Những mảng màu tối ở Thung lũng Silicon

Thung lũng Silicon luôn là mơ ước của nhiều người.
Thung lũng Silicon luôn là mơ ước của nhiều người.
Thung lũng Silicon - trung tâm công nghệ của thế giới - bên cạnh những hào nhoáng vẫn còn nhiều góc tối mà ít người biết đến.

Mọi người nhìn Thung lũng Silicon bằng ánh mắt ngưỡng mộ và khao khát. Nơi đây tồn tại những vị anh hùng công nghệ đích thực làm thay đổi cả thế giới bằng các dịch vụ mang tính phổ quát như Google, Facebook, Uber. Họ tạo ra giá trị, sự giàu có và cơ hội lớn chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.

Bất kỳ ai nếu từng có dịp gặp gỡ giới lãnh đạo tại Thung lũng Silicon đều đọng lại trong đầu hình ảnh của những con người rộng lượng, thông minh, ân cần và tốt bụng. Họ mong muốn tạo thêm nhiều điều tốt đẹp bằng thái độ sốt sắng. Rõ ràng, Silicon Valley hiện là trung tâm của sự đổi mới và tiến bộ công nghệ.

Nhưng không phải ai đến đây rồi cũng muốn ở lại mãi. Một số người có ý định rời khỏi thung lũng vì khao khát trở lại thế giới thực. Có không ít doanh nhân thành đạt lại mơ tưởng đến một ngày được sống trong bầu không khí của quê hương, nuôi dạy các con tại nơi mình đã lớn lên, biến những đồng tiền tích cóp thời gian qua nẩy nở hơn gấp 2-3 lần khi còn ở Thung lũng.

Một doanh nhân đã chuyển đến San Francisco cho biết, ông cảm thấy “giống như một con bò ở trong chuồng” khi đang sống tại Silicon Valley, nên quyết định dành thời gian đi nhiều nơi hơn để làm mới bản thân.

Vậy, những biểu hiện này nói lên điều gì? Lý do nào tạo nên dòng chảy thoát ly khỏi Thung lũng Silicon? Đây là chủ đề đã được nhắc tới và phân tích nhiều lần.

Trung tâm của sự giàu có và miếng đất màu mỡ cho người trẻ

Rất nhiều người trẻ ở đây, phần lớn tốt nghiệp các trường đại học tên tuổi, kiếm được nhiều tiền hơn bất kỳ sinh viên mới tốt nghiệp nào. Những kỳ thực tập mùa hè có thể được trả 7.000 USD mỗi tháng cùng nhiều ưu đãi như vé máy bay về thăm nhà dịp cuối tuần.

Chưa kể, đang tồn tại cuộc chiến thu hút những kỹ sư mới ra trường, đặc biệt từ Stanford. Mức lương trung bình trong các công ty ở Thung lũng xấp xỉ 200.000 USD và không ngừng tăng. Tất cả được đẩy lên quá cao khiến công việc kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro do phải gánh quỹ lương khổng lồ.

Những mảng màu tối ở Thung lũng Silicon ảnh 1

Silicon Valley có quá nhiều tên tuổi lớn nên cạnh tranh rất khốc liệt.

Cạnh tranh khốc liệt

Thị trường công nghệ có xu hướng “được ăn cả, ngã về không”. Những công ty thành công gần như chiếm hết mọi lợi nhuận, kiếm hàng tỷ USD và chi phối tất cả, trong khi phần còn lại chỉ hưởng miếng bánh rất bé. Bởi vậy, kẻ mạnh lại càng phát triển hơn nhờ túi tiền rủng rỉnh, đẩy đối thủ vào đường cùng, chỉ đủ cố bám trụ trên thị trường, hoặc không sẽ bị nuốt chửng. Hiếm công ty nào ở dạng tầm trung.

Kết quả, các tổ chức luôn muốn đẩy hiệu suất công việc lên mức cao nhất. Kỹ sư, công nhân phải làm việc liên tục nhiều giờ. Cuộc chiến khốc liệt khiến người ta không có thời gian để nghỉ ngơi.

Làm việc chăm chỉ là điều đúng đắn. Nhưng thật khó chịu khi luôn có một đội quân “mắt cú” lù lù phía sau để xem bạn đang làm gì. Từ sáng cho tới tối mịt, điều đó khiến mọi người cảm thấy áp lực.

Cuộc chiến nhân tài

Nếu muốn giành thắng lợi lớn, nhất thiết phải có trong đội hình những chiến binh thiện chiến nhất. Vì thế, cuộc chiến giành giật nhân tài trở nên nóng hơn bao giờ hết. Các hãng công nghệ đua nhau tuyển dụng những kỹ sư hàng đầu, đầy triển vọng.

Google tuyển mộ phần lớn nhân sự từ Stanford, Berkeley, Carnegie Mellon, MIT và những trường hàng đầu khác bằng mức lương 6 con số, cộng thêm tiền thưởng. Facebook chọn cách đầu tư vào các trường đại học lớn, tiếp cận các giáo sư và rót nguồn tiền khủng để có được những sinh viên nổi bật.

Dễ nhận thấy một điều, tỷ lệ sinh viên chuyên ngành nhân văn tại trường “top” Stanford đã giảm mức kỷ lục trong năm qua, từ 20% xuống chỉ còn 7%. Giảng đường môn lịch sử, ngôn ngữ vắng dần sinh viên. Một số người nói đùa, Stanford giờ đây đáng lý ra phải gọi là “Viện công nghệ Stanford”. Từ 2014, số cử nhân tốt nghiệp Trường Kinh tế Harvard “đua nhau” vào các công ty công nghệ nhiều hơn thay vì làm việc cho ngân hàng.

Những mảng màu tối ở Thung lũng Silicon ảnh 2

Không thiếu thứ gì tại Silicon Valley khiến nơi đây bị bó hẹp.

Văn hóa bị bó hẹp

Những ông lớn như Apple, Google hay Facebook đều tạo dựng một không gian sống đầy tiện nghi cho nhân viên, thậm chí có cả khu nhà ở riêng, quán ăn, nơi vui chơi giải trí… Nếu không thể bố trí nơi ăn chốn ở gần chỗ làm, vẫn sẽ có xe đón đưa nhân viên mỗi ngày.

Tất cả điều diễn ra trong cái được gọi là “hệ sinh thái khép kín”, không thiếu bất cứ thứ gì. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc, họ phải sinh hoạt trong một không gian đóng, đặc biệt là văn hóa so với xã hội bên ngoài.

Chi phí cao đến chóng mặt

Giá cả ở khu Bay Area có thể khiến bạn choáng ngợp. Ngôi nhà “giản dị” nhất cũng có giá 1 triệu USD. Phí thuê căn hộ thấp nhất là 3.000 USD/tháng. Ngay như quận Santa Clara, giá bán trung bình mỗi căn cũng vào khoảng 1,25 triệu USD.

Thậm chí, nếu bạn đủ khả năng chi trả cho khoản phí này và đáp ứng nhu cầu cơ bản, cuộc sống nơi đây vẫn nảy sinh nhiều vấn đề. Chỉ đơn giản như hàng xóm hay những người làm việc cùng cũng đủ khiến bạn “chạnh lòng” với mức sống chênh lệch. Phải có thật nhiều tiền, bạn mới đủ tự tin để giao tiếp, kết bạn cùng mọi người.

Giải quyết vấn đề lớn

Silicon Valley được ví như “bộ não” của thế giới, nơi đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Điều này tạo ra sức ảnh hưởng lớn cho nước Mỹ, nhưng cũng đòi hỏi người kỹ sư phải đau đầu, làm việc đến kiệt sức.

Quan trọng hơn, vấn đề lại ngày một nhiều và “chất đống”. Vì thế, sẽ không có khái niệm “nghỉ ngơi” tại Thung lũng. Bạn luôn phải vận động, tiến lên phía trước nếu không muốn bị đào thải.

Đừng tưởng Thung lũng Silicon giàu có sẽ không thiếu nước. Do đặc điểm địa lý, California là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do tình trạng hạn hán kéo dài nhiều năm. Vì thế Bay Area cũng chịu chung số phận. Nước không dồi dào như nguồn tiền tại đây.

Những mảng màu tối ở Thung lũng Silicon ảnh 3

Silicon Valley vẫn tồn tại những vấn đề hết sức cơ bản.

Giao thông cũng không khấm khá hơn. Một vị CEO than thở, ông phải mất một tiếng để di chuyển quãng đường 15 dặm (khoảng 24 km) tại Palo Alto. Thật khó chấp nhận khi những tỷ phú vẫn phải nhích từng phân trên đường tại nơi được coi là “bộ não” sẽ điều khiển giao thông thế giới.

Tesla, xe tự lái Google đang trở thành niềm hy vọng giải quyết vấn nạn tắc đường. Nhưng ngay chính tại “đầu não” của các ông lớn này vẫn xảy ra tình trạng tương tự.

Nhìn chung, Thung lũng Silicon không tuyệt vời như bạn nghĩ. Ngoài những vấn đề trên, cũng phải nhắc tới chuyện phân biệt giới, sắc tộc nơi đây cùng các mối quan hệ chằng chịt. Người trẻ luôn khát khao chinh phục những thử thách và mong muốn làm giàu. Nhưng cùng với đó, họ có thể phải đánh đổi tuổi thanh xuân và nhiều thứ khác. Đến một ngày, phần lớn sẽ muốn rời đi để tìm hạnh phúc mới, tròn vị hơn.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG