Học gì từ xứ sở Hoa anh đào?

TP - Với nội lực phi thường, người Nhật đã biến một quốc gia nghèo nàn về tài nguyên, liên tục gánh chịu hậu quả thiên tai, thảm họa động đất, sóng thần thành cường quốc. Những điều kỳ diệu ấy được hé mở từ chính những con người cần cù, kỷ luật và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu.

Kỳ I: Giúp đỡ người khác luôn miễn phí

Lãnh đạo càng cao, càng phải đi đầu gương mẫu. Điều đó được mặc định trong mỗi người dân đất nước Mặt trời mọc. Một vị lãnh đạo thành phố trực thuộc tỉnh Fukushima tâm sự: “Nếu phải lựa chọn lợi ích của quốc gia, của người dân với lợi ích cá nhân, tôi sẵn sàng hy sinh cá nhân”.

Căng mình với tốc độ công nghiệp

Hễ nhắc tới người Nhật, ấn tượng đầu tiên là sự chăm chỉ và làm việc chính xác từng giây với thái độ tận tình. Buổi sáng đoàn chúng tôi xuống sân bay, trên xe buýt về khách sạn, khi chưa hết ù tai sau chuyến bay, chúng tôi nhận suất ăn trưa và được phổ biến ngay lịch làm việc cho ngày đầu tiên. Chỉ có khoảng 20 phút cho việc nhận phòng và ăn trưa dù trước đó đã phải cả đêm chờ ở sân bay. Toàn bộ lịch tham quan, làm việc của chúng tôi được Trung tâm phát triển hợp tác Nhật Bản (JICE) sắp xếp chính xác tới từng phút!

Đến khách sạn, với nhiệm vụ trưởng đoàn, tôi không kịp nhận phòng vì phải cùng nhân viên khách sạn Emion trên Vịnh Tokyo (tỉnh Chiba) đi và nghe hướng dẫn cách thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp nếu gặp thiên tai, thảm họa. Anh Kumusa, nhân viên phụ trách an ninh Emion cho biết, mỗi khách sạn ở Nhật thường có 2 hệ thống thang thoát hiểm gồm thang bộ và thang máy cùng thang vận hành phổ thông nữa là 3 hệ thống cầu thang.

“Việc cứu hộ được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp: Trưởng đoàn và các nhân viên khách sạn phải sẵn sàng hướng dẫn các thành viên tới thang thoát hiểm theo biển chỉ dẫn. Nếu thang bộ quá đông phải chuyển ngay sang thang điện. Toàn bộ điện trong tòa nhà sẽ tự động chuyển tập trung vào thang máy duy nhất khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra. Bạn chỉ được rời tòa nhà sau cùng khi tất cả các thành viên thoát hiểm an toàn”, anh Kumusa nói.

Học gì từ xứ sở Hoa anh đào? ảnh 1

Từ trái qua phải: Phó thị trưởng thành phố Aizu Masaru, chiến binh Samurai và tác giả dưới chân thành cổ Tsuruga. Ảnh: Trung An

Chưa hết, tôi lại tiếp tục nghe điều phối viên của JICE hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe cho toàn đoàn 25 thành viên: Trước bữa sáng mỗi ngày phải đo nhiệt độ cho từng người, ghi chính xác thân nhiệt rồi báo lại cho điều phối viên. Trước tất cả các bữa ăn, nhân viên của JICE đều giúp chúng tôi rửa tay sát khuẩn bằng một chai rửa tay cô luôn mang theo. Tôi cố gắng ghi chép tất cả quy định, hướng dẫn dù đầu óc đang căng thẳng, buồn ngủ và bụng đói meo. Mệt mỏi rã rời, tôi vất vả mang hành lý về phòng rồi lại tập hợp các trưởng phòng phổ biến nội dung vừa lĩnh hội, cùng nhau chuẩn bị nội dung tập huấn buổi chiều và quà tặng cho đại biểu.

Phải cố gắng lắm tôi nhấc người về phòng, lặng lẽ ăn bữa trưa. Đồ ăn khá ngon nhưng tôi không thể ăn hết khẩu phần vì lại vội vàng thay đồ đến phòng họp để tiếp tục công việc buổi chiều và nghe chuyên đề về Nhật Bản. Tốc độ làm việc công nghiệp “ập” vào tôi và các thành viên là sinh viên đang tuổi ăn, tuổi ngủ một cách hối hả như vậy. Nhưng điều đáng mừng, tất cả chúng tôi có mặt đúng giờ dù mặt mũi chưa hết sự mệt mỏi, thiếu ngủ.

“Ở Nhật cái gì cũng đắt đỏ, duy chỉ có một thứ miễn phí bạn có thể hỏi xin ở bất cứ đâu, đó là sự giúp đỡ”.

Lê Thị Thu Uyên, sinh viên khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM

Sự chuẩn mực, nêu gương xuất phát từ chính các lãnh đạo người Nhật. Họ luôn đến sớm trước 10 phút để chuẩn bị chu đáo khi tiếp khách. Trong lịch trình, chúng tôi có hơn một giờ đồng hồ tham quan thành cổ Tsuruga, biểu tượng của thành phố Aizu Wakamatsu thuộc tỉnh Fukushima.

Biết lịch trình đó, đích thân ông Phó thị trưởng thành phố Saito Masaru đến tận thành chờ chúng tôi! Dù công việc bận rộn nhưng vị Phó thị trưởng bảo luôn mong được trò chuyện với chúng tôi, những người trẻ đến từ Việt Nam nơi có vị anh hùng Hồ Chí Minh mà ông rất ngưỡng mộ! Đích thân ngài Phó thị trưởng chuẩn bị và tặng chúng tôi mỗi người phần quà. Ông liên tục cám ơn vì chúng tôi đã gặp gỡ ông và tới thăm thành phố.

Phong cách ăn mặc của ông giản dị nhưng toát lên sự tôn trọng khách. Ông vận bộ vest và giày da sẫm màu, không khoác thêm áo rét cho dù nhiệt độ ngoài trời - 6 độ, tuyết rơi phủ trắng mọi nơi. Sau phần chào hỏi đoàn, chúng tôi tặng quà cho vị Phó thị trưởng thành phố.

Ông cúi người cám ơn và kể: “Tôi vô cùng yêu đất nước Việt Nam, đặc biệt ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời tôi còn trẻ, tôi thường theo dõi chiến sự từ đất nước các bạn qua báo đài. Khi Việt Nam thắng Mỹ năm 1975, tôi hét lên sung sướng và tôi đã khóc”, ông Saito Masaru rưng rưng xúc động.

Chính vì yêu mến Việt Nam mà ông và những người cùng trang lứa khi trở thành lãnh đạo thành phố Aizu quyết tâm hợp tác với Việt Nam. Ông Saito Masaru cho biết, tháng 3 tới, ngài Thị trưởng thành phố Aizu sẽ tới Hà Nội và đặt mối quan hệ hợp tác xúc tiến thương mại và du lịch.

Ông Saito Masaru trân trọng trao cho tôi những 3 tấm danh thiếp. Một danh thiếp của lãnh đạo thành phố, một chiếc khác tên ông in cùng biểu tượng thành cổ Tsuruga với nội dung giới thiệu các tour du lịch; chiếc thứ 3 có nội dung giới thiệu các đặc sản địa phương. Tôi hỏi ông về những chiếc danh thiếp này, ông bảo lãnh đạo ở Nhật thường thế, không chỉ trong điều hành công việc mà mỗi ngày phải giới thiệu và thúc đẩy mạnh hơn nữa những thế mạnh của địa phương mình.

Đất nước công nghiệp nhưng ít có quốc gia nào giữ được lễ nghĩa trong giao tiếp một cách bài bản như xứ sở Hoa anh đào. Với tất cả những tỉnh, thành phố, các cơ quan, trường học chúng tôi ghé thăm, người tiếp đầu tiên và cúi đầu, vẫy tay chào tạm biệt cho đến khi xe chúng tôi khuất dạng đều là những vị lãnh đạo đứng đầu cơ quan đó. Họ thực hiện nghiêm cẩn nghi lễ đó cho dù trời mưa gió hay thậm chí có cả bão tuyết khiến tất cả chúng tôi ngỡ ngàng, xúc động.

Trong câu chuyện riêng với tôi, ngài phó thị trưởng mỗi lần cám ơn lại cúi đầu khiến tôi đáp lại liên tục như thế. Giữa trời lạnh tuyết rơi, chúng tôi cúi đầu chào nhau gần mươi lần cho đến khi chị phiên dịch ra dấu chúng tôi phải nói lời tạm biệt.

Theo dõi toàn bộ câu chuyện với những kiến thức quý giá, Nguyễn Quốc Tiệp, sinh viên Khoa Báo chí - Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Huế (Đại học Huế) nói: “Tất cả những điều tốt đẹp được lan tỏa từ các lãnh đạo thì cấp dưới trông theo học tập. Sự tiên phong dẫn đường chính từ những điều tưởng như lặt vặt ấy”.

Hiện đại hòa trộn giá trị nhân văn

Để trở thành đất nước công nghiệp hiện đại như vậy, bất cứ người dân ở xứ sở Mặt trời mọc đều luôn nhớ và biết ơn cuộc Minh Trị duy tân nửa cuối thế kỷ 19 giúp Nhật Bản bứt phá với chính sách thân phương Tây. Ngoài việc thực hiện hoàn thiện cơ sở hạ tầng như xây dựng đường sắt, cải tạo đường sá, cảng biển ra, chính phủ Minh Trị còn khuyến khích việc học tập kỹ thuật của phương Tây bằng cách thuê người nước ngoài dạy kỹ thuật và cử người ra nước ngoài học tập, đặc biệt là nước Đức, giáo sư Akaishi Kazunori, Giám đốc Trung tâm phát triển giáo dục quốc tế, Đại học Takushoku cho hay.

Học gì từ xứ sở Hoa anh đào? ảnh 2

Đoàn sinh viên Việt Nam học hỏi, giao lưu tại Đại học Aizu tỉnh Fukushima. Ảnh: Phương Hiếu

Chính sách thân phương Tây của Nhật mang lại thành quả rực rỡ trong phát triển mọi mặt. Nhật Bản đã “lột xác”, Tây hóa hoàn toàn với việc từ bỏ phong tục Tết cổ truyền để chuyển thẳng theo lịch nghỉ tết Tây; trà đạo, trang phục truyền thống Kimono tồn tại như một môn nghệ thuật đỉnh cao, chỉ dịp đặc biệt mới “mang ra đãi khách” hoặc thể hiện trong lễ hội văn hóa.

Ở Nhật cái gì cũng đắt đỏ, duy chỉ có một thứ miễn phí bạn có thể hỏi xin ở bất cứ đâu, đó là sự giúp đỡ” - Lê Thị Thu Uyên, sinh viên khoa Quan hệ quốc tế (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM) kể - “Người Nhật rất nhiệt tình giúp người khác. Có lần tôi hỏi một chị vị trí ga tàu điện, chị ấy tuy không biết tiếng Anh nhưng khi hiểu vấn đề đã bỏ chuyến xe buýt sắp tới của mình để dẫn tôi tới tận ga. Có lần đi thăm đền bị lạc đoàn, thấy tôi hớt hải xin giúp đỡ, một chị nhân viên bán đồ lưu niệm cũng bỏ quầy và dẫn tôi tới tận nơi. Còn nhiều, nhiều lắm những sự giúp đỡ không tên ấy”.

Sự tốt bụng, thật thà và nhiệt tình của người Nhật là những điều ấn tượng, tốt đẹp nhất cả đoàn chúng tôi thu lượm được trong suốt hành trình này.  

Cả đoàn 25 người, ai cũng được giúp đỡ không dưới 2 lần ở mọi nơi chúng tôi đến. Vì không nói được tiếng Anh hay trong khi các biển chỉ dẫn hoàn toàn bằng tiếng Nhật nên tất cả những người giúp đỡ sẵn sàng gác lại công việc dù bận rộn để cầm tay chúng tôi đi tìm địa chỉ, tìm đường, giúp mua vé tàu hay tìm đồ thất lạc. Nghĩa cử từ trái tim, tấm lòng ấy chắc chắn điểm đến của nó là trái tim, tấm lòng của muôn người đến Nhật cất giữ và nâng niu…

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.