốc của Pháp (TGV) và Đức (ICE). Dựa trên nguyên tắc này, Shinkansen không bị đường sắt khác cắt ngang, giảm thiểu nguy cơ tai nạn. Hơn nữa, vì có đường riêng nên tàu hỏa Shinkansen và toa xe thiết kế khá nhẹ để có thể tận dụng vận tốc tối đa. 

Shinkansen chạy trên đường ray thông thường nhưng được gia cố và bảo trì nghiêm ngặt. Một hệ thống kiểm soát tự động được áp dụng để tránh tai nạn bằng cách duy trì khoảng cách của các tàu đồng thời ngăn không cho tốc độ vượt quá giới hạn cho phép. Tất cả các tàu được giám sát bằng hệ thống vi tính kiểm soát giao thông tại Tokyo.

Đặc biệt năm 2014, Cty đường sắt trung tâm Nhật Bản bắt đầu thử nghiệm chuyến tàu đệm từ, một phiên bản nâng cấp lên về vận tốc, kỹ thuật từ tàu Shinkansen với thiết kế độc đáo hình mỏ vịt mang tên Lo Series. Tàu đệm từ mỏ vịt đạt vận tốc 505km/h, so sới Shinkansen viên đạn thì Shinkansen mỏ vịt nhanh hơn 200km/h. 

Với thử nghiệm thành công này, Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên chế tạo được tàu đệm từ đạt tốc độ hơn 500km/h. Từ khi khánh thành vào năm 1964, có hơn 5,6 tỷ người đã sử dụng Shinkansen. Với hàng trăm nghìn chuyến tàu mỗi năm nhưng tổng thời gian lệch giờ chưa tới 3 phút!

Niềm tự hào và sự 'bảo thủ' ảnh 1

Khoang ngâm chân trên tàu cao tốc Shinkansen.

Theo Báo cáo thường niên về tài khoản quốc gia của văn phòng Nội các Chính phủ Nhật Bản, nhờ có sự phát triển của Shinkansen mà thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nền kinh tế đất nước Nhật Bản. Báo cáo tài chính quốc gia hàng năm của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, nếu như tháng 3/2004 cả nước có 403 triệu km đường tàu siêu cao tốc thì tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 491.000 tỷ yên. 

Đến tháng 3/2014, chiều dài đường tàu siêu cao tốc nâng lên tới 489 triệu km thì GDP cả nước đạt 529.000 tỷ yên. Điều đặc biệt, hễ số km đường tàu siêu cao tốc giảm lập tức kéo theo tỷ lệ tăng trưởng GDP cũng giảm theo. Con số này được Văn phòng Nội các Nhật Bản nghiên cứu, theo dõi suốt nhiều năm và công bố hằng năm như lời nhắc nhở rằng Shinkansen không chỉ là niềm tự hào của đất nước mà còn mang lại sức sống, sự phát triển cho quốc gia và ảnh hưởng tới đời sống mỗi người dân Nhật Bản.

Tiếng Anh-nỗi ám ảnh của người Nhật

“Người Nhật giỏi nhiều thứ nhưng tiếng Anh là điểm yếu mà càng cải tiến càng thất bại! Người Việt Nam nói tiếng Anh giỏi hơn người Nhật rất nhiều!”, vị Giám đốc Trung tâm Phát triển giáo dục quốc tế Kazunori thốt lên. Theo giáo sư Kazunori, Chính phủ Nhật đã tiến hành cải cách môn học tiếng Anh rất nhiều nhưng không mang lại hiệu quả bởi nguyên do bắt nguồn từ quyết sách thân phương Tây để phát triển mọi mặt nhưng loại trừ tiếng Anh từ thời Minh Trị. 

Để giúp người Nhật học hỏi tiến bộ khoa học kỹ thuật một cách nhanh nhất, Chính phủ Nhật cho dịch toàn bộ tư liệu, sách báo từ tiếng Anh sang tiếng Nhật để bất cứ người dân nào cũng mau chóng được tiếp cận kiến thức, áp dụng vào cuộc sống mà không phải mất thời gian học ngoại ngữ. Do đó, người dân Nhật Bản không có nhu cầu học và nói
tiếng Anh.

Ở Nhật, các bảng hiệu ở khắp nơi viết bằng tiếng Nhật. Với đa số dân chúng, tiếng Nhật độc tôn, không có nhiều cơ hội để nghe thấy ai nói tiếng Anh. Do đó, các học sinh, sinh viên không thấy được lợi ích khi học môn ngoại ngữ này. Khi hỏi các bạn trẻ là học sinh, sinh viên về điều này, nhiều bạn trả lời: “Tôi là người Nhật, do đó tôi sẽ không bao giờ phải dùng tiếng Anh trong tương lai”. Các giáo viên nước ngoài ở Nhật Bản có nhận xét chung là phương pháp dạy tiếng Anh ở nước này không hiệu quả. Tiếng Anh được đưa vào trường học từ sớm, nhưng tỷ lệ sinh viên có khả năng giao tiếp, nghe nói thực sự lại thấp một cách đáng ngạc nhiên, thua xa các nước trong khu vực!

Nhật Bản luôn rất giỏi trong việc “hô biến” cái của người khác thành của mình. Và bảng chữ cái Katakana sinh ra để giúp tiếng Anh gần gũi với cách đọc của người Nhật hơn. Thế nhưng, không ít người đã “lộn tùng phèo” khi phải đặt bút viết những cụm từ đơn giản bởi chính cách đánh vần kiểu Katakana này. Viết sai dẫn đến đọc sai, ví dụ từ “Christmas” (Giáng sinh) sẽ bị biến thành Kurisumasu. Và tất nhiên, cách chuyển phiên âm tiếng Anh sang phiên âm Katakana này sẽ dẫn tới những lỗi sai cơ bản trong việc nghe nói.

Niềm tự hào và sự 'bảo thủ' ảnh 2

Xếp hàng lên tàu cao tốc Shinkansen tại ga Tokyo. Các biển hiệu công cộng tại Nhật rất hiếm có tiếng Anh. Ảnh: Phương Hiếu

Trước khi sang Nhật Bản, chúng tôi được vị chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Á cảnh báo: “Người Nhật nói tiếng Anh buồn cười lắm và phải hết sức thận trọng kẻo hiểu lầm trở nên khiếm nhã! Tốt nhất là quan sát và làm theo cử chỉ của họ nếu các bạn không nói được tiếng Nhật, đừng cố gắng hỏi chuyện họ bằng tiếng Anh bởi khi họ trả lời, bạn sẽ “lăn đùng, ngã ngửa” ra đấy!”. Lúc đó, chúng tôi cứ ngỡ vị tiến sĩ từng du học tại Nhật này hài hước, nói cho vui.

Tuy nhiên, khi sang Nhật, người dân nước này nói tiếng Anh theo kiểu chả giống ai. Từ lunch (bữa trưa) họ viết theo chữ phiên âm và đọc luôn theo kiểu Nhật là Lăn-chi. Từ hot (nóng), người Nhật phiên âm và đọc là Hót-tồ! Dù được cảnh báo trước nhưng khi vấp phải cảnh đó, chúng tôi cười nắc nẻ nhiều phen.

MỚI - NÓNG